Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Siết chặt hoạt động của các mạng xã hội và trang thông tin điện tử tổng hợp

Ngày 01/03/2018 vừa qua, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (Nghị định 27/2018/NĐ-CP”)“.

Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung 11 điều, trong đó đáng chú ý là những quy định về điều kiện quản lý thông tin đối với mạng xã hội và trang thông tin điện tử thông hợp. Cụ thể, về điều kiện về quản lý thông tin đối với mạng xã hội gồm: Có thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội phù hợp và được đăng tải trên trang chủ của mạng xã hội; bảo đảm người sử dụng phải đồng ý thỏa thuận sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng phương thức trực tuyến thì mới có thể sử dụng được các dịch vụ, tiện ích của mạng xã hội; có cơ chế phối hợp để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP (Các hành vi bị cấm trên mạng Internet) chậm nhất sau 3 giờ kể từ khi tự phát hiện hoặc có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan cấp phép (bằng văn bản, điện thoại, email); có biện pháp bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của người sử dụng; bảo đảm quyền quyết định của người sử dụng trong việc cho phép thu thập thông tin cá nhân của mình hoặc cung cấp cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác.

 

Ngoài ra, nhằm quản lý và đảm bảo an toàn thông tin đối với các mạng xã hội, Nghị định cũng quy định rõ việc các trang mạng xã hội phải sử dụng ít nhất 01 tên miền “.vn” và lưu giữ thông tin tại hệ thống máy chủ có địa chỉ IP ở Việt Nam. Các mạng xã hội cũng cần phải đảm bảo các điều kiện:

  • Có ít nhất 01 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam để đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, cung cấp thông tin tại thời điểm bất kỳ.
  • Lưu trữ tối thiểu 2 năm đối với các thông tin về tài khoản, thời gian đăng nhập, đăng xuất, địa chỉ IP người sử dụng và nhật ký xử lý thông tin được đăng tải.
  • Tiếp nhận, xử lý cảnh báo thông tin vi phạm từ người sử dụng;
  • Phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn truy nhập bất hợp pháp, các hình thức tấn công trên môi trường mạng
  • Có phương án dự phòng bảo đảm duy trì hoạt động an toàn, liên tục và khắc phục khi có sự cố xảy ra, trừ những trường hợp bất khả kháng.

Đối với điều kiện về quản lý thông tin đối với trang thông tin điện tử tổng hợp gồm: Có quy trình quản lý thông tin công cộng, trong đó, xác định phạm vi nguồn thông tin khai thác, cơ chế quản lý, kiểm tra thông tin trước và sau khi đăng tải; có cơ chế kiểm soát nguồn tin, đảm bảo thông tin tổng hợp đăng tải phải chính xác theo đúng thông tin nguồn; có cơ chế phối hợp để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP chậm nhất sau 3 giờ kể từ khi tự phát hiện hoặc có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan cấp phép (bằng văn bản, điện thoại, email). 

Một điểm đáng chú ý nữa đó là việc Nghị định cũng bổ sung điều kiện về tổ chức, nhân sự đối với trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội. Cụ thể, về nhân sự chịu trách nhiệm quản lý nội dung thông tin trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, Nghị định quy định phải có ít nhất 1 nhân sự chịu trách nhiệm quản lý nội dung thông tin là người có quốc tịch Việt Nam hoặc đối với người nước ngoài có thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền cấp còn thời hạn ít nhất 6 tháng tại Việt Nam kể từ thời điểm nộp hồ sơ; có bộ phận quản lý nội dung thông tin. Về nhân sự bộ phận kỹ thuật, Nghị định yêu cầu bộ phận quản lý kỹ thuật có tối thiểu 1 người đáp ứng quy định.

Bên cạnh đó, để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Nghị định 27/2018/NĐ-CP đã cắt giảm một số các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin điện tử. 

Khi Nghị định số 27/2018/NĐ-CP có hiệu lực, một số quy định cũ sẽ hết hiệu lực bao gồm: thông tư 23/2013/TT-BTTTT và một số điều khoản của các thông tư: 09/2014/TT-BTTTT, thông tư 24/2014/TT-BTTTT, thông tư 24/2015/TT-BTTTT.

Theo Vietthink News
Cập nhật: 23/05/2018
Lượt xem:5348