Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử - Những quy định cần lưu ý

Ngày 08/04/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 45/2020/NĐ-CP quy định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử (“Nghị định 45/2020/NĐ-CP”). Trong đó Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp cần tối đa hoá các bước thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của tổ chức, cá nhân và cơ quan có thẩm quyền. Đây là một trong các hành động cụ thể tiếp theo của Chính phủ nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 4 tháng 10 năm 2015 về Chính phủ điện tử. Nghị định 45/2020/NĐ-CP có một số nội dung đáng chú ý như sau:

Thủ tục hành chính trên môi trường điện tử có giá trị pháp lý như các hình thức khác

Về nguyên tắc, thủ tục hành chính trên môi trường điện tử có giá trị pháp lý như các hình thức khác theo quy định của pháp luật và phải đáp ứng các nguyên tắc sau nhằm kiểm soát chất lượng dịch vụ công và đảm bảo tính pháp lý của các hồ sơ, tài liệu lưu trữ điện tử: 

Thứ nhất, việc tổ chức tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử được thực hiện hợp pháp, hợp lý, khoa học; bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch, an toàn thông tin và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. 

Thứ hai, việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử phải lấy tổ chức, cá nhân có yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử làm trung tâm, bảo đảm ngôn ngữ, phương thức thực hiện đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải cách thủ tục hành chính. Qua đó cung cấp đúng những thủ tục hành chính mà công dân, tổ chức cần, nhu cầu giao dịch lớn, giúp tạo thuận lợi cho công dân, tổ chức trong thực hiện các thủ tục hành chính.

Thứ ba, việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử không làm tăng phí, lệ phí ngoài quy định của pháp luật; tối đa hóa các bước thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của tổ chức, cá nhân và cơ quan có thẩm quyền.

Thứ tư, không yêu cầu tổ chức, cá nhân khai, nộp lại những dữ liệu mà cơ quan thực hiện thủ tục hành chính đang quản lý hoặc đã được cơ quan nhà nước khác sẵn sàng chia sẻ và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan đến thực hiện giao dịch điện tử mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

 
Nguồn ảnh: Internet

Khi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, các cán bộ, công chức, viên chức không được thực hiện các hành vi gồm:

  • Cản trở việc lựa chọn phương thức thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử của tổ chức, cá nhân;
  • Yêu cầu tổ chức, cá nhân nộp giấy tờ, tài liệu bằng văn bản giấy để xác minh, kiểm tra đối với các thành phần hồ sơ đã được ký số và ghi nhận tính pháp lý trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính;
  • Can thiệp trái phép vào quá trình thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, bao gồm: truyền, thu thập, xử lý, gửi hoặc thông báo kết quả xử lý hồ sơ, giao dịch thanh toán; can thiệp trái phép, làm sai lệch dữ liệu hồ sơ, giao dịch thanh toán, kết quả xử lý thủ tục hành chính; tiết lộ thông tin, sao chép dữ liệu trái thẩm quyền;
  • Gian lận, mạo nhận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép danh tính điện tử của tổ chức, cá nhân, cơ quan có thẩm quyền;
  • Các hành vi bị cấm khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức trên môi trường điện tử.
Ngoài ra, một điểm mới được kỳ vọng tạo thuận lợi lớn cho người dân, doanh nghiệp, đó là việc cấp bản sao điện tử có giá trị pháp lý thông qua giải pháp chứng thực từ bản chính hoặc cấp từ sổ gốc. Thay vì cấp bản sao bằng giấy như trước, tổ chức, cá nhân khi thực hiện chứng thực có thể yêu cầu cấp bản sao bằng hình thức điện tử. Bản sao điện tử được ký số, bảo đảm tính pháp lý, nguyên vẹn của dữ liệu. Cơ quan thực hiện chứng thực có trách nhiệm gửi bản sao điện tử vào kho lưu dữ liệu của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia (trong trường hợp đã có tài khoản) hoặc tới địa chỉ thư điện tử do tổ chức, cá nhân cung cấp.

Nghị định 45/2020/NĐ-CP được đánh giá là đặc biệt cần thiết cho việc tổ chức, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, và được kỳ vọng là sẽ góp phần xây dựng nền tảng cho kỷ nguyên kinh tế số, xã hội số trong tương lai; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ, công chức được phân công xử lý hồ sơ thủ tục hành chính...

Nghị định 45/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành ngày 22/05/2020.

Vietthink News.



Cập nhật: 18/05/2020
Lượt xem:3441