Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

QUY ĐỊNH VỀ PHÁT TRIỂN VÀ QUẢN LÝ CHỢ THEO NGHỊ ĐỊNH 60/2024/NĐ-CP

Hoạt động phát triển và quản lý chợ trước đây được điều chỉnh bởi các Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP. Cùng với sự điều chỉnh, ban hành mới các quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch, đầu tư, đấu thầu,… và thực tế sự phát triển của hoạt động đầu tư chợ đặt ra yêu cầu cấp thiết của việc ban hành văn bản pháp luật để điều chỉnh chi tiết các nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư phát triển và quản lý chợ. 

1. Quy định về phân loại chợ

Việc phân loại chợ theo Điều 4 Nghị định 60/2024/NĐ-CP được xác định theo các tiêu chí sau:

(1) Phân loại theo phương thức kinh doanh, bao gồm: 

(i) Chợ đầu mối: là chợ tập trung hàng hóa từ các nguồn sản xuất, kinh doanh để phân phối tới các chợ và các kênh phân phối, lưu thông khác; và

(ii) Chợ dân sinh: là chợ mua bán, trao đổi hàng hóa do người dân sản xuất, nuôi trồng và kinh doanh hàng hóa thông dụng, thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống của người dân.

(2) Phân loại theo quy mô, bao gồm: 

(i) Chợ hạng 1: Là chợ có trên 400 điểm kinh doanh, được đầu tư xây dựng kiên cố theo quy hoạch; Có mặt bằng phạm vi chợ phù hợp với quy mô hoạt động của chợ; tổ chức các hoạt động tối thiểu như trông giữ xe, vệ sinh công cộng và các hoạt động khác.

(ii) Chợ hạng 2: Là chợ có từ 200 điểm kinh doanh đến 400 điểm kinh doanh, được đầu tư xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố theo quy hoạch; Có mặt bằng phạm vi chợ phù hợp với quy mô hoạt động của chợ; tổ chức các hoạt động tối thiểu như trông giữ xe, vệ sinh công cộng và các hoạt động khác.

(iii) Chợ hạng 3: Là chợ có dưới 200 điểm kinh doanh hoặc chưa được đầu tư xây dựng kiên cố, bán kiên cố; Có mặt bằng phạm vi chợ phù hợp với quy mô hoạt động của chợ; tổ chức các hoạt động tối thiểu như vệ sinh công cộng.

(3) Phân loại theo nguồn vốn, bao gồm:

(i) Chợ được đầu tư theo nguồn ngân sách nhà nước, và

(ii) Chợ được đầu tư từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước (gồm các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật)



(Nguồn: Vietthink)

2. Quy định về đầu tư xây dựng và tổ chức quản lý chợ

2.1. Các quy định về đầu tư xây dựng chợ

Về nguyên tắc đầu tư xây dựng chợ: theo quy định tại Điều 6 Nghị định 60/2024/NĐ-CP, chợ được đầu tư xây dựng phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, các quy hoạch, kế hoạch khác có liên quan. Nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ bao gồm vốn ngân sách nhà nước và vốn ngoài ngân sách nhà nước; và tùy thuộc vào nguồn vốn đầu tư, điều kiện sử dụng đất, dự án đầu tư xây dựng chợ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành tương ứng.

Về quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng chợ: theo Điều 7 Nghị định 60/2024/NĐ-CP, chủ đầu tư xây dựng chợ được hưởng ưu đãi đầu tư, vay vốn từ các Quỹ đầu tư phát triển theo quy định của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương và các quyền khác theo quy định. Ngoài ra, chủ đầu tư xây dựng chợ có các nghĩa vụ sau:

- Triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng chợ theo các quy định hiện hành về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan;

- Thực hiện việc bảo trì trong chu kỳ dự án đầu tư xây dựng chợ;

- Chủ đầu tư xây dựng, xây dựng lại, di dời chợ phối hợp với cơ quan có thẩm quyền công khai thông tin niêm yết tại trụ sở cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các địa điểm khác có liên quan, lấy ý kiến của các bên liên quan theo quy định của pháp luật. Thời hạn công khai thông tin tối thiểu là 30 ngày (không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ tết);

- Chủ đầu tư xây dựng, xây dựng lại, di dời chợ thực hiện việc: xây dựng phương án, chính sách hỗ trợ di chuyển; bảo đảm duy trì hoạt động của chợ tạm; xây dựng phương án khai thác, bố trí, sắp xếp điểm kinh doanh của chợ, lấy ý kiến của các thương nhân kinh doanh tại chợ;

- Chủ đầu tư xây dựng chợ mới đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về bố trí các công trình trong phạm vi chợ; đối với các chợ cải tạo, nâng cấp chú trọng các quy định về phòng cháy chữa cháy, cấp thoát nước, vệ sinh công cộng, chiếu sáng, thông gió, khu để xe theo quy định,…

2.2. Các quy định về tổ chức quản lý chợ và hoạt động kinh doanh chợ

Nội dung này được quy định chi tiết tại Chương III của Nghị định 60/2024/NĐ-CP, bao gồm các quy định về tổ chức quản lý chợ; quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức quản lý chợ; nội quy chợ; quản lý kinh doanh tại chợ; và quyền, nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh tại chợ.

Theo Điều 8 Nghị định 60/2024/NĐ-CP, tổ chức quản lý chợ bao gồm các chủ thể sau:

- Chủ đầu tư xây dựng chợ; 

- Doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, kinh doanh, khai thác, quản lý chợ;

- Tổ chức được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ theo quy định tại Nghị định; 

- Tổ chức thực hiện việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ theo quy định tại Nghị định. 

Theo Điều 11 Nghị định 60/2024/NĐ-CP, trong quản lý điểm kinh doanh chợ, tổ chức quản lý chợ có trách nhiệm:

- Lập phương án khai thác, bố trí, sắp xếp khu vực kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ và thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền;

- Ký hợp đồng với thương nhân thuê địa điểm kinh doanh theo phương án khai thác, bố trí, sắp xếp khu vực kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ theo quy định của pháp luật;

- Thực hiện bố trí, sắp xếp thương nhân sử dụng điểm kinh doanh theo phương án khai thác, bố trí, sắp xếp khu vực kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ.

Trên đây là một số nội dung quy định về phát triển và quản lý chợ theo Nghị định 60/2024/NĐ-CP. Ngoài các quy định trên, Nghị định 60/2024/NĐ-CP cũng quy định chi tiết về nội dung quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý. Nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2024.

Nguyễn Thị Hương - Công ty Luật TNHH Vietthink
Cập nhật: 30/07/2024
Lượt xem:2782