Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, xổ số

Ngày 21/03/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 48/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số ( “Nghị định 48/2018”), cụ thể:

Thứ nhất, Nghị định 48/2018/NĐ-CP đã liệt kê cụ thể đối tượng là tổ chức bị áp dụng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm bao gồm: Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, văn phòng đại diện của doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, văn phòng đại diện của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài, đại lý bảo hiểm là tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh xổ số, đại lý xổ số là tổ chức và các tổ chức khác có liên quan quy định tại Nghị định này.

Thứ hai, Nghị định mới đã bổ sung hình phạt đối với một số hành vi vi phạm các quy định về Giấy phép thành lập và hoạt động, Giấy phép đặt Văn phòng đại diện doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm bị phạt cảnh cáo bao gồm:

  • Không thực hiện đăng báo hàng ngày trong 05 số báo liên tiếp về những nội dung phải công bố theo quy định của pháp luật;
  • Công bố không đúng thời hạn một trong những nội dung trong Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép đặt Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật;
  • Không công bố các nội dung hoặc nội dung sửa đổi, bổ sung tại Giấy phép đặt Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật;
  • Hành vi sửa chữa Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép đặt Văn phòng đại diện, ngoài bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng (theo Nghị định 98/2013/NĐ-CP) còn bị tịch thu tang vật;

Thứ ba, Nghị định bổ sung thêm các hành vi thuộc đối tượng vi phạm và xử phạt quy định về quản trị, điều hành, kiểm soát, bao gồm:
  • Hành vi bổ nhiệm Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc), Giám đốc chi nhánh, Trưởng Văn phòng đại diện doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu của quá một chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm hoặc các bộ phận nghiệp vụ. Bổ nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc của chi nhánh nước ngoài kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu của quá một bộ phận nghiệp vụ của chi nhánh đó;
  • Hành vi bổ nhiệm chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe, chuyên gia tính toán dự phòng và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài đồng thời kiêm nhiệm các chức danh Tổng Giám đốc (Giám đốc), kế toán trưởng cũng bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng;
  • Phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi bổ nhiệm các Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc), chuyên gia tính toán, Giám đốc Chi nhánh, Trưởng Văn phòng đại diện, Trưởng ban Kiểm soát, Kiểm soát viên, Trưởng ban Kiểm toán nội bộ, người đứng đầu các bộ phận nghiệp vụ, thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên không đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật;
  • Ngoài ra, một nội dung nổi bật tại Nghị định 48/2018/NĐ-CP đó là: hành vi ép người khác mua bảo hiểm nhân thọ bị phạt đến 100 triệu đồng. Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm nhân thọ, sức khỏe dưới mọi hình thức. Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, còn trường hợp tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi (tức là phạt từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng). Theo các quy định của pháp luật hiện hành, hành vi nêu trên không bị xử phạt hành chính.
  
Thứ tư, Nghị định đã quy định rõ hơn về trường hợp phạt tiền đối với hành vi gian dối, giả mạo tài liệu trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm đã nhận tiền bồi thường, trả tiền bảo hiểm (Khoản 3 Điều 14 Nghị định 98/2013/NĐ-CP). Các khái niệm về “hành vi gian dối”, “giả mạo tài liệu” đã được làm rõ. Và hình phạt này được áp dụng trong giới hạn số tiền chiếm đoạt nhất định (dưới 20 hoặc 50 triệu đồng) trong những trường hợp cụ thể. Theo Nghị định mới, phạt tiền từ 90 - 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về gian lận trong kinh doanh bảo hiểm mà số tiền chiếm đoạt dưới 20.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại dưới 50.000.000 đồng hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:
  • Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;
  • Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;
  • Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
  • Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác./.
Nghị định 48/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/5/2018 và bãi bỏ Khoản 1 Điều 9; Điểm b Khoản 2 Điều 14; Điểm a Khoản 3 Điều 23; Điểm d Khoản 6 Điều 24; các Điểm b, c, d, đ Khoản 1 Điều 26 Nghị định 98/2013/NĐ-CP.

Vietthink News. 

Cập nhật: 23/04/2018
Lượt xem:3787