Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Thông tư số 45/2021/TT-BTC về phương pháp xác định giá tính thuế trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Ngày 03/8/2021, Thông tư số 45/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (“Thông tư 45/2021”) đã chính thức có hiệu lực thi hành. 

Thoả thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (advance pricing agreement – gọi tắt là APA) là thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan thuế với người nộp thuế hoặc giữa cơ quan thuế với người nộp thuế và cơ quan thuế nước ngoài, vùng lãnh thổ (gọi tắt là “cơ quan thuế đối tác”) mà Việt Nam đã ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế thu nhập cho một thời hạn nhất định, trong đó xác định cụ thể các căn cứ tính thuế, phương pháp xác định giá tính thuế hoặc giá tính thuế theo giá thị trường. APA được xác lập trước khi người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế. 

Việc áp dụng APA nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế, xác định giá giao dịch liên kết của người nộp thuế phù hợp với nguyên tắc phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế để xác định bản chất giao dịch liên kết, nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của người nộp thuế như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập và ngăn ngừa việc đánh thuế trùng và trốn lậu thuế, giảm thiểu tranh chấp về xác định giá của giao dịch liên kết. 


(Nguồn ảnh: Internet)

Thông tư 45/2021 hướng dẫn chi tiết áp dụng một số quy định về cơ chế APA chưa được quy định rõ tại Luật Quản lý thuế 2019; Điều 41 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ hướng dẫn Luật Quản lý thuế 2019 (“Nghị định 126/2020”); và Nghị định 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 quy định về quản lý thuế đối doanh nghiệp có giao dịch liên kết (“Nghị định 132/2020”) với một số nội dung đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, Thông tư 45/2021 hướng dẫn chi tiết điều kiện áp dụng APA
Để được áp dụng APA, giao dịch phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 3 Thông tư 45, cụ thể như sau:
  • Là các giao dịch liên kết được quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (“Nghị định 132/2020”) bao gồm: các giao dịch mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận mua, bán, sử dụng chung nguồn lực như tài sản, vốn, lao động, chia sẻ chi phí giữa các bên có quan hệ liên kết, trừ các giao dịch kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh giá của Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về giá;
  • Giao dịch thực tế đã phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế và sẽ tiếp tục diễn ra trong giai đoạn đề nghị áp dụng APA;
  • Giao dịch có cơ sở để xác định được bản chất giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế và có cơ sở để phân tích, so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập theo Điều 6 và Điều 7 Nghị định 132/2020, dựa trên các thông tin, dữ liệu tuân thủ quy định tại điểm b khoản 6 Điều 42 Luật Quản lý thuế 2019; 
  • Giao dịch không thuộc trường hợp có tranh chấp, khiếu nại về thuế; 
  • Giao dịch được thực hiện minh bạch, không nhằm mục đích trốn, tránh thuế hoặc lợi dụng Hiệp định thuế.
Thứ hai, Thông tư 45/2020 giải thích rõ các thuật ngữ có liên quan.
Theo Điều 4 Thông tư 45/2020, “APA đơn phương”, “APA song phương” và “APA đa phương” được giải thích như sau:
  • “APA đơn phương” là thỏa thuận được ký kết giữa cơ quan thuế Việt Nam và người nộp thuế đề nghị áp dụng APA;
  • “APA song phương” là thỏa thuận được ký kết giữa cơ quan thuế Việt Nam, người nộp thuế và một cơ quan thuế đối tác có liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế đề nghị áp dụng APA trên cơ sở Hiệp định thuế;
  • “APA đa phương” là thỏa thuận được ký kết giữa cơ quan thuế Việt Nam, người nộp thuế và nhiều cơ quan thuế đối tác có liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế đề nghị áp dụng APA trên cơ sở Hiệp định thuế.
Thứ ba, Thông tư 45/2020 hướng dẫn quy trình thẩm định hồ Sơ đề nghị áp dụng APA
Theo Điều 7 Thông tư 45/2021, Tổng cục Thuế tiến hành thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng APA của người nộp thuế nhằm kiểm tra, đối chiếu, xác định và đánh giá tính đầy đủ, chính xác, hợp pháp, hợp lý, hợp lệ của các thông tin, dữ liệu do người nộp thuế cung cấp để đưa ra bản đánh giá về phương pháp xác định giá giao dịch liên kết, đối tượng so sánh được lựa chọn phù hợp cho việc xác định mức giá, tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bố lợi nhuận đối với các giao dịch thuộc phạm vi đề nghị áp dụng APA. 

Tổng cục Thuế được quyết định áp dụng các biện pháp sau trong quá trình thẩm định hồ sơ:
  • Yêu cầu người nộp thuế và tổ chức, cá nhân khác có liên quan giải trình, làm rõ các thông tin trong hồ sơ đề nghị áp dụng APA;
  • Áp dụng các biện pháp quản lý thuế để xác minh tính đầy đủ, chính xác, hợp pháp, hợp lệ của thông tin, tài liệu được cung cấp. 
Thứ tư, Thông tư 45/2021 bổ sung nhiều quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của người nộp thuế và quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan thuế trong cơ chế APA. Trong đó, Người nộp thuế có các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 9 Thông tư 45/2020, bao gồm: cung cấp đầy đủ, kịp thời, trung thực, chính xác các thông tin, dữ liệu; lưu giữ hồ sơ, chứng từ liên quan và cung cấp khi được yêu cầu; tuân thủ các điều kiện tại APA đã được ký kết và thực hiện việc điều chỉnh thu nhập chịu thuế phù hợp với mức giá hoặc tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận đã được quy định tại APA; lập và nộp các báo cáo APA thường niên;…

Còn cơ quan thuế có quyền hạn và trách nhiệm quy định tại Điều 10 Thông tư 45/2021, bao gồm: có quyền dừng đàm phán APA khi phát sinh một số trường hợp; yêu cầu người nộp thuế giải trình, làm rõ thông tin; quản lý, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện APA đã ký kết; Cục Thuế tham gia và chịu trách nhiệm đối với các nội dung tham gia trong quá trình tham định, trao đổi, đàm phán APA thuộc phạm vi quản lý nhà nước được phân công;…

Thông tư 45/2021 thay thế Thông tư số 201/2013/TT-BTC ngày 20 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc áp dụng Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế. Các hồ sơ đề nghị áp dụng APA nộp trước ngày 03/8/2021 nhưng chưa được ký kết và giai đoạn đề nghị áp dụng APA chưa kết thúc tính đến ngày 03/8/2021 thì được tiếp tục giải quyết theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 126/2020 và Thông tư 45/2021. 

Công ty Luật TNHH Vietthink




Cập nhật: 13/08/2021
Lượt xem:18743