Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định CPTPP, là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên là: Ốt-xtrây-li-a, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Pê-ru, Xinh-ga-po và Việt Nam. Hiệp định đã được ký kết ngày 08 tháng 3 năm 2018 tại thành phố San-ti-a-gô, Chi-lê, và chính thức có hiệu lực từ ngày 30 tháng 12 năm 2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm Mê-hi-cô, Nhật Bản, Xinh-ga-po, Niu Di-lân, Ca-na-đa và Ốt-xtrây-lia. Đối với Việt Nam, Hiệp định có hiệu lực từ ngày 14 tháng 01 năm 2019.
Trong Hiệp định CPTPP, Chương 18 là chương về Sở hữu trí tuệ (SHTT) có thể được coi là bao gồm khá nhiều nghĩa vụ khó đối với khả năng thực thi của Việt Nam. Để đáp ứng yêu cầu trong chương này, hệ thống pháp luật liên quan đến SHTT của Việt Nam cũng cần phải có những sửa đổi nhất định để phù hợp với các nghĩa vụ quy định trong Chương 18 này. Theo lộ trình mà Chính Phủ đưa ra trong Quyết định số 121/QĐ-TTg về phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP ngày 24/01/2019, trong nội dung công việc về xây dựng pháp luật, thể chế, đối với riêng Luật SHTT, Bộ Khoa học Công nghệ cần phải hoàn thiện các Tờ trình về dự án luật, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi trong năm 2021 và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phải hoàn thiện Tờ trình phê chuẩn các hiệp ước quốc tế trong năm 2022.
Để trước mắt đáp ứng một số yêu cầu theo quy định của Hiệp định CPTPP, Cục SHTT đã ra Thông báo số 1926/TB-SHTT đề ngày 01/02/2019 về việc áp dụng một số quy định tại Hiệp định CPTPP. Việc áp dụng các quy định dưới đây được áp dụng cho các đơn được nộp bởi các tổ chức, cá nhân là công dân của các nước thành viên của Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) hoặc Công ước Paris và các đơn đăng ký yêu cầu cấp Bằng độc quyền sáng chế/Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích có ngày nộp đơn từ 14/01/2019 trở về sau hoặc các đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý có ngày nộp đơn từ 14/01/2019 trở về sau. Chi tiết các nội dung áp dụng cụ thể như sau:
1. Điều 18.27 của Hiệp định CPTPP: Không ghi nhận hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng (li-xăng): Không Bên nào được yêu cầu ghi nhận hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu:
(a) nhằm thiết lập hiệu lực của hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng; hoặc
(b) như là điều kiện để việc sử dụng nhãn hiệu bởi người nhận chuyển giao quyền sử dụng được xem như là sử dụng bởi người nắm quyền trong thủ tục liên quan tới việc xác lập, duy trì và thực thi nhãn hiệu.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 148 Luật SHTT năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 [1]: Đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 của Luật này, hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có hiệu lực theo thoả thuận giữa các bên, nhưng chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.
Cách thức áp dụng theo Hiệp định CPTPP từ ngày 14/01/2019: Các Hợp đồng li-xăng có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba KHÔNG phụ thuộc vào việc đăng ký tại Cục SHTT. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 5 Điều 124 Luật SHTT 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, việc sử dụng nhãn hiệu bởi bên được chuyển quyền theo Hợp đồng li-xăng được coi là hành vi sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu trong các thủ tục xác lập, duy trì và thực thi quyền đối với nhãn hiệu mà không phụ thuộc vào việc đăng ký Hợp đồng đó tại Cục SHTT hay chưa.
2. Điều 18.32.1.b của Hiệp định CPTPP: Đối với các thủ tục hành chính về bảo hộ và công nhận chỉ dẫn địa lý, phải quy định các thủ tục cho phép những người có lợi ích liên quan phản đối việc bảo hộ hoặc việc công nhận một chỉ dẫn địa lý, và cho phép bất kỳ việc bảo hộ hoặc việc công nhận nào đều có thể bị từ chối hoặc không chấp nhận, ít nhất trên chỉ dẫn địa lý đó có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu có trước đã được bảo hộ tại Việt Nam.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 80 Luật SHTT năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009: Chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý nếu trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì sẽ gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm.
Cách thức áp dụng theo Hiệp định CPTPP từ ngày 14/01/2019: Khi có ý kiến của người thứ ba liên quan đến đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý, Cục SHTT tiếp nhận và xử lý theo quy định. Ý kiến phản đối đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý của người thứ ba với lý do là chỉ dẫn địa lý “có khả năng gây nhầm lẫn” với nhãn hiệu của người khác đang được bảo hộ phải được thay thế bởi “sẽ gây nhầm lẫn”. Thêm vào đó, việc đánh giá khả năng gây nhầm lẫn phải tính đến thực tế là chỉ dẫn địa lý thường là đối tượng tồn tại trước (không phụ thuộc vào việc đăng ký) và được nhiều người biết đến, thậm chí nổi tiếng, do đó, có khả năng “bị nhầm lẫn” nhiều hơn là “gây nhầm lẫn” cho nhãn hiệu.
3. Điều 18.32.5 của Hiệp định CPTPP: Cơ sở phản đối và huỷ bỏ: Nếu quy định việc bảo hộ hoặc công nhận một chỉ dẫn địa lý theo các thủ tục hành chính về bảo hộ và công nhận chỉ dẫn địa lý cho dạng dịch nghĩa hoặc phiên tự của chỉ dẫn địa lý đó thì các thủ tục đó và cơ sở về việc bảo hộ/hủy bỏ phải được áp dụng tương đương/trùng với thủ tục và các cơ sở áp dụng đối vớichỉ dẫn địa lý thông thường.
Cách thức áp dụng theo Hiệp định CPTPP từ ngày 14/01/2019: Các đơn chỉ dẫn địa lý ở dạng dịch nghĩa và hoặc phiên tự được nộp kể từ ngày Hiệp định CPTPP có hiệu lực được xử lý như đối với đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý thông thường theo quy định của Việt Nam.
4. Điều 18.34 của Hiệp định CPTPP: Đối với các Thủ tục hành chính về bảo hộ và công nhận chỉ dẫn địa lý và Cơ sở phản đối và huỷ bỏ, một thành phần riêng biệt của một thuật ngữ đa thành phần đã được bảo hộ dưới dạng chỉ dẫn địa lý sẽ không được bảo hộ nếu thành phần riêng biệt đó là thuật ngữ thông thường trong ngôn ngữ phổ thông có nghĩa là tên gọi chung cho hàng hoá có liên quan.
Cách thức áp dụng theo Hiệp định CPTPP từ ngày 14/01/2019: Đối với các đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được nộp kể từ ngày Hiệp định CPTPP có hiệu lực, khi đánh giá chỉ dẫn địa lý là thuật ngữ đa phần, trong đó có thành phần được xác định là đã trở thành tên gọi chung của hang hóa tại Việt Nam, thì khi chấp nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý đó phải loại trừ khỏi phạm vi bảo hộ (không bảo hộ riêng) đối với thành phần đó.
5. Điều 18.38 của Hiệp định CPTPP: Trong việc xác định sáng chế có mới hoặc có trình độ sáng tạo hay không, mỗi Bên phải bỏ qua ít nhất là các thông tin đã được bộc lộ công khai nếu việc bộc lộ công khai này:
- do người nộp đơn sáng chế hoặc người có được thông tin trực tiếp hoặc gián tiếp từ người nộp đơn sáng chế; và
- xảy ra trong vòng 12 tháng trước ngày nộp đơn trong lãnh thổ của Bên đó.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 60 Luật SHTT năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 [2], sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu được bộc lộ công khai bởi người có quyền đăng ký sáng chế hoặc người có được thông tin trực tiếp hoặc gián tiếp từ người có quyền đăng ký sáng chế và việc bộc lộ này xảy ra trong thời gian không quá 12 tháng trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế của Cục SHTT (không tính ngày ưu tiên).
Cách thức áp dụng theo Hiệp định CPTPP từ ngày 14/01/2019: Thông tin bộc lộ công khai trong trường hợp nêu trên không được lấy làm tài liệu đối chứng (không thuộc “tình trạng kỹ thuật”) để xác định tính mới hoặc trình độ sáng tạo của sáng chế liên quan.
Vietthink News
-----------------------------------
[1] Điều 124. 5) Luật SHTT năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009: Sử dụng nhãn hiệu là việc thực hiện các hành vi sau đây:
a) Gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh;
b) Lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hoá mang nhãn hiệu được bảo hộ;
c) Nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ.
[2] Điều 60. 3) Luật SHTT năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 Sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký sáng chế được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:
a) Sáng chế bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này;
b) Sáng chế được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này công bố dưới dạng báo cáo khoa học;
c) Sáng chế được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.