Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Quy định pháp luật về Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới

I. Về hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới
Vận chuyển trái phép là hành vi đưa hàng hóa từ địa điểm này đến địa điểm khác không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền mà không nhằm mục đích bán. 
Theo quy định của Điều 189 Bộ luật Hình sự thì vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới được hiểu là hành vi vận chuyển hàng hóa, tiền tệ (bao gồm tiền Việt Nam và ngoại tệ), kim khí quý, đá quý, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc từ nội địa qua khu phi thuế quan nhưng không có giấy phép hoặc không đúng với quy định của Nhà nước về vận chuyển hàng hóa, tiền tệ qua biên giới Việt Nam.
 
Ảnh: Internet
Điều kiện cấu thành tội phạm vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới có 4 yếu tố gồm:
1. Khách thể của tội phạm:
Khách thể của Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới là xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại và chính sách quản lý tiền tệ của Nhà nước Việt Nam.  
2. Mặt khách quan của tội phạm:
Thứ nhất: Có hành vi đưa (mang) hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới (gồm biên giới trên bộ, biên giới trên không và biên giới trên biển) hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại. Những hành vi đưa hàng hóa, tiền tệ từ địa điểm này đến địa điểm khác không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền mà không nhằm mục đích bán.
Ví dụ: thông đồng với cán bộ Hải quan cửa khẩu để vận chuyển hàng hóa không đúng với giấy phép, hoặc lợi dụng hành lý xách tay để vận chuyển hàng hóa, tiền tệ với số lượng vượt quá mức cho phép mà không khai báo với Hải quan.
Thứ hai: Đối với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý có giá trị tới 100.000.000 VNĐ hoặc dưới 100.000.000 VNĐ nhưng thuộc một trong các trường hợp: (i) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật; (ii) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới hoặc tại một trong các tội: Buôn lậu; tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; tội sản xuất, buôn bán hàng giả; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi; tội đầu cơ; tội trốn thuế quy định tại BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. 
3. Mặt chủ quan của tội phạm:
Người thực hiện hành vi phạm tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới với lỗi cố ý, tức là phạm tội trong những trường hợp sau đây: (i) Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi hành đó và mong muốn cho hậu quả xảy ra; (ii) Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. 
4. Chủ thể của tội phạm:  
Chủ thể của tội phạm này là người có năng lực trách nhiệm hình sự, tức là (i) Người từ đủ 16 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; (ii) Pháp nhân thương mại được thành lập, hoạt động và chấm dứt theo quy định của pháp luật.
II. Về hình phạt đối với tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới 
Hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới nếu chưa đạt mức bị coi là tội phạm, thì có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Nghị định số 96/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, với mức phạt tiền lên tới 75.000.000 đồng, nhưng nếu đạt đủ điều kiện cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 
Theo Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về các mức hình phạt đối với tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới như sau:
Đối với cá nhân phạm tội:
1. Bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm khi thuộc một trong các trường hợp sau: 
• Giá trị hàng hóa, tiền tệ, kim khí, đá quý có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
• Giá trị hàng hóa, tiền tệ, kim khí, đá quý có giá trị dưới 100.000.000 đồng nhưng vật phạm pháp là di vật, cổ vật; hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới hoặc tại một trong các tội: Buôn lậu; tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; tội sản xuất, buôn bán hàng giả; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi; tội đầu cơ; tội trốn thuế quy định tại BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. 
2. Bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm khi thuộc một trong các trường hợp sau:
• Có tổ chức;
• Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
• Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
• Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
• Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
• Phạm tội 02 lần trở lên;
• Tái phạm nguy hiểm
3. Đối với trường hợp vật phạm pháp có trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Ngoài những mức hình phạt nêu trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Đối với pháp nhân phạm tội:
Pháp nhân thương mại phạm tội thì bị xử phạt như sau:
- Bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng nếu:
• Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý có trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
• Hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; 
• Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về các tội tương tự như đối với các nhân phạm tội đã nêu ở trên hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà vi phạm.
- Bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
• Có tổ chức;
• Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
• Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
• Phạm tội 02 lần trở lên;
• Tái phạm nguy hiểm.
- Bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm khi phạm tội trong trường hợp vật phạm pháp giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên.
- Pháp nhân phạm tội gây ra thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
- Ngoài những mức hình phạt đã nêu trên, Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Có thể thấy hành vi phạm tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới có thể ít xâm phạm đến tính mạng, thiệt hại của cá nhân, tổ chức khác nhưng mức hình phạt về tội này là rất nghiêm khắc. Mục đích của Nhà nước quy định mức hình phạt nghiêm khắc là để hạn chế được những cá nhân, tổ chức có hành vi lợi dụng kẽ hở để trục lợi, gây tổn thất nghiêm trọng đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước, gây trở ngại khó khăn trong trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại. Vậy thực trạng tội phạm và thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự về tội danh này như thế nào, chúng ta cùng tìm hiểu một số ví dụ thực tế sau đây:
* Ví dụ 1: Bản án số 55/2023/HS-ST ngày 29/6/2023 của TAND thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới. 
Theo nội dung vụ án, Bị cáo H được người đàn ông Trung Quốc nhờ H thuê người vận chuyển trái phép hàng hóa là Cá tầm sống từ Trung Quốc qua khu vực “Phao vàng” thuộc vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Trung Quốc thuộc thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Bị cáo H đồng ý và đã chủ động liên hệ với P là người vận chuyển để hàng với mức thù lao là 800.000 đồng/chuyến. Khi đang trên đường vận chuyển trong thành phố Móng Cái, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế Công an thành phố Móng Cái kiểm tra hành chính, phát hiện thu giữ 01 xe ô tô chở theo Container với khối lượng 5.780 kg Cá tầm còn sống không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất sứ hợp pháp, có giá trị hơn 462 triệu đồng. Viện kiểm sát nhân dân thành phố Móng Cái truy tố Bị cáo H, P về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” theo quy định tại Khoản 2 Điều 189 Bộ luật Hình sự. Ngày 29/6/2023. TAND thành phố Móng Cái xét xử, tuyên xử phạt Bị cáo H 30 tháng tù cho hưởng án treo, xử phạt Bị cáo P 24 tháng tù cho hưởng án treo. 
* Ví dụ 2: Bản án số 45/2021/HS-ST ngày 20/9/2021 của TAND huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Theo nội dung vụ án, Bị cáo Hoàng Thị C có quen biết với đối tượng H và được H trao đổi về việc cần tìm người để vận chuyển trái phép tiền Trung Quốc qua biên giới, tiền công là 5.000.000 đồng. Do Hoàng Thị C đang nuôi con nhỏ, không trực tiếp vận chuyển tiền được nên đã rủ Hà Duy T cùng nhau vận chuyển tiền Nhân dân tệ sang Trung Quốc. Khoảng 09 giờ ngày 31/3/2021, H gọi điện bảo Hoàng Thị C vận chuyển khoảng 40.000 NDT (Nhân dân tệ) sang Trung Quốc. Hoàng Thị C gọi điện cho Hà Duy T điều khiển xe ô tô đến gặp H tại khu vực Nhà máy Xi măng cũ. Tại đây, H đưa tiền và nói với Hà Duy T vận chuyển tiền đến khu vực mốc biên giới 1257 thuộc thôn C, xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn sẽ có người Trung Quốc đến nhận tiền. Khoảng 02 giờ sáng ngày 01/4/2021, Hà Duy T đến gọi Hoàng Thị C để đi giao tiền. Do sợ lực lượng chức năng phát hiện, cả hai nhờ chị Hoàng Thị B và anh Lộc Văn N là điều khiển 02 xe mô tô chở Hà Duy T, Hoàng Thị C vào khu vực biên giới nhưng không nói mục đích chuyến đi. Khoảng 04 giờ sáng cùng ngày, khi di chuyển đến gần lán trực của lực lượng Biên phòng đồn Chi Lăng khoảng 2km. Hoàng Thị C bảo chị Hoàng Thị B và anh Lộc Văn N điều khiển xe mô tô về trước. Hà Duy T và Hoàng Thị C đi bộ lên khu vực biên giới. Khi đến sát hàng rào biên giới, Hà Duy T mang túi tiền đi giao. Hoàng Thị C ngồi đợi ở rừng thông gần đó và gọi điện thoại bảo Hoàng Văn C (là chồng) đến đón. Do không thấy người nhận tiền nên Hoàng Thị C gọi điện thoại cho H nhưng không liên lạc được. Sau đó, Hà Duy T và Hoàng Thị C quay về phía xe ô tô do Hoàng Văn C lái đến đón thì bị lực lượng Biên phòng đồn Chi Lăng phát hiện. Hà Duy T và Hoàng Thị C bị lực lượng Biên phòng đồn Chi Lăng bắt giữ, thu giữ số tiền 360.170 NDT. 
Căn cứ khoản 3 Điều 189, TAND huyện Lộc Bình xử phạt bị cáo Hà Duy T 1.100.000.000 đồng (một tỷ một trăm triệu đồng) để nộp ngân sách nhà nước, xử phạt bị cáo Hoàng Thị C 1.000.000.000 đồng (một tỷ đồng) để nộp ngân sách nhà nước.
Như vậy, các hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa và tiền tệ nêu trên đã gây ảnh hưởng xấu đến trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại và an ninh tiền tệ, gây nên tình trạng biến động giá cả tiền tệ, hàng hóa trong nước. Bên cạnh các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 thì từ ngày 10/10/2020, Nghị định số 96/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia cũng chính thức có hiệu lực. Việc tăng nặng chế tài xử phạt đối với hành vi này được kỳ vọng sẽ góp phần khắc chế được tình hình hoạt động vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới vẫn đang diễn biến phức tạp hiện nay. Đồng thời, để góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, người dân cần nâng cao trách nhiệm và nâng cao hiểu biết pháp luật và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, không tham gia tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật./.

Ma Thùy Linh - Công ty Luật TNHH Vietthink
Cập nhật: 09/01/2024
Lượt xem:32088