Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Quy định về sử dụng pháo và xử lý vi phạm trong sử dụng pháo người dân cần biết


Những dịp quan trọng như lễ, tết, khai trương, cưới hỏi, sinh nhật, … khiến gia tăng nhu cầu sử dụng pháo của người dân. Tuy nhiên, sử dụng pháo có thể dẫn đến các vụ tai nạn, cháy nhà, bị thương, chết người hoặc gây thương tật suốt đời, ảnh hưởng đến trật tự an ninh, tổn thất kinh tế, ô nhiễm môi trường, trường hợp vi phạm trong lĩnh vực sử dụng pháo còn có thể bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Do đó, nếu không hiểu đúng như thế nào là pháo hoa và pháo hoa nổ? người dân chỉ được mua pháo hoa ở đâu? tổ chức, doanh nghiệp nào được phép kinh doanh pháo hoa? thì có thể dẫn đến nhầm lẫn và có nguy cơ vi phạm pháp luật. Dưới đây là một số nội dung cần lưu ý về việc sử dụng pháo hoa theo quy định của pháp luật và các quy định về xử lý hành vi vi phạm trong sử dụng pháo:
Khái niệm về pháo nổ, pháo hoa
Tại Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định Pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhành, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ. Pháo bao gồm: Pháo nổ và pháo hoa. 
- Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ. Pháo hoa nổ là sản phẩm gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m. 
- Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Như vậy, điểm khác nhau cơ bản là pháo nổ gây ra tiếng nổ, tiếng rít còn pháo hoa thì không gây ra tiếng nổ mà chỉ phát ra ánh sáng, màu sắc, tạo ra hiệu ứng âm thanh (tiếng xì xì). Theo Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ thì người dân chỉ được phép sử dụng pháo hoa trong một số dịp đặc biệt, một số sản phẩm pháo hoa như: pháo phụt sinh nhật, pháo bông que khi châm lửa đốt phụt ra các tia sáng đủ màu sắc,…còn với loại pháo nổ, người dân không được phép sử dụng.  
Điều kiện được phép sử dụng pháo nổ, pháo hoa
Trường hợp được phép tổ chức bắn pháo hoa nổ quy định tại Điều 11 Nghị định 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ như: Tết Nguyên đán; Giỗ Tổ Hùng Vương; Ngày Quốc khánh; Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ; Ngày Chiến thắng (ngày 30 tháng 4 dương lịch); Kỷ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế và trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Tuy nhiên, loại pháo hoa nổ chỉ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được sử dụng và phải xin phép Thủ tướng chính phủ, còn người dân chỉ được sử dụng các loại pháo hoa thông thường không gây ra tiếng nổ. 
Tại Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về việc sử dụng pháo hoa như sau: 
Thứ nhất, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Thứ hai, cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. 
Hiện nay, cả nước chỉ có hai doanh nghiệp được Bộ Quốc phòng cấp phép kinh doanh sản phẩm pháo hoa, gồm Nhà máy Z121 - Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (Công ty TNHH Một thành viên Hóa chất 21) và Tổng Công ty Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp quốc phòng (Công ty GAET) kinh doanh tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. 
Do vậy, người dân chỉ được phép sử dụng pháo hoa không nổ trong các trường hợp được quy định trên, với điều kiện có đủ năng lực hành vi dân sự và chỉ mua sản phẩm pháo hoa tại các cửa hàng, địa điểm kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, có giấy chứng nhận bảo đảm hàng hoá. Tuyệt đối không mua qua mạng, hàng hoá trôi nổi không rõ xuất xứ, thông tin.
Các hành vi bị nghiêm cấm 
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ, thì nghiêm cấm người dân nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ. Nghiêm cấm người dân nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo.
Chế tài xử lý vi phạm
Các hành vi sử dụng trái phép pháo tùy theo tính chất, mức độ, người có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Vậy, hành vi sử dụng pháo trái pháp luật bị xử phạt như thế nào?
Thứ nhất, xử phạt vi phạm hành chính 
Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ, trong đó quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi sai phạm về pháo, như sau: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi: Trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép; Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.”
Tại quy định khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính như sau: “2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.”
Như vậy theo quy định trên, trường hợp trao đổi, sử dụng pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được phép kinh doanh hay trường hợp trao đổi, sử dụng trái phép pháo nổ đều sẽ bị xử lý hành chính, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, đồng thời bị tịch thu tang vật và nếu tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền là gấp đôi.
Thứ hai, về trách nhiệm hình sự 
Theo quy định pháp luật, người dân không được phép sử dụng pháo nổ. Căn cứ tại Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo như sau:
Hành vi đốt pháo nổ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “gây rối trật tự công cộng”:
- Đốt pháo nổ ở nơi công cộng, những nơi đang diễn ra các cuộc họp, những nơi tập trung đông người;
- Đốt pháo nổ ném ra đường, ném vào người khác, ném vào phương tiện khác đang lưu thông, ném từ trên cao xuống, đốt pháo nổ mang theo xe đang chạy;
- Đốt pháo nổ gây thiệt hại sức khỏe, tài sản của người khác nhưng mức độ thiệt hại chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội khác;
- Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 1kg đến dưới 5 kg đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương từ 0,1 kg đến dưới 0,5 kg đối với thuốc pháo;
- Đốt pháo nổ với số lượng dưới 1 kg pháo thành phẩm hoặc dưới 0,1 kg đối với thuốc pháo và đã bị xử lý hành chính về hành vi đốt pháo nổ hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Hành vi đốt pháo nổ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “gây rối trật tự công cộng” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác, tương xứng với hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác do hành vi đốt pháo gây ra. Ví dụ: Nếu đốt pháo nổ gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe người khác đến mức phải xử lý hình sự thì vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “gây rối trật tự công cộng” quy định tại Điều 318 BLHS, vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác” quy định tại Điều 134 BLHS. 
=> Như vậy, hành vi sử dụng pháo hoa trái phép và sử dụng pháo nổ là hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe, môi trường và tình hình an ninh, trật tự. Người dân cần lưu ý nâng cao nhận thức, đồng thời quản lý giáo dục con em trong gia đình chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về việc sử dụng pháo. Mặc dù được phép sử dụng pháo hoa nhưng người dân cần chú ý khi sử dụng phải đáp ứng các điều kiện về năng lực hành vi dân sự; sử dụng trong các trường hợp được phép, bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng và chỉ mua tại các cửa hàng được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật.
TLLS. Ma Thùy Linh - Công ty Luật TNHH Vietthink


Cập nhật: 27/12/2024
Lượt xem:313