Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Quy định về vay, trả nợ nước ngoài năm 2023

Ngày 30/9/2022 Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 12/2022/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp (Sau đây gọi tắt là “Thông tư 12) thay thế Thông tư 03/2016/TT-NHNN ngày 26/02/2016, Thông tư 05/2016 ngày 15/4/2016 và Thông tư 05/2017 ngày 30/6/2017.

Thông tư 12 được ban hành với kỳ vọng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và khắc phục các vướng mắc, bất cập còn tồn đọng trong thực tiễn hoạt động vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp hiện nay. Các quy định tại Thông tư 12 có sự thay đổi chủ yếu liên quan đến thủ tục hành chính nhằm nâng cao hiệu quả, tiết kiệm thời gian của doanh nghiệp cũng như đạt được mục tiêu quản lý của NHNN; Đồng thời, Thông tư 12 còn quy định rõ hơn cũng như bổ sung thêm các quy định về việc vay, trả nợ nước ngoài. 


Nguồn ảnh: Vietthink

Bài viết này điểm qua  một số điểm mới đã được sửa đổi, bổ sung của Thông tư 12:

1. Kể từ ngày Thông tư 12 có hiệu lực thi hành (15/11/2022), doanh nghiệp cần thực hiện báo cáo trực tuyến trên Trang điện tử về tình hình vay, trả nợ nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh với định kỳ báo cáo hàng tháng, chậm nhất vào ngày 05 của tháng tiếp theo kỳ báo cáo.

2. Thông tư 12 quy định sử dụng Trang điện tử để khai báo thông tin đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay và báo cáo tình hình thực hiện khoản vay tự vay, tự trả. Cụ thể các trường hợp Khoản vay phải thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước bao gồm:

  • Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài.
  • Khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 01 năm.
  • Khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc (bao gồm cả nợ lãi được nhập gốc) tại thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp bên đi vay hoàn thành thanh toán dư nợ gốc nói trên trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ thời điểm tròn 01 năm tính từ ngày rút vốn đầu tiên.

3. Thông tư 12 còn quy định chi tiết thời hạn bên đi vay phải nộp hồ sơ đăng ký khoản vay nước ngoài.

Bên đi vay gửi hồ sơ cho Cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Thông tư 12 trong thời hạn sau:

(i) Ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày ký thoả thuận vay nước ngoài trung, dài hạn;

(ii) Ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày ký thoả thuận gia hạn khoản vay nước ngoài ngắn hạn thành trung, dài hạn đối với khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản vay là trên một (01) năm mà ngày ký thoả thuận gia hạn trong vòng một (01) năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên;

(iii) Ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày bên đi vay được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành, ngày ký hợp đầu đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng PPP), ngày các bên ký thoả thuận vay nợ nước ngoài để chuyển số tiền chuẩn bị đầu tư thành vốn vay (tuỳ thuộc ngày nào đến sau), áp dụng đối với khoản vay nước ngoài phát sinh từ việc chuyển số tiền thực hiện chuẩn bị đầu tư của các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thành vốn vay nước ngoài;

(iv) Sáu mươi (60) ngày làm việc tính từ ngày tròn một (01) năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên đối với:

  • Khoản vay quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư 12 (Khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 01 năm) mà ngày ký thỏa thuận gia hạn sau một (01) năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên; và
  • Khoản vay quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư 12 (Khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc (bao gồm cả nợ lãi được nhập gốc) tại thời điểm tròn một (01) năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp bên đi vay hoàn thành thanh toán dư nợ gốc nói trên trong thời gian ba mươi (30) ngày làm việc kể từ thời điểm tròn một (01) năm tính từ ngày rút vốn đầu tiên).

4. Các trường hợp phải đăng ký thay đổi khoản vay được Thông tư 12 có sửa đổi, bổ sung các nội dung thay đổi trên Trang điện từ, không cần thực hiện đăng ký thay đổi như sau:

(i) Thay đổi kế hoạch trả lãi, phí của khoản vay nước ngoài so với kế hoạch đã được Ngân hàng Nhà nước xác nhận tại văn bản xác nhận nhưng không thay đổi cách xác định lãi, phí quy định. Bên đi vay có trách nhiệm lập bảng tính lãi, phí phải trả để ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản có cơ sở kiểm tra, theo dõi khi thực hiện việc chuyển tiền;

(ii) Thay đổi (tăng hoặc giảm) số tiền rút vốn, trả nợ gốc, lãi, phí trong phạm vi một trăm (100) đơn vị tiền tệ của đồng tiền vay nước ngoài so với số tiền đã nêu trong văn bản xác nhận đăng ký, văn bản xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài;

(iii) Thay đổi số tiền rút vốn, trả nợ gốc thực tế của một kỳ cụ thể ít hơn số tiền được nêu tại kế hoạch rút vốn, trả nợ trên văn bản xác nhận đăng ký hoặc văn bản xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài. Luu ý: Đối với nội dung này, trước khi thực hiện rút vốn, trả nợ số tiền còn lại của kỳ đó, bên đi vay có trách nhiệm đăng ký thay đổi về kế hoạch rút vốn, trả nợ đối với số tiền còn lại chưa được thực hiện theo quy định.

5. Nguyên tắc quản lý ngoại hối đối với các khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hoá trả chậm:

Thông tư 12 bổ sung các giao dịch chuyển tiền trả nợ (gốc, lãi), trả phí liên quan đến khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hoá trả chậm không bắt buộc phải thực hiện qua tài khoản vay, trả nợ nước ngoài và không thuộc đối tượng phải đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài theo quy định tại Chương III Thông tư này.

Về cơ bản, Thông tư 12 không có nhiều thay đổi về mục tiêu và nguyên tắc của Thông tư 03/2016/TT-NHNN ngày 26/02/2016, Thông tư 05/2016 ngày 15/4/2016 và Thông tư 05/2017 ngày 30/6/2017. Những điểm mới của Thông tư 12 nhằm mục đích nhằm quản lý ngoại hối đối với việc vay trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp hiệu quả, thu hút và tập trung nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước, kiểm soát tốt dòng vốn ngoại tệ và hoạt động vay trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Những điểm mới của thông tư tập trung chủ yếu vào việc điều chỉnh, bổ sung và sửa đổi về thủ tục hành chính trong lĩnh vực này; các quy định về chế độ báo cáo; về trách nhiệm của các bên có liên quan, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp; công khai minh bạch hơn, song vẫn đảm bảo hiệu quả công tác quản lý; hiệu quả tổ chức tín dụng được phép cung ứng dịch vụ tài khoản, cũng như trách nhiệm của chính doanh nghiệp trong vay và trả nợ nước ngoài, đảm bảo tuân thủ quy định và sử dụng vốn vay hiệu quả.

Nguyễn Đức Trung
Công ty Luật TNHH Vietthink

Trường hợp Quý Khách hàng, độc giả có nhu cầu cầu được tư vấn, hỗ trợ pháp lý liên quan đến giao dịch, thủ tục vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp, xin vui lòng liên hệ với Vietthink để được hỗ trợ, giải đáp.

Cập nhật: 30/01/2023
Lượt xem:5662