Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Rào cản pháp lý trong xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh

Sáng ngày 16/8/2019 tại Hà Nội, Công ty Luật Vietthink phối hợp cùng Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN (IALE) đồng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Những vấn đề pháp lý trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh".



Hội thảo có sự góp mặt và tham gia tranh luận của các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực pháp luật về môi trường: GS., TS. Lê Hồng Hạnh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN; TS. LS., Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink, PGS., TS. Phạm Văn Lợi -Viện trưởng Viện khoa học Môi trường (Bộ TNMT), ThS. Lê Văn Hợp - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ TNMT cùng hơn 40 học giả, nhà khoa học, chuyên gia đến từ Bộ Tư pháp, Bộ TNMT, Hội Luật gia Việt Nam và các Trường Đại học, các cơ sở đào tạo Luật trên địa bàn Hà Nội.

Tại Hội thảo, những vấn đề trọng tâm thu hút sự quan tâm và tranh luận của các chuyên gia về môi trường chủ yếu là (1) Thiệt hại do ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp; và (2) Các căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường trong hoạt động SXKD của doanh nghiệp; mức độ và phạm vi bồi thường thiệt hại; (3) Các nguyên tắc phổ biến của pháp luật các nước, pháp luật Việt Nam trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường trong hoạt động SXKD của doanh nghiệp; (4) Nhận diện một số bất cập của pháp luật Việt Nam về xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiêm môi trường trong các hoạt động của doanh nghiệp gây ra.

Khó xác định thiệt hại từ ô nhiễm môi trường

Tại Hội thảo, ThS. Lê Văn Hợp – Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra một số vụ việc về môi trường điển hình để dẫn chứng cho diễn biến phức tạp và nghiêm trọng của tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất, kinh doanh tác động đến đời sống của người dân nhưng doanh nghiệp lại tìm cách từ chối trách nhiệm hoặc đền bù không thoả đáng như: Việc xử lý vi phạm đối với Công ty TNHH Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường 04 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừ Thiên Huế tháng 04/2016; Việc xử phạt và yêu cầu khắc phục hậu quả thiệt hại của Công ty cổ phần đầu tư Royal tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên về ô nhiễm khí thải của Công ty này tháng 10/2017; Việc xử lý vi phạm trong xả thải chưa qua xử lý ra sông Bưởi của Công ty cổ phần Mía đường Hoà Bình tại xã Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình năm 2016;... Qua các vụ việc trên, chuyên gia Lê Văn Hợp đã tổng hợp một số đặc điểm chung trong giải quyết tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường. Theo đó, hầu hết các tranh chấp, khiếu nại đòi bồi thường thiệt hại về môi trường được giải quyết thông qua thương lượng, thỏa thuận vì rất khó xác định được thiệt hại cụ thể; các thiệt hại được bồi thường chủ yếu là thiệt hại về sức khỏe, tài sản vật chất, còn các thiệt hại về môi trường tự nhiên như gây chết cá trên sông, trên biển, chết hoa màu, cây cối… thì chưa giải quyết được do khó chứng minh.


ThS. Lê Văn Hợp - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ TNMT phát biểu tại Hội thảo

Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về xác định thiệt hại về môi trường được vị chuyên gia này đưa ra gồm: tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và chính sách pháp luật về xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường nói riêng; có giải pháp quản lý, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Cùng quan điểm với Thạc sỹ Lê Văn Hợp, PGS., TS. Phạm Văn Lợi - Viện trưởng Viện khoa học Môi trường (Bộ TNMT) cho rằng việc xác định thiệt hại do ô nhiễm môi trường trong một số trường hợp là rất khó. Để xác định được thiệt hại, phải thuê tổ chức giám định thiệt hại, mất chi phí, mất thời gian, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng có thể xác định chính xác con số thiệt hại cụ thể; nhiều trường hợp thiệt hại không xuất hiện ngay mà để di chứng cho các thế hệ sau. Trong khi pháp luật hiện hành quy định, yêu cầu bồi thường thiệt hại chỉ được chấp nhận khi có thiệt hại thực tế và người yêu cầu phải chứng minh được các thiệt hại này. Với quy định này, thì khó đảm bảo rằng những người bị tác động bởi hành vi gây ô nhiễm môi trường – chủ yếu là người dân sống ở vùng ngoại ô, nông thôn có đủ khả năng để thực hiện đầy đủ các yêu cầu nêu trên. Để giải quyết rào cản này, PGS., TS. Lợi đưa ra một gợi ý tham khảo từ các quốc gia trên thế giới, theo đó, nên quy định theo hướng, chỉ cần chứng minh được hành vi vi phạm của doanh nghiệp là đủ điều kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại, không cần thiết phải chứng minh được thiệt hại.

Khó xác định chủ thể gây ô nhiễm môi trường

Trong nhiều vụ việc thực tế, việc xác định chủ thể gây ô nhiễm môi trường cũng là một bài toán khó. Các chuyên gia lấy nhiều ví dụ cụ thể: trong vụ việc Vedan xả thải xuống sông Thị Vải, thực tế không phải chỉ có Vedan là doanh nghiệp duy nhất xả thải xuống sông Thị Vải, còn có một số doanh nghiệp khác cũng xả thải xuống dòng sông này. Như vậy, không có đủ cơ sở để khẳng định Vedan là doanh nghiệp duy nhất gây ô nhiễm môi trường và phải đền bù thiệt hại. Trong ví dụ khác, có nhiều nhà máy cùng hoạt động, cùng xả khí thải ra một khu vực, thì rất khó để xác định, thiệt hại cho môi trường tự nhiên trong khu vực này thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp nào. Tháo gỡ khúc mắc này, GS.TS Lê Hồng Hạnh gợi ý pháp luật có thể quy định theo hướng thay vì bắt buộc người bị thiệt hại phải chứng minh thiệt hại và chủ thể gây thiệt hại, thì yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh doanh nghiệp đó đã thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường, không gây tác động/ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Thủ tục tố tụng yêu cầu bồi thường thiệt hại phức tạp

Tiếp cận dưới góc độ thủ tục tố tụng trong yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường, Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Anh – Giảng viên Học viên Tư pháp cho biết, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường hiện nay là 3 năm kể từ ngày có hành vi vi phạm, thời hiệu này là quá ngắn, chưa đảm bảo đủ thời gian để đánh giá chính xác về thiệt hại có thể gây ra từ hành vi vi phạm của doanh nghiệp. Hơn nữa, người bị thiệt hại khi khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí. Đây cũng là một rào cản lớn với những người dân thuộc diện khó khăn bị tác động bởi ô nhiễm môi trường. Việc xác định thiệt hại và chứng minh thiệt hại khó như phân tích ở trên cũng là một rào cản lớn. Vì theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án chỉ chấp nhận thụ lý đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại khi người khởi kiện giao nộp các chứng cứ để chứng minh.

Chính sách pháp luật chưa bắt kịp với thực tiễn

PGS.TS Phạm Quý Tỵ cho rằng chính sách pháp luật hiện vẫn khá “trễ” so với diễn biến thực tiễn của xã hội. Đây cũng là lý do của các rào cản pháp lý mà các chuyên gia trình bày ở trên. Tuy nhiên, để tháo gỡ vấn đề này cũng không hề đơn giản.


Tiến sĩ Lê Kim Nguyệt – Giảng viên Khoa Luật – ĐHQG Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Đánh giá về hiện trạng xử lý vi phạm ô nhiễm môi trường, Tiến sĩ Lê Kim Nguyệt – Giảng viên Khoa Luật – Đại học Quốc Gia Hà Nội cho rằng chính quyền Việt Nam vẫn nương nhẹ trong xử lý vấn đề môi trường nên các doanh nghiệp vẫn tái phạm rất nhiều. Hơn nữa, khi xem xét cho doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư, phần lớn các cơ quan nhà nước chỉ chú trọng xem xét lợi ích trước mắt của dự án mà xem nhẹ vấn đề môi trường. Khâu tiền kiểm chưa thắt chặt, đến khi xảy ra vi phạm rất khó xử lý. Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Huyền – Giảng viên Khoa Luật – Đại học Quốc gia cho rằng các quy định tiền kiểm về bảo vệ môi trường hiện nay vẫn sơ sài, nhiều doanh nghiệp chỉ cần đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh là đủ điều kiện kinh doanh mà không cần giải trình và xin phép các cơ quan bảo vệ môi trường. Do đó, khi hoàn thiện khung chính sách pháp luật, cũng cần thắt chặt hơn các quy định về khâu tiền kiểm.


Tiến sỹ, Luật sư Lê Đình Vinh – Giám đốc Công ty Luật Vietthink phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, nhiều lát cắt khác nhau về chủ đề đã được đưa ra thảo luận sôi nổi, được các chuyên gia đóng góp ý kiến, trong đó phải kể đến 03 thành công sau:

- Hội thảo cho thấy bức tranh tương đối tổng thể về vấn đề xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh;
- Hội thảo Đưa ra các tiêu chí nhận diện các rào cản pháp lý hiện nay trong vấn đề xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường trong sản xuất kinh doanh như: xác định mức thiệt hại, loại thiệt hại, cơ chế giải quyết…
- Đặt ra các vấn đề sân hơn, rộng hơn, gợi mở nhiều vấn đề cần phải tiếp tục đào sâu nghiên cứu như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trách nhiệm thực thi Bộ luật hình sự về tội phạm môi trường.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Tiến sĩ Lê Đình Vinh khẳng định kết quả Hội thảo sẽ giúp các học giả, các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận sâu sắc hơn, cung cấp nhiều luận cứ khoa học và gợi mở nhiều vấn đề khác cần đào sâu nghiên cứu, góp phần hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật.

Thạc sỹ, Luật sư Cao Thị Hòa – Công ty Luật TNHH Vietthink


Cập nhật: 26/08/2019
Lượt xem:9240