Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Vietthink đồng tổ chức Hội thảo về Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được cơ quan soạn thảo là Bộ Kế hoạch – Đầu tư gấp rút hoàn thiện để trình Quốc hội Khóa XIV xem xét thông qua tại Kỳ hợp thứ 5. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh sự cần thiết và mục đích của việc ban hành đạo luật này cũng như tính khả thi của các quy định của Luật và mối quan hệ giữa Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa so với các luật khác. Với mục đích tập hợp và thu hút thêm ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia pháp lý và cộng đồng doanh nghiệp cho Dự thảo Luật, ngày 10/3/2017 tại Hà Nội, Công ty Luật TNHH Vietthink  phối hợp với Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp đồng tổ chức Hội thảo khoa học với tiêu đề “Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa – dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp”.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đại diện các cơ quan như: Bộ Kế hoạch – Đầu tư (cơ quan chủ trì soạn thảo), Ủy ban kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm định), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, các chuyên gia pháp lý đến từ các bộ, ngành, trường đại học, viện nghiên cứu cùng hơn 50 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Gần 10 cơ quan báo chí, truyền thông cũng tham dự và đưa tin về Hội thảo.

 
Ông Nguyễn Duy Lãm - Chủ nhiệm CLB pháp chế doanh nghiệp phát biểu khai mạc Hội thảo

Sau phần phát biểu khai mạc của ông Nguyễn Duy Lãm – Chủ nhiệm CLB Pháp chế doanh nghiệp, Hội thảo đã được nghe bà Bùi Thu Thủy – Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ KH-ĐT tư giới thiệu tóm tắt về sự cần thiết, quan điểm, mục đích của việc xây dựng Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV và những nội dung cơ bản của Luật cũng như các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau mà Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu. Tiếp đó, các đại biểu đã trình bày các tham luận của các chuyên gia pháp lý, nhà khoa học về những nội dung của Dự luật.
PGS.TS Dương Đăng Huệ -  Giám đốc Trung tâm thông tin, tư vấn pháp luật và bồi dưỡng nghiệp vụ - CLB Pháp chế doanh nghiệp đánh giá Dự thảo Luật đã được xây dựng trên nguyên tắc trách nhiệm hỗ trợ DNVVN thuộc về nhà nước, là một trong những chức năng kinh tế cơ bản của nhà nước trong bất kỳ nền kinh tế nào. Đây là việc làm hết sức đúng đắn và được cộng đồng doanhh nghiệp hoàn nghênh. Tuy nhiên,  Dự thảo Luật còn một số bất cập cần khắc phục như: Đối tượng điều chỉnh và phạm vi áp dụng còn rộng; chưa làm rõ vai trò của chính quyền địa phương các cấp trong việc hỗ trợ DNNVV; chưa làm rõ mối quan hệ giữa Luật hỗ trợ DNNVV với các luật liên quan; một số quy định trong Dự luật quy định dường như là bước thụt lùi so với các quy định trong các Nghị định của Chính phủ hiện hành (như quy định về trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp)…

 
Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng ban pháp chế VCCI bình luận và đề xuất giải pháp hoàn thiện Chương II của Dự thảo

Đại biểu Phạm Ngọc Thạch – Phó trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá các quy định liên quan đến hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, chưa tạo động lực cho các hộ kinh doanh chuyển đổi; Quy định về hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo chưa rõ ràng, không rõ tiêu chí đánh giá và thẩm quyền đánh giá "tài sản trí tuệ", "mô hình kinh doanh mới", "khả năng tăng trưởng nhanh"...; và khuyến nghị việc hỗ trợ DNVVN cần gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ trong Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị..
Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật BASICO - Trọng tài viên VIAC đưa ra các đánh giá và bình luận chi tiết về từng quy định liên quan đến nội dung hỗ trợ DNVVN tại Chương II của Dự thảo, trong đó nhấn mạnh phân tích: Các quy định liên quan đến Hỗ trợ tiếp cận tín dụng và Hỗ trợ thuế chưa phù hợp với thực tiễn, có khả năng gây rắc rối, tiêu cực, phức tạp và bất bình đẳng trong quá trình thực hiện; Quy định về hỗ trợ mặt bằng sản xuất, hỗ trợ ươm tạo và nâng cao năng lực công nghệ là cần thiết nhưng vẫn còn chung chung, chưa rõ ràng và không mang tính quy phạm.
Tổng hợp và kết thúc các ý kiến phản biện, trao đổi về Dự thảo luật, ông Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink nhấn mạnh Luật hỗ trợ DNVVN là cần thiết, tiến bộ, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với DNVVN. Để dự thảo luật thành công và mang tính thực tiễn, việc xác định Đối tượng DNVVN và mục đích hỗ trợ DNVVN là yếu tố quyết định các hình thức, nội dung hỗ trợ của Dự thảo. Ông Vinh đưa ra tiêu chí xếp hạng của các nước tiến bộ như Singapore, Nhật Bản, EU để đối chiếu, so sánh và tham khảo, từ đó đánh giá các tiêu chí hiện nay của Dự thảo chưa có cơ sở, chưa phù hợp với nền thị trường, tình hình phát triển kinh tế-xã hội tại Việt Nam. Ngoài ra, ghi nhận các ý kiến đánh giá của các đại biểu, ông Lê Đình Vinh một lần nữa khẳng định các quy định về hỗ trợ doanh nghiệp cần tập trung, cụ thể hơn và có thể tham khảo các quy định chi tiết về hỗ trợ doanh nghiệp của quốc tế đồng thời với việc nghiên cứu chính sách, tình hình thị trường-kinh tế xã hội của nước đó để áp dụng linh hoạt, hiệu quả tại Việt Nam.

 
Ông Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty luật TNHH Vietthink tham gia ý kiến và tổng kết Hội thảo

Hội nghị đã kết thúc thành công tốt đẹp, các ý kiến đánh giá và trao đổi đều được ghi nhận tích cực và có ý nghĩa quan trọng trong việc thể hiện sự đóng góp, tiếng nói của đại diện DNVVN để hoàn thiện Dự thảo. Kết thúc Hội thảo, những ý kiến tham gia của các chuyên gia nghiên cứu, đại diện doanh nghiệp sẽ được Câu lạc bộ pháp chế Doanh nghiệp tổng hợp, kiến nghị sửa đổi và hoàn thiện dự thảo.
Vietthink News
Cập nhật: 20/09/2021
Lượt xem:9404