Ngày 13/12/2021, Cơ quan Sở hữu trí tuệ Trung Quốc (CNIPA) đã công bố quy định mới về sử dụng nhãn hiệu tại Trung Quốc. Quy định này nhằm tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo Luật Sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, cụ thể là tăng cường các biện pháp phát hiện các hành vi sử dụng nhãn hiệu trái pháp luật cũng như đưa ra các công cụ kiểm soát chặt chẽ hơn về việc sử dụng và quản lý nhãn hiệu tại Trung Quốc.
Quy định mới về việc sử dụng nhãn hiệu ở Trung Quốc đã được thông qua và được áp dụng từ ngày 01/01/2022. Quy định bao gồm các tiêu chí để xác định 10 dấu hiệu vi phạm trong việc sử dụng và quản lý nhãn hiệu. Văn phòng Sở hữu trí tuệ ở tất cả các địa phương được yêu cầu nghiêm túc áp dụng các tiêu chí này kể từ ngày 01/01/2022. Chi tiết như sau:
- (i) Vi phạm (không) sử dụng nhãn hiệu đăng ký (theo Điều 6 Luật Nhãn hiệu Trung Quốc, một nhãn hiệu đã được bảo hộ (được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu) phải được sử dụng, giống như Quy tắc nhãn hiệu châu Âu);
- (ii) Vi phạm khi sử dụng các dấu hiệu không được phép sử dụng như một nhãn hiệu như các dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên, cờ, biểu tượng, quốc ca, cờ quân đội, huy chương của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa hoặc của các quốc gia khác; các dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên hoặc biểu tượng của các tổ chức nhà nước, tổ chức chính phủ quốc tế, tem kiểm tra, kiểm soát; các dấu hiệu có tính kì thị bất cứ tôn giáo nào; các dấu hiệu mang tính lừa dối và làm cho công chúng hiểu nhầm về về chất lượng, nơi sản xuất hoặc các đặc tính khác của hàng hóa; các dấu hiệu ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội hoặc có những ảnh hưởng xấu khác (theo Điều 10 Luật Nhãn hiệu Trung Quốc);
- (iii) Vi phạm Điều 14 (5) Luật Nhãn hiệu Trung Quốc quy định không được sử dụng cụm từ “nhãn hiệu nổi tiếng” gắn trên hàng hóa, bao bì hoặc thùng chứa của hàng hóa, cũng như không được sử dụng cụm từ đó cho quảng cáo, triển lãm hoặc các hoạt động thương mại khác. Khi chủ sở hữu phát hiện có những dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu nổi tiếng của mình thì trong quá trình khiếu nại, điều tra, giải quyết, xử lí vi phạm, chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký nhãn hiệu xem xét bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định (theo Điều 13 Luật Nhãn hiệu Trung Quốc);
- (iv) Vi phạm điều 43(2) Luật Nhãn hiệu Trung Quốc nếu bên nhận li-xăng (nhận chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu) nhãn hiệu không ghi tên của mình và xuất xứ hàng hóa lên sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu;
- (v) Vi phạm khi chủ sở hữu nhãn hiệu trong quá trình sử dụng đã tự ý thay đổi nhãn hiệu, tên, địa chỉ hay bất kì chi tiết nào khác của nhãn hiệu đã được bảo hộ (Vi phạm Điều 49 (1) Luật Nhãn hiệu Trung Quốc);
- (vi) Vi pham quy định tại Điều 52 Luật Nhãn hiệu Trung Quốc khi chủ sở hữu sử dụng nhãn hiệu chưa được bảo hộ như là nhãn hiệu đã được bảo hộ;
- (vii) Vi phạm quy định về đăng ký, quản lý nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và không thực hiện nghĩa vụ quản lý nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Đặc biệt, theo quy định này việc sử dụng nhãn hiệu sẽ bị nghi vấn theo Điều 21 Luật Nhãn hiệu Trung Quốc nếu việc áp dụng hệ thống kiểm tra và giám sát hàng hóa mang nhãn hiệu chứng nhận không được thực hiện hiệu quả;
- (viii) Vi phạm quy định về quản lý hoạt động in nhãn hiệu (hoặc nhãn hiệu gắn trên nhãn sản phẩm) và không thực hiện nghĩa vụ quản lý hoạt động in nhãn hiệu;
- (ix) Vi phạm việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu mà có khả năng gây tổn hại và ảnh hưởng uy tín của người khác;
- (x) Các vi phạm khác đối với yêu cầu quản lí nhãn hiệu.
Các tổ chức, cá nhân, chủ sở hữu nhãn hiệu khi có các câu hỏi liên quan đến việc bảo hộ hoặc thực thi quyền nhãn hiệu tại Trung Quốc có thể liên hệ Công ty Luật TNHH Vietthink để biết thêm thông tin chi tiết.
Tài liệu tham khảo:
https://english.cnipa.gov.cn/art/2021/12/22/art_2509_172361.html
https://www.wipo.int/edocs/lexdocs/laws/en/cn/cn195en.pdf
https://legal-patent.com/trademark-law/trademark-use-in-china-new-rules-in-force-2022/