Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Tăng mức lương tối thiểu vùng của người lao động năm 2020

Ngày 15/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 90/2019/NĐ-CP (“Nghị định 90/2019/NĐ-CP”) quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, Nghị định 90/2019/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 157/2018/NĐ-CP.
Theo đó, quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 01/01/2020 sẽ tăng từ 150.000 - 240.000 đồng/tháng tùy theo từng vùng. Cụ thể:
  • Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I (Hiện nay là 4.180.000 đồng/tháng, tăng 240.000 đồng/tháng);
  • Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II (Hiện nay là 3.710.000 đồng/tháng, tăng 210.000 đồng/tháng);
  • Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III (Hiện nay là 3.250.000 đồng/tháng, tăng 180.000 đồng/tháng);
  • Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV (Hiện nay là 2.920.000 đồng/tháng, tăng 150.000 đồng/tháng);

Mức lương tối thiểu vùng như trên là mức thấp nhất làm cơ cở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận về mức lương được hưởng, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:
  • Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất;
  • Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 90/2019/NĐ-CP.
  • Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp không được phép cắt giảm các khoản lương, phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng khác được quy định trong hợp đồng lao động, quy chế của doanh nghiệp.
Việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn phải đảm bảo được thực hiện theo các nguyên tắc:
  • Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định của vùng đó;
  • Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên nhiều địa bàn khác nhau thì sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng cao nhất;
  • Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách cho đến khi Chính phủ có quy định mới;
  • Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.
Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh. Danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu thuộc vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP. Trong đó, có một số thay đổi trong việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng ở một số địa bàn như:
  • Huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước); Thành phố Bến Tre, huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) chuyển từ vùng III lên vùng II;
  • Thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An); huyện Đông Sơn, huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa); huyện Ba Tri, huyện Bình Đại, huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre) chuyển từ vùng IV lên vùng III;
Việc tăng mức lương tối thiểu vùng ngoài việc tăng mức thu nhập bình quân cho người lao động còn tác động đến các chi phí mà các doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra. Trên thực tế, hiện nay đa số các doanh nghiệp đều chi trả lương cao hơn so với mức lương tối thiểu vùng, do đó việc tăng lương tối thiểu trong năm 2020 sẽ chủ yếu tác động đến chi phí đóng BHXH, phí công đoàn. Căn cứ vào quy định về mức chi phí đóng BHXH, phí công đoàn mà người lao động và doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh và nộp sao cho phù hợp với mức lương theo quy định mới vào năm 2020.
Nghị định 90/2019/NĐ-CP được ban hành đã thể hiện sự quan tâm kịp thời của Nhà nước đối với việc đảm bảo đời sống của người lao động. Bên cạnh đó cũng đặt ra các quy định cụ thể về việc áp dụng mức lương tối thiểu cho các doanh nghiệp, bảo vệ cho người lao động trong mối quan hệ với người sử dụng lao động.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020./.

Vietthink News.

Cập nhật: 26/12/2019
Lượt xem:3515