Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Tranh chấp về bản quyền tác giả tại Mỹ

‘Hold on, I am coming’ đã được cựu Tổng thống Trump và cộng sự sử dụng là ca khúc intro/outro trong các sự kiện tranh cử đã và đang diễn ra tại Mỹ. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Trump và cộng sự của ông sẽ phải ngừng sử dụng bài hát vì bị cáo buộc vi phạm bản quyền tác giả.
Ca khúc ‘Hold on, I am coming’ là một bản hit năm 1966 của bộ đôi nhạc soul Sam và Dave, được sáng tác năm 1966 bởi Isaac Hayes, người đã qua đời năm 2008 ở tuổi 65, và David Porter. 
Isaac Hayes III, con trai, cũng là người thừa kế hợp pháp của một trong hai đồng tác giả Hayes đã đệ đơn kiện vào tháng trước cáo buộc ông Trump và cộng sự của ông trong chiến dịch tranh cử đã xâm phạm quyền tác giả và phải bồi thường thiệt hại vì đã sử dụng bài hát bất hợp pháp trong các sự kiện tranh cử Tổng thống đã và đang diễn ra tại Mỹ.
Luật sư của Ông Trump và cộng sự đã khẳng định rằng gia đình nhà Hayes không sở hữu bản quyền bài hát đang gây tranh cãi. Họ đưa ra bằng chứng cho thấy sau một số thập kỷ trải qua nhiều lần mua bán chuyển nhượng cho các chủ sở hữu khác nhau, cuối cùng quyền sở hữu hợp pháp ca khúc này thuộc về Universal Music Publishing Group (UMPG) và Warner Chappell Music Publishing, và họ đã được cấp phép hợp pháp sử dụng ca khúc này trong các sự kiện chính trị.
Nhưng Isaac Hayes III đã đưa ra hồ sơ pháp lý nêu rõ gia đình ông đã lấy lại quyền sở hữu bản quyền ca khúc của cha mình theo luật Bản quyền Hoa Kỳ. Ông Trump và cộng sự bị cáo buộc nhiều lần sử dụng ca khúc này ngoài thời gian được cấp phép.
Mục 304(c) của Luật Bản quyền Hoa Kỳ nêu rõ rằng chủ sở hữu quyền tác giả (hoặc người thừa kế của chủ sở hữu) có thể chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng quyền (được thực hiện trước năm 1978) bắt đầu từ năm thứ 56 sau khi hợp đồng chuyển nhượng đó được thực hiện. Điều này cho phép các tác giả được hưởng lợi từ luật kéo dài thời hạn bản quyền từ 56 năm lên 95 năm. Luật Bản quyền quy định thời hạn năm năm bắt đầu từ năm thứ 56, hợp đồng chuyển nhượng có thể bị chấm dứt nhưng tác giả hoặc người thừa kế của tác giả phải nộp thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng trong thời hạn do Luật Bản quyền quy định. Nếu không chấm dứt, thỏa thuận sẽ tiếp tục trong suốt thời hạn của bản quyền - hoặc thời hạn của thỏa thuận.
Để hiểu rõ hơn về Điều khoản này cùng nhìn lại lịch sử gia hạn thời hạn hiệu lực của quyền tác giả tại Mỹ. Trước tháng 01 năm 1978, thời hạn của tất cả các tác phẩm được bảo hộ bởi Luật Bản quyền được chia thành hai (02) kỳ hạn, mỗi kì hạn là 28 năm. Trong năm cuối cùng (năm thứ 28) của kỳ hạn ban đầu, tác giả/chủ sở hữu tác phẩm có quyền gia hạn quyền tác giả đối với tác phẩm của mình thêm một kỳ hạn 28 năm nữa. Thông qua một loạt các sửa đổi đổi Luật Bản quyền, thời hạn gia hạn đến nay đã được gia hạn thêm 19 năm, sau đó là thêm 20 năm nữa, tổng cộng là 95 năm (=28+28+19+20). Nếu tác giả qua đời trước khi đến thời hạn gia hạn, người được thừa kế/kế nhiệm theo luật định (thường là gia đình, người thi hành di chúc hoặc người thân thích của tác giả) có quyền lấy lại bản quyền của tác giả trong thời hạn gia hạn. Vì bản quyền trước năm 1978 hiện có hiệu lực trong 95 năm, nên người thừa kế có thể lấy lại tới 67 năm (28+67=95). Các tác phẩm được xuất bản sau ngày 31 tháng 12 năm 1977 được bảo hộ trọn đời tác giả cộng thêm 70 năm nữa.
Quay trở lại vụ kiện, dựa trên các căn cứ và lập luận hai bên đã đưa ra, thẩm phán Liên bang đã ban hành lệnh cấm tạm thời tiếp tục sử dụng ca khúc trong các sự kiện tranh cử của ông Trump và cộng sự nhưng Chiến dịch sẽ không phải xóa các video trước đó có sử dụng bài hát này.
Sau phiên điều trần, Luật sư của ông Trump và cộng sự đã đồng ý với phán quyết của thẩm phán và sẽ không tiếp tục sử dụng ca khúc ‘Hold on, I am coming’. Họ cũng không muốn gây thêm bất cứ căng thẳng nào trong giai đoạn nhạy cảm này.
Vụ kiện có thể sẽ vẫn còn tiếp tục nhưng phía gia định Hayes nói với các phóng viên rằng họ "rất biết ơn và vui mừng" với phán quyết của thẩm phán. Họ muốn đây là cơ hội để các nghệ sĩ khác lên tiếng, những người không muốn âm nhạc của họ bị các tổ chức chính trị sử dụng và tiếp tục đấu tranh cho quyền và bản quyền của nghệ sĩ âm nhạc.

 


Tài liệu tham khảo:
https://www.nytimes.com/2024/09/03/us/politics/trump-isaac-hayes-song.html
https://apnews.com/article/trump-isaac-hayes-hold-on-im-coming-lawsuit-731701376f1da39e11bfc6fd35e3aab8 
https://www.copyright.gov/title17/title17.pdf 
https://www.copylaw.com/new_articles/copyterm.html 
https://www.copyright.gov/circs/circ06a.pdf

Nguyễn Hoa Lê – Luật sư tư vấn Nhãn hiệu, Phòng SHTT - Công ty Luật TNHH Vietthink

Cập nhật: 08/10/2024
Lượt xem:1082