Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Thủ tục đăng ký quyền tác giả mới nhất theo hướng dẫn tại Nghị định 17/2023/NĐ-CP & Thông tư 08/2023/TT-BVHTTDL

Căn cứ theo quy định tại Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 4 năm 2023 và Thông tư số 08/2023/TT-BVHTTDL, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2023 thì thủ tục đăng ký quyền tác giả tại Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể, cụ thể thủ tục đăng ký quyền tác giả sẽ như sau:


Ảnh: Vietthink

1. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

(1.i) Tác phẩm văn học, khoa học và tác phẩm khác thể hiện dưới dạng chữ viết bao gồm: tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn; bút ký, ký sự, tùy bút, hồi ký; thơ, trường ca; kịch bản; công trình nghiên cứu văn hoá, văn học, nghệ thuật, khoa học và các bài viết khác;

(1.ii) Sách giáo khoa là tác phẩm được xuất bản, cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông; được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, cho phép sử dụng làm tài liệu dạy học chính thức trong các cơ sở giáo dục phổ thông;

(1.iii) Giáo trình là tài liệu giảng dạy, học tập, nghiên cứu chính có nội dung phù hợp với chương trình đào tạo, bồi dưỡng được người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp duyệt, lựa chọn hoặc được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật;

(1.iv) Tác phẩm thể hiện dưới dạng ký tự khác là tác phẩm thể hiện bằng chữ nổi cho người khiếm thị, ký hiệu tốc ký và các ký hiệu tương tự thay cho chữ viết mà cá nhân, tổ chức tiếp cận có thể hiểu và sao chép được bằng nhiều hình thức khác nhau;

(1.v) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác là tác phẩm thể hiện bằng ngôn ngữ nói và phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định;

(1.vi) Tác phẩm báo chí là tác phẩm có nội dung độc lập và cấu tạo hoàn chỉnh, bao gồm các thể loại: phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác;

(1.vii) Tác phẩm âm nhạc là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn;

(1.viii) Tác phẩm sân khấu là tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật biểu diễn, bao gồm: chèo, tuồng, cải lương, múa, múa rối, múa đương đại, ba lê, kịch nói, opera, kịch dân ca, kịch hình thể, nhạc kịch, xiếc, tấu hài, tạp kỹ và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác;

(1.ix) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự là tác phẩm có nội dung, được biểu hiện bằng hình ảnh động liên tiếp hoặc hình ảnh do các thiết bị kỹ thuật, công nghệ tạo ra; có hoặc không có âm thanh và các hiệu ứng khác theo nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh. Hình ảnh tĩnh được lấy ra từ một tác phẩm điện ảnh là một phần của tác phẩm điện ảnh đó. Tác phẩm điện ảnh không bao gồm bản ghi hình nhằm mục đích phổ biến tin tức trên dịch vụ phát thanh, truyền hình, không gian mạng; chương trình biểu diễn nghệ thuật, trò chơi điện tử; bản ghi hình về hoạt động của một hoặc nhiều người, mô tả các sự kiện, tình huống hoặc chương trình thực tế;

(1.x) Tác phẩm mỹ thuật là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục bao gồm: (1.x.(a)) Hội họa: tranh sơn mài, sơn dầu, lụa, bột màu, màu nước, giấy dó và các chất liệu khác; (1.x.(b)) Đồ họa: tranh khắc gỗ, khắc kim loại, khắc cao su, khắc thạch cao, in độc bản, in đá, in lưới, tranh cổ động, thiết kế đồ họa và các chất liệu khác; (1.x.(c)) Điêu khắc: tượng, tượng đài, phù điêu, đài, khối biểu tượng; (1.x.(d)) Nghệ thuật sắp đặt và các hình thức thể hiện nghệ thuật đương đại khác. Tác phẩm hội họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt và các hình thức nghệ thuật đương đại khác tồn tại dưới dạng độc bản. Tác phẩm đồ họa có thể được thể hiện tới phiên bản thứ 50, được đánh số thứ tự có chữ ký của tác giả;

(1.xi) Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp bao gồm: thiết kế đồ họa (hình thức thể hiện của biểu trưng, bộ nhận diện và bao bì sản phẩm; hình thức thể hiện của nhân vật); thiết kế thời trang; thiết kế mang tính mỹ thuật gắn liền với tạo dáng sản phẩm; thiết kế nội thất, trang trí nội thất, ngoại thất mang tính mỹ thuật. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được thể hiện dưới dạng tạo dáng sản phẩm mang tính mỹ thuật, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực tương ứng và không bao gồm tạo dáng bên ngoài của sản phẩm bắt buộc phải có để thực hiện chức năng của sản phẩm;

(1.xii) Tác phẩm nhiếp ảnh là tác phẩm thể hiện hình ảnh thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra, hay có thể được tạo ra bằng các phương pháp hóa học, điện tử hoặc phương pháp kỹ thuật khác. Tác phẩm nhiếp ảnh có thể có chú thích hoặc không có chú thích;

(1.xiii) Tác phẩm kiến trúc là tác phẩm thuộc loại hình kiến trúc, bao gồm: bản vẽ thiết kế kiến trúc về công trình hoặc tổ hợp các công trình, nội thất, phong cảnh; công trình kiến trúc;

(1.xiv) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ bao gồm họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, các loại công trình khoa học và kiến trúc;

(1.xv) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian bao gồm: Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là các loại hình nghệ thuật ngôn từ; Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là các loại hình nghệ thuật biểu diễn như chèo, tuồng, cải lương, múa rối, điệu hát, dân ca, làn điệu âm nhạc; điệu múa, dân vũ, vở diễn, trò chơi dân gian, lễ hội dân gian, hội làng, các hình thức nghi lễ dân gian khác;

(1.xvi) Tác phẩm phái sinh là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có, bao gồm: (1.xvi.(a)) Tác phẩm dịch là tác phẩm được thể hiện bằng ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của tác phẩm được dịch; (1.xvi.(b)) Tác phẩm phóng tác là tác phẩm mô phỏng theo nội dung của tác phẩm được phóng tác, có thể được chuyển từ thể loại này sang thể loại khác hoặc sửa đổi trong cùng một thể loại, bao gồm cả sửa đổi bố cục tác phẩm để làm cho tác phẩm phù hợp với điều kiện khác nhau của việc khai thác, sử dụng; (1.xvi.(c)) Tác phẩm biên soạn là tác phẩm được soạn ra từ một phần hoặc toàn bộ các tác phẩm đã có theo chủ đề nhất định và có thể có bình luận, đánh giá; (1.xvi.(d)) Tác phẩm chú giải là tác phẩm được sáng tạo từ việc làm rõ nghĩa và nội dung một số từ, câu hoặc sự kiện, điển tích, địa danh nêu tại tác phẩm được chú giải; (1.xvi.(e)) Tác phẩm tuyển chọn là tác phẩm được chọn lọc từ các tác phẩm đã có của một hoặc nhiều tác giả theo thời gian hoặc chủ đề nhất định, bao gồm cả tác phẩm tuyển tập, hợp tuyển; (1.xvi.(g)) Tác phẩm cải biên là tác phẩm được soạn lại, viết lại, chuyển soạn lại hoặc thay đổi hình thức diễn đạt khác với tác phẩm được dùng để cải biên theo mục đích, yêu cầu nhất định trong trường hợp cụ thể; (1.xvi.(h)) Tác phẩm chuyển thể là tác phẩm được chuyển từ loại hình này sang loại hình khác hoặc tác phẩm được thể hiện bằng thủ pháp nghệ thuật khác với tác phẩm được chuyển thể trong cùng một loại hình.

2. Chủ thể có quyền nộp đơn đăng ký quyền tác giả

Chủ thể có quyền nộp đơn đăng ký quyền tác giả có thể là một trong các chủ thể sau đây:

(2.i) Tác giả: là người trực tiếp sáng tạo tác phẩm. Chủ thể là tác giả nhưng không phải là chủ sở hữu quyền tác giả/đồng chủ sở hữu quyền tác giả; HOẶC

(2.ii) Đồng tác giả: trường hợp có từ hai người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh thì những người đó là các đồng tác giả. Chủ thể là đồng tác giả nhưng không phải là chủ sở hữu quyền tác giả/đồng chủ sở hữu quyền tác giả; HOẶC

(2.iii) Chủ sở hữu quyền tác giả: là tổ chức, cá nhân nắm giữ toàn bộ các quyền bao gồm quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm và các quyền tài sản. Chủ thể là chủ sở hữu quyền tác giả nhưng không phải là tác giả/đồng tác giả; HOẶC

(2.iv) Đồng chủ sở hữu quyền tác giả: trường hợp có từ hai tổ chức, cá nhân trở lên cùng nắm giữ toàn bộ các quyền bao gồm quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm và các quyền tài sản thì những tổ chức, cá nhân đó là các đồng chủ sở hữu quyền tác giả. Chủ thể là đồng chủ sở hữu quyền tác giả nhưng không phải là tác giả/đồng tác giả; HOẶC

(2.v) Tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả: tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả; HOẶC

(2.vi) Tác giả đồng thời là đồng chủ sở hữu quyền tác giả: tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả và đồng thời có ít nhất một tổ chức, cá nhân khác nắm giữ một, một số quyền trong các quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm và các quyền tài sản nên tác giả trong trường hợp này đồng thời là đồng chủ sở hữu quyền tác giả; HOẶC

(2.vii) Đồng tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả: Trường hợp có từ hai người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh thì những người đó là các đồng tác giả, tuy nhiên chỉ một người trong các đồng tác giả này là chủ sở hữu quyền tác giả; HOẶC

(2.viii) Đồng tác giả đồng thời là đồng chủ sở hữu quyền tác giả: Các đồng tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để cùng sáng tạo ra tác phẩm đồng thời là đồng chủ sở hữu quyền tác giả.

Câu hỏi đặt ra là: Một tác phẩm có thể được cấp nhiều Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả hay không?

Một tác phẩm hoàn toàn có thể được cấp nhiều Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả bởi lẽ theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật SHTT hiện hành thì quyền nộp hồ sơ cho Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả là thuộc về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Hơn nữa theo quy định tại khoản 1 Điều 6, khoản 2, khoản 3 Điều 49 Luật SHTT hiện hành thì Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không phải là căn cứ xác lập quyền tác giả mà chỉ là chứng cứ để chứng minh quyền tác giả thuộc về mình, cụ thể là thuộc về (đồng) tác giả và/hoặc (đồng) chủ sở hữu đặc biệt là trong trường hợp khi có tranh chấp xảy ra. Hơn nữa, cũng theo quy định tại khoản 3 Điều 49 Luật SHTT hiện hành thì Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là chứng cứ không phải chứng minh (điều này có nghĩa là họ chỉ cần cung cấp duy nhất Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả mà không cần phải cung cấp thêm bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào khác) trừ khi bên có quyền lợi, nghĩa vụ đối lập có chứng cứ ngược lại. Do vậy, trong trường hợp tác giả và chủ sở hữu không phải là một thì các chủ thể này đều có quyền nộp hồ sơ để xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả và trong trường hợp tất cả các hồ sơ này hợp lệ thì đều sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho tác giả/đồng tác giả/chủ sở hữu/đồng chủ sở hữu. Hơn nữa việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho tất cả các chủ thể này đối với một tác phẩm là để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ đặc biệt là trong trường hợp có tranh chấp phát sinh thì họ chỉ cần cung cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả để chứng minh rằng họ là tác giả hoặc là chủ sở hữu mà không cần cung cấp thêm bất kỳ một tài liệu, chứng cứ nào khác trừ khi phía đối lập có tài liệu, chứng cứ chứng minh điều ngược lại.

3. Thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả

3.1. Tờ khai đăng ký quyền tác giả (theo mẫu, mỗi loại hình tác phẩm khác nhau sẽ có mẫu tờ khai khác nhau):

Do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ.

Mỗi loại hình tác phẩm khác nhau sẽ có mẫu tờ khai khác nhau. Cụ thể có các tờ khai:
  •  Tờ khai đăng ký quyền tác giả đối với: tác phẩm văn học, khoa học; bài giảng; bài phát biểu và bài nói khác; sưu tập dữ liệu; tác phẩm báo chí; tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
  •   Tờ khai đăng ký quyền tác giả đối với: sách giáo khoa; giáo trình;
  •   Tờ khai đăng ký quyền tác giả đối với: tác phẩm mỹ thuật ứng dụng;
  •   Tờ khai đăng ký quyền tác giả đối với: tác phẩm mỹ thuật; tác phẩm nhiếp ảnh;
  •   Tờ khai đăng ký quyền tác giả đối với: chương trình máy tính;
  •   Tờ khai đăng ký quyền tác giả đối với: tác phẩm âm nhạc;
  •   Tờ khai đăng ký quyền tác giả đối với: tác phẩm điện ảnh; tác phẩm sân khấu;
  •   Tờ khai đăng ký quyền tác giả đối với: tác phẩm kiến trúc; bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học.
Các thông tin cần cung cấp để soạn thảo tờ khai bao gồm: nhóm thông tin về tác phẩm; nhóm thông tin về tác giả và chủ sở hữu.
  • Nhóm thông tin về tác phẩm gồm các thông tin: loại hình tác phẩm, tên tác phẩm, ngày hoàn thành tác phẩm, công bố tác phẩm (đã công bố hay chưa, ngày công bố, hình thức công bố, nơi công bố, đường link địa chỉ trang điện tử (trong trường hợp công bố trên mạng internet)), nêu tóm tắt về tác phẩm (các tác phẩm thuộc loại hình khác nhau sẽ có cách tóm tắt khác nhau), cam đoan về việc sáng tạo tác phẩm.
Trường hợp tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh thì cung cấp thêm thông tin: tên tác phẩm dùng làm tác phẩm phái sinh, tác giả của tác phẩm dùng làm tác phẩm phái sinh, quốc tịch của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm dùng làm tác phẩm phái sinh, nếu tác phẩm gốc hết thời hạn bảo hộ, ghi “tác phẩm hết thời hạn bảo hộ” và cung cấp nguồn thông tin của tác phẩm gốc.

  • Nhóm thông tin về tác giả (đồng tác giả) gồm các thông tin: họ và tên, địa chỉ, quốc tịch, bút danh thể hiện trên tác phẩm (nếu có), sinh ngày, số giấy chứng minh nhân dân/thẻ căn cước của công dân/hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp.
  • Nhóm thông tin về chủ sở hữu (đồng chủ sở hữu) gồm các thông tin: 
Nếu chủ sở hữu là cá nhân: họ và tên, địa chỉ, quốc tịch, bút danh thể hiện trên tác phẩm (nếu có), sinh ngày, số giấy chứng minh nhân dân/thẻ căn cước của công dân/hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp. 

Nếu chủ sở hữu là tổ chức: tên tổ chức, địa chỉ, số đăng ký doanh nghiệp/quyết định/giấy phép thành lập, ngày cấp, nơi cấp. 

Ngoài ra cần cung cấp thêm cơ sở phát sinh sở hữu quyền gồm: tự sáng tạo (trong trường hợp tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả, đồng tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả, hoặc đồng tác giả đồng thời là đồng chủ sở hữu quyền tác giả), theo hợp đồng thuê sáng tạo, theo hợp đồng chuyển nhượng, theo quyết định giao việc, theo thừa kế, theo cuộc thi, khác (nêu rõ).

3.2. Hai bản sao tác phẩm (bao gồm cả bản điện tử):
  • Tên tác phẩm phải phù hợp với nội dung và loại hình tác phẩm.
  • Tác phẩm có một phần hoặc toàn bộ nội dung được thể hiện bằng ngôn ngữ không phải tiếng Việt thì phải kèm theo bản mô tả bằng tiếng Việt.
  • Tác phẩm thể hiện dưới dạng tốc ký và các ký hiệu tương tự khác thì phải kèm theo bản mô tả bằng tiếng Việt có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.
  • Tác phẩm điện ảnh phải bao gồm kịch bản văn học là sản phẩm sáng tạo của biên kịch dưới dạng văn bản thể hiện toàn bộ diễn biến của câu chuyện phim; kịch bản phân cảnh là sản phẩm sáng tạo của đạo diễn dưới dạng văn bản thể hiện kỹ thuật chuyên môn và phương pháp thực hiện các cảnh quay của bộ phim dựa trên kịch bản văn học.
  •  Đối với tác phẩm mỹ thuật: Bản sao tác phẩm là ảnh chụp các góc độ thể hiện đúng bố cục, đường nét, màu sắc, hình khối của toàn bộ tác phẩm.
  • Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng phải đáp ứng các yêu cầu sau: Bản sao tác phẩm phải được thể hiện rõ ràng trên khổ giấy A4 thể hiện đúng bố cục, đường nét, màu sắc, hình khối của toàn bộ tác phẩm; Trường hợp tác phẩm có chứa các chữ, từ ngữ không phải là tiếng Việt thì phải ghi rõ cách phát âm (phiên âm ra tiếng Việt) và nếu các chữ, từ ngữ đó có nghĩa thì phải dịch ra tiếng Việt; có chứa chữ số không phải là chữ số Ả-rập hoặc chữ số La-mã thì phải dịch ra chữ số Ả-rập; Tác phẩm có nội dung liên quan tới y khoa, giáo dục và các lĩnh vực chuyên ngành, đặc thù khác cần có văn bản, giấy tờ xác nhận, thẩm định, phê duyệt của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
  • Tác phẩm kiến trúc phải bao gồm các bản vẽ kỹ thuật tổng thể thể hiện các chi tiết kiến trúc (gồm các mặt cắt bằng, mặt cắt đứng từ nhiều phía, các hình chiếu thẳng góc) và bản vẽ phối cảnh 3D. Tác phẩm phải được đánh số thứ tự lần lượt các trang.
  • Sách giáo khoa: Nội dung tác phẩm cần thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của chương trình môn học hoặc hoạt động giáo dục, nêu đầy đủ các thành phần cơ bản sau: Phần, chương hoặc chủ đề, bài học.
  • Chương trình máy tính: Bản sao chương trình máy tính bao gồm đĩa CD có chứa chương trình máy tính đó (1 mặt đĩa CD dán giấy trắng ghi tên chương trình máy tính) và bản in trên khổ giấy A4 chứa toàn bộ giao diện và mã code của chương trình máy tính đó. Trường hợp bản in phần mã code chương trình máy tính nêu trên có từ 100 trang trở lên thì in 25 trang đầu, 25 trang giữa và 25 trang cuối của phần mã code.
  • Bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả được thay thế bằng ảnh chụp thể hiện không gian ba chiều đối với những tác phẩm có đặc thù riêng như tranh, tượng, tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng gắn với công trình kiến trúc; tác phẩm có kích thước quá lớn, cồng kềnh, tác phẩm độc bản.

3.3. Văn bản ủy quyền nếu người nộp hồ sơ là người được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả ủy quyền:

Văn bản ủy quyền phải ghi cụ thể thông tin liên hệ của bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền; tên tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng; phạm vi ủy quyền; thời hạn ủy quyền.

Trường hợp bên ủy quyền là cá nhân thì văn bản ủy quyền phải được chứng thực theo quy định của pháp luật.

3.4. Tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền:
  • Tài liệu chứng minh nhân thân đối với cá nhân: 01 bản sao Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu;
  • Tài liệu chứng minh tư cách pháp lý đối với tổ chức: 01 bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập hoặc Quyết định thành lập;
  • Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do giao nhiệm vụ sáng tạo là quyết định giao nhiệm vụ hoặc xác nhận giao nhiệm vụ cho cá nhân thuộc đơn vị, tổ chức đó;
  • Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do giao kết hợp đồng sáng tạo là hợp đồng, thể lệ, quy chế tổ chức cuộc thi;
  • Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do được thừa kế là văn bản xác định quyền thừa kế có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật;
  • Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do được chuyển giao quyền là hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, mua bán, góp vốn bằng văn bản có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật;
  • Trong trường hợp tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả phải có văn bản cam đoan về việc tự sáng tạo và sáng tạo theo quyết định hoặc xác nhận giao việc; hợp đồng; tham gia cuộc thi và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung cam đoan. 
  • Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo quy định tại khoản này phải là bản gốc hoặc bản sao có công chứng, chứng thực.
3.5. Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;

3.6. Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung;

3.7. Trường hợp trong tác phẩm có sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đó.

Ghi chú chung
Tài liệu trong hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng ngôn ngữ khác thì phải được dịch ra tiếng Việt (có công chứng hoặc hợp pháp hóa lãnh sự); phải được đánh máy hoặc in bằng loại mực khó phai mờ, rõ ràng, sạch sẽ, không tẩy xóa, không sửa chữa; trường hợp phát hiện có sai sót không đáng kể thuộc về lỗi chính tả trong tài liệu đã nộp thì cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ có thể sửa chữa các lỗi đó, nhưng tại chỗ bị sửa chữa phải có chữ ký xác nhận (và đóng dấu, nếu có) của cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ. 

4. Thời gian xử lý
  • Cơ quan nhà nước có thẩm quyền Rà soát, phân loại, xem xét tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ;
  • Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo yêu cầu tổ chức, cá nhân sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Tổ chức, cá nhân có thời hạn tối đa 01 tháng kể từ ngày nhận được thông báo để sửa đổi, bổ sung hồ sơ, trừ trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của pháp luật. Trường hợp tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung hồ sơ hoặc đã sửa đổi, bổ sung mà hồ sơ vẫn chưa hợp lệ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân;
  • Trường hợp hồ sơ hợp lệ theo quy định, trong thời hạn 15 ngày làm việc, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.

Huỳnh Đặng Hoàng Mai – Công ty Luật TNHH Vietthink

**********
Danh mục tài liệu tham khảo:

  1. Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2022;
  2. Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan số 17/2023/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 4 năm 2023;
  3. Thông tư quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan số 08/2023/TT-BVHTTDL, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2023.




Cập nhật: 29/09/2023
Lượt xem:3840