Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

TỌA ĐÀM GÓP Ý BÁO CÁO RÀ SOÁT CÁC MẪU HỢP ĐỒNG PPP VÀ BÁO CÁO HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH MỚI CHO CÁC DỰ ÁN CƠ SỞ HẠ TẦNG TẠI VIỆT NAM

Ngày 14/06/2023, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) tổ chức buổi Tọa đàm Góp ý Báo cáo rà soát các mẫu hợp đồng hợp tác công-tư và Báo cáo huy động nguồn lực tài chính mới cho các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực, tăng cường khả năng thích ứng và phát triển bền vững”.

Tọa đàm có sự tham dự của TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VIAC, Đại biểu Quốc hội; Ông Phạm Vinh Quang - Trưởng nhóm chuyên gia Dự án AEO, đại diện USAID; LS., TS. Lê Đình Vinh - Giám đốc Vietthink, Trọng tài viên VIAC; PGS., TS. Trần Chủng – Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt nam (VARSI), và các chuyên gia pháp lý đến từ các Bộ, Ngành và tổ chức khác. 

Ts, Ls. Lê Đình Vinh là chuyên gia độc lập do USAID mời thực hiện Báo cáo rà soát, đánh giá hiện trạng pháp luật về PPP nói chung và các mẫu Hợp đồng BOT, BLT và O&M áp dựng trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, thoát nước và cử lý chất thải tại Việt Nam (“Báo Cáo”); và đã thay mặt nhóm tác giả trình bày kết quả thực hiện Báo Cáo tại Toạ đàm.

Tại Toạ đàm, Ông Phan Vinh Quang – Trưởng nhóm chuyên gia Dự án AEO, USAID cũng tình bày Dự thảo Báo cáo huy động nguồn lực tài chính mới cho các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Ảnh: Toạ đàm Góp ý rà soát các mẫu hợp đồng PPP và báo cáo huy động nguồn lực tài chính mới cho các dự án CSHT tại Việt Nam ngày 14/6/2023.

Báo cáo rà soát các Mẫu Hợp đồng BOT, BLT và O&M

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 (“Luật PPP”) được Quốc hội thông qua năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, đã nhất thể hóa các quy định hiện hành điều chỉnh hoạt động đầu tư PPP, thể chế hóa các định hướng chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ về việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia và huy động nguồn lực tư nhân; hình thành khung pháp lý đồng bộ, ổn định, thông thoáng cho việc thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng đô thị, xử lý nước thải, rác thải, cung cấp dịch vụ công...; đồng thời nâng cao tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng trong việc lựa chọn NĐT thực hiện các dự án PPP, từng bước tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật trong thu hút và triển khai các dự án PPP trên thực tế thời gian qua còn gặp phải những vướng mắc, bất cập:

(i) Tình trạng thiếu đồng bộ, mâu thuẫn giữa các Luật PPP 2020 với các Luật chuyên ngành, dẫn đến những cách hiểu và áp dụng khác nhau giữa các CQCTQ;

(ii) Các quy định có liên quan vẫn nằm ở nhiều văn bản khác nhau, dẫn đến khó khăn trong việc tra cứu, áp dụng của CQCTQ, NĐT trong quá trình ký kết và thực hiện HĐDA.

(iii) Nhiều quy định về quy trình lập, phê duyệt dự án PPP; hình thức, quy trình lựa chọn NĐT; tiêu chí năng lực NĐT, tiêu chuẩn công nghệ, phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu; bảo đảm đầu tư… khi áp dụng vào từng lĩnh vực cụ thể có tính đặc thù còn gặp nhiều vướng mắc, thiếu hướng dẫn cụ thể từ cơ quan quản lý chuyên ngành.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 23/11/2021 chỉ đạo các Bộ Giao thông Vận tải, Xây Dựng, Tài nguyên Môi trường ban hành các Thông tư hướng dẫn về dự án đầu tư PPP trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của mình (trong đó có các Mẫu Hợp đồng dự án BOT, BLT và O&M). Nhưng đến nay mới có Bộ Giao thông vận tải ban hành Mẫu Hợp đồng BOT và đang trong quá trình xây dựng Mẫu Hợp đồng O&M, các Bộ còn vẫn chưa ban hành Mẫu Hợp đồng BLT và các loại hợp đồng.

Việc thiếu các quy định hướng dẫn cụ thể thi hành Luật PPP 2020 và mẫu hợp đồng dự án PPP đang là nguyên nhân khiến cho các bộ, ngành, địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị, triển khai dự án đầu tư PPP; làm giảm sự hấp dẫn của các dự án PPP cũng như khiến các NĐT chưa cảm thấy an tâm khi lựa chọn phương thức này vì thiếu sự rõ ràng quy định về tiêu chí năng lực nhà đầu tư, tiêu chuẩn công nghệ áp dụng cho dự án, phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu lựa chọn NĐT, cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu dự án.

Đặt trong bối cảnh trên đây, theo yêu cầu của USAID và VCCI, Ts., Ls. Lê Đình Vinh cùng nhóm Tác giả đã nghiên cứu và lập Báo Cáo với mục đích rà soát, đánh giá hiện trạng pháp luật về PPP nói chung và các mẫu Hợp đồng BOT, BLT và O&M áp dụng trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, thoát nước và xử lý chất thải, có tham khảo kinh nghiệm pháp luật và thực tiễn triển khai hợp đồng dự án PPP tại Việt Nam và một số nước trong khu vực và trên thế giới. Trên cơ sở đó, Báo Cáo đưa ra những khuyến nghị về việc bổ sung, chi tiết hóa các quy định tại Mẫu Hợp đồng BOT, cũng như các các đề xuất, gợi ý về các tiêu chí xây dựng các Mẫu Hợp đồng BLT và Hợp đồng O&M trong thời gian tới. 

Ts., Ls. Lê Đình Vinh đã trình bày về kết quả thực hiện Báo Cáo tại Toạ đàm. Báo Cáo gồm 03 phần chính: Phần một, đánh giá toàn bộ Khung pháp lý điều chỉnh Hợp đồng Dự án PPP; Phần 2, nhóm tác giả đưa ra các ý kiến pháp lý về Mẫu Hợp đồng BOT thuộc ngành GTVT, từ đó đưa ra các khuyến nghị áp dụng, hoàn thiện pháp luật và Mẫu Hợp đồng BOT; và Phần 3, nhóm tác giả đưa ra các ý kiến pháp lý và khuyến nghị về chỉ dẫn xây dựng Mẫu hợp đồng BLT và O&M trong giai đoạn tới. 

Ts., Ls. Lê Đình Vinh trình bày kết quả Báo Cáo rà soát các mẫu hợp đồng dự án PPP

Báo Cáo phân tích về các nguyên tắc chung của Hợp đồng dự án PPP, khái niệm, các loại Hợp đồng dự án PPP và nội dung của Hợp đồng dự án PPP, trong đó Hợp đồng dự án PPP trước hết phải đáp ứng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự như: Nguyên tắc bình đẳng; Tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận; Thiện chí, trung thực; Tôn trọng lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; … . Mặt khác, do Dự án PPP có đặc thù là có sự tham gia của 03 chủ thể: Nhà nước, Nhà đầu tư / Doanh nghiệp dự án và người sử dụng (cộng đồng) nên cần đảm bảo các nguyên tắc sau: (i) Nguyên tắc bình đẳng giữa Nhà nước với Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án, (ii) Nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, NĐT, người sử dụng và cộng đồng; và (iii) Nguyên tắc Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án được bảo lưu và áp dụng chính sách, quy định ưu đãi hơn. Các nguyên tắc này nên được đưa thành những nguyên tắc chủ đạo trong đàm phán, ký kết và thực hiện Hợp đồng dự án PPP, và cần được cụ thể hoá bằng các quy định, hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể cho từng dự án để đảm bảo tính thực tiễn của nguyên tắc.


Theo nhóm tác giả, điểm mới trong nội hàm khái niệm Hợp đồng dự án PPP quy định rõ hơn về chủ thể hợp đồng, làm rõ bản chất quan hệ hợp đồng dựa án PPP là việc Nhà nước nhượng quyền cho Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án thực hiện dự án PPP (concession). Qua đó thể hiện đúng bản chất Nhà nước sẽ không thoái vốn hay từ bỏ quyền quản lý đối với các dự án PPP, mà vẫn giữ quyền sở hữu, quản lý, kiểm soát; đồng thời là cơ sở đặt ra những chuẩn mực, yêu cầu ràng buộc về cam kết với chất lượng và dịch vụ đối với nhà cung cấp tư nhân.

Theo quan điểm của nhóm tác giả, phù hợp với khoản 2 Điều 47 Luật PPP 2020, nội dung của Hợp đồng mẫu do các Bộ ban hành chỉ mang tính chất định hướng cho các bên trong quá trình thương thảo, ký kết Hợp đồng dự án PPP, còn nội dung chi tiết vẫn phải được các bên thoả thuận phù hợp với tình chất đặc thù của từng Dự án; và nên dung hòa và tập trung vào các điểm sau:

  • Đối với những vấn đề đã có quy định cụ thể, không cần đưa vào hoặc dẫn chiếu trong hợp đồng mẫu. 
  • Đối với các quy định về cùng một vấn đề nhưng đang nằm ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau thì cần hệ thống hóa, mô tả lại thành các điều khoản trong hợp đồng mẫu, hạn chế tối đa việc trích dẫn quá nhiều các điều luật liên quan trong hợp đồng mẫu; 
  • Đối với những vấn đề pháp luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc, những vấn đề này phải được cụ thể thành trong hợp đồng mẫu đối với từng loại Hợp đồng dự án PPP.

Từ những đánh giá về nguyên tắc trong xây dựng và thực hiện Hợp đồng PPP nêu trên, Nhóm tác giả đã thực hiện rà soát Mẫu Hợp đồng BOT và đưa ra những khuyến nghị về việc bổ sung, chi tiết hóa các quy định tại Mẫu Hợp đồng BOT, chỉ dẫn, tiêu chí cho việc soạn thảo và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành và Mẫu Hợp đồng BLT và O&M. 

Báo Cáo rà soát các mẫu Hợp đồng dự án PPP chi tiết sẽ được công bố trong thời gian tới.

Các chuyên gia tham gia Toạ đàm đánh giá cao về kết quả rà soát và các đề xuất của nhóm tác giả trong Báo cáo, và đưa các ý kiến góp ý để bổ sung, hoàn thiện Báo Cáo: PGS., Ts. Trần Chủng - Chủ tịch VARSI, TS., LS. Lê Nết - Phó Chủ tịch SCL VN, Ông Nguyễn Minh Đức – Phó Trưởng phòng Xây dựng Pháp luật VCCI, Ts. Đặng Hoàng Mai – Đại học Xây dựng Hà Nội, Ts. Nguyễn Thị Hoa – Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, PGS., TS. Đỗ Tiến Sỹ - Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG Hồ Chí Minh, PGS., TS. Nguyến Bá Bình và ThS. Nguyễn Mai Linh – Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Báo cáo huy động nguồn lực tài chính mới cho các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam

Tại Tọa đàm, Ông Phan Vinh Quang – Trưởng nhóm nghiên cứu Dự án AEO – USDAID đã trình bày về kết quả thực hiện Báo Cáo huy động nguồn lực tài chính mới cho các dự án tại Toạ đàm. Báo Cáo gồm 02 phần chính: Đầu tư tài sản mới bằng nguồn thu từ các tài sản hiện có của Chính phủ; và Huy động vốn từ các Nhà đầu tư tổ chức.

Bác cáo phân tích về bối cảnh nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng tại Việt Nam là rất lớn, cần 600 tỷ USD để đảm bảo mục tiêu phát triển đến năm 2024. Vấn đề đặt ra là khả năng tài trợ từ ngân sách Nhà nước bị hạn chế nhiều trong bối cảnh hậu Covid 19. Giải pháp để khắc phục các vấn đề là Chính phủ cần có cách thức mới để tài trợ cho nhu cầu về cơ sở hạ tầng và đầu tư dự án mới từ nguồn thu của dự án hiện có mà không tăng nợ công và không ảnh hưởng  đến các khoản chi thường xuyên khác. Cách thức triển khai như nhượng quyền khai thác, cho thuê, trái phiếu công trình, chứng khoán hóa các khoản thu trong tương lai.

Từ quan điểm trên, nhóm tác giả cũng đưa ra các cách thức huy động vốn từ các Nhà đầu tư có tổ chức gồm Qũy đầu tư cơ sở hạ tầng; Công ty bảo hiểm; Qũy hưu trí; Ngân hàng thương mại, nhóm tác giả cho rằng đó là các thức huy động vốn tối ưu nhất trong giai đoạn hiện nay của Việt Nam. Cùng với đó là những khó khăn của Việt Nam đang mắc phải trong huy động vốn chủ sở hữu và công cụ nợ, thi trường trái phiếu nhỏ và hàng hóa hạn chế,…Những khiếu nghị được nhóm tác giả trình bày bám sát với tình hình hiện trạng pháp luật về PPP nói chung và các mẫu Hợp đồng BOT, BLT và O&M nói riêng, cụ thể như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với đầu tư vốn tư nhân; áp dụng Hợp đồng O&M thu phí trả trước đối với các dự án cao tốc đầu tư bằng vốn Nhà nước; tạo các cơ hội và công cụ đầu tư bền vững; cải thiện thị trường vốn để thu hút Nhà đầu tư có tổ chức. 

Ông Phan Vinh Quang, trưởng nhóm chuyên gia Dự án AEO, Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID trình bày Dự thảo Báo cáo huy động nguồn lực tài chính cho các dựa án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Toạ đàm đã kết thúc cùng ngày, nhóm tác giả của hai báo cáo đã tiếp thu nhiều ý kiến hữu ích của các chuyên gia tại Toạ đàm để hoàn thiện Báo cáo chính thức và công bố trong thời gian tới. Báo Cáo được kỳ vọng là một nguồn tham khảo quan trọng trong quá trình các Bộ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư theo hình thức đối tác công tư nói chung và xây dựng các mẫu hợp đồng dự án PPP nói riêng, đặc biệt là mẫu hợp đồng dự án BOT, BLT và O&M.

Theo Vietthink News.
Cập nhật: 14/06/2023
Lượt xem:2824