Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

VIETTHINK THAM DỰ HỘI THẢO “ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ VIỆT NAM 2023”

Ngày 14/12/2022 tại Hà Nội, Báo Xây dựng, Cơ quan ngôn luận của Bộ Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023”.


Tham gia Hội thảo, có ông Nguyễn Tường Văn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cùng đại diện các cơ quan thuộc Bộ Xây dựng; PGS., TS. Hồ Sỹ Hùng - Phó chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp; TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội Khoá XV, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam VIAC; Ông Phan Đức Hiếu - Uỷ viên thường trực Uỷ ban kinh tế của Quốc hội, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Nguyên phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương. Hội thảo còn có sự tham gia của đại diện Hiệp hội kinh doanh BĐS, Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Hiệp hội các Doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và các Hội nghề nghiệp khác; đại diện các ngân hàng trong nước và và quốc tế, các Tập đoàn, Tổng Công ty Xây dựng, Bất động sản, Các Doanh nghiệp ... cùng hơn 50 cơ quan Báo chí, truyền thông - Truyền hình Trung ương và địa phương. 


Ts., Ls. Lê Đình Vinh – Giám đốc Công ty Luật Vietthink, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Everland là đại biểu khách mời tham gia Hội thảo.


Ảnh: Quang cảnh Hội thảo


Tại bài phát biểu mở đầu Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhắc đến Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/7/2022 của Chính phủ trong đó nêu rõ năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của các kế hoạch 5 năm 2021-2025, góp phần triển khai các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, nền kinh tế nước ta dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của của tình hình chính trị thế giới, khu vực diễn biến phức tạp; sự phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro và chưa vững chắc của kinh tế thế giới như tình trạng thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng, chống tự do thương mại ở một số nơi, lạm phát tiếp tục tăng cao và trở thành vấn đề lớn tại nhiều quốc gia; dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn và chứa ẩn nhiều rủi ro; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu.


Ảnh: Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Đại hội


Tại bài phát biểu, Thứ trưởng đề xuất giải pháp đảm bảo thị trường Bất động sản, phát triển ổn định, bền vững như: Khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo khung pháp lý để thị trường bất động sản phát triển bền vững; Tăng cường quản lý thị trường bất động sản, tăng nguồn cung, nhất là tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp,…; Rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định; Thúc đẩy tiến độ cải tạo chung cư cũ; Kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng bất động sản đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với lĩnh vực bất động sản theo đúng quy định; ưu tiên cho vay đối với dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được cấp phép và khởi công để tạo nguồn cung cho thị trường; kiểm soát chặt chẽ phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản trên thị trường chứng khoán,…


Theo PGS., TS. Hồ Sỹ Hùng – Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam đến cuối năm 2022 đã thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết các địa phương, khá đều ở các lĩnh vực. Mặc dù các mục tiêu và chỉ tiêu chủ yếu định hướng cho năm 2023 đã được xác định, đã qua giải trình của Chính phủ và thảo luận của Quốc hội (kỳ tháng 10-11/2022) nhưng cũng cho thấy không phải dễ dàng đạt được. Nhưng các thách thức bên ngoài vẫn hiện hữu: (i) Dịch bệnh vẫn còn và các nước ứng xử rất khác nhau; (ii) Rủi ro địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước khiến chuỗi cung ứng gián đoạn; sự bất ổn định của giá xăng dầu - khí đốt và hàng hóa khác; (iii) Kinh tế thế giới suy thoái nhẹ làm giảm nhu cầu thương mại khiến xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn; thu hút đầu tư FDI và các nguồn lực khác sẽ chậm lại; du lịch quốc tế của Việt Nam khó tăng nhanh; (iv) Lạm phát toàn cầu , áp lực từ bên ngoài đối với lạm phát, lãi suất và tỷ giá của Việt Nam kéo theo rủi ro ở khu vực sản xuất, tài chính - tiền tệ, bất động sản sẽ giảm theo. Các yếu tố rủi ro này chưa chấm dứt trên toàn cầu, ở một số nền kinh tế vẫn còn ở mức cao nên tác động đến thị trường tài chính - tiền tệ, bất động sản của Việt Nam.




Tại phần tham luận của TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội Khoá XV, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam VIAC về sự thích ứng linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023, theo đó Tiến sĩ nhấn mạnh việc doanh nghiệp phải coi việc tự vận động, đổi mới để thích nghi của doanh nghiệp không còn là một sự lựa chọn mà là một trách nhiệm bắt buộc của doanh nghiệp để nâng cao khả năng chống chịu của doanh nghiệp trong giai đoạn tới. Các giải pháp khác cần lưu ý như: Tập trung vào chuyển đổi số nhưng phải thay đổi tiếp cận về chuyển đổi số trong doanh nghiệp, chuyển đổi số không phải là ứng dụng công nghệ thông tin; Nâng cao khả năng liên kết của các doanh nghiệp trong hiệp hội, trong chuỗi ngành nghề sản xuất kinh doanh, trong đó vai trò hỗ trợ của các Hiệp hội phải được đẩy mạnh.


Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh rằng: Doanh nghiệp không những cần một môi trường kinh doanh thuận lợi mà phải đảm bảo an toàn pháp lý trong kinh doanh. Sự an toàn pháp lý trong kinh doanh phải bắt đầu từ “thể chế”. Đồng thời các doanh nghiệp phải quan tâm nhiều hơn và đưa vào trong kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp nội dung về pháp lý, quản trị rủi ro vào thành một nội dung bắt buộc. Trong các hoạt động kinh doanh, đầu tư, xác lập giao dịch, hợp đồng cần phải có tư vấn pháp lý, phòng ngừa rủi ro và tranh chấp ngay từ giai đoạn đầu hợp tác chứ không đợi đến khi xảy ra tranh chấp mới đặt ra vấn đề này. 


Ông Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Hội thảo.


Tại Hội thảo, nhiều đại biểu khác tham luận tập trung vào các nội dung: Chính sách điều hành linh hoạt của Chính phủ; Sự thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp; Thúc đẩy tiến độ xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng, Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các công trình xây dựng trọng điểm... nhằm tạo động lực phát triển kinh tế Việt Nam trong năm tới. Kết thúc phiên tham luận, nhiều đại biểu đã tham gia ý kiến tại Phiên Toạ đàm do TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh điều phối.


Theo Vietthink News.

Cập nhật: 14/12/2022
Lượt xem:2208