Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Vietthink tham dự Hội thảo Khoa học “Hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ”

Ngày 12/05/2022 tại Hà Nội, Khoa Luật ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo Khoa học “Hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ”. Hội thảo khoa học có sự tham gia của PGS. TS Nguyễn Thị Quế Anh – Chủ nhiệm Khoa Luật ĐHQGHN, ông Phạm Văn Bảy – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, bà Phạm Thị Kim Oanh – Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cùng nhiều Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ và các Luật sư, chuyên gia tư vấn pháp lý trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ.



Nguồn ảnh: Vietthink


Đại diện Công ty Luật TNHH Vietthink, bà Dương Thị Vân Anh – LS SHTT, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink tham gia Hội thảo với tư cách chuyên gia trình bày tham luận với nội dung về hoàn thiện các quy định về bảo hộ quyền tác giả trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ("Dự thảo Luật SHTT").


Trong phiên thứ nhất, dưới sự điều hành của PGS. TS Nguyễn Thị Quế Anh và ông Phạm Văn Bảy, các diễn giả đã tham gia các bài tham luận về những vấn đề chung về định hướng hoàn thiện pháp luật SHTT Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Mở đầu hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thị Quế Anh đã trình bày tham luận về vấn đề bảo hộ quyền SHTT trong bối cảnh toàn cầu hoá và những tác động đến các chuẩn mực bảo hộ quyền SHTT trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với đó là các đề xuất hoàn thiện pháp luật SHTT Việt Nam trong bối cảnh phát triển trí tuệ nhân tạo. Trong Phiên 1, các diễn giả đã trao đổi nhiều về các nội dung bảo hộ quyền SHTT trong bối cảnh toàn cầu hóa, về vấn đề cân bằng, hài hòa lợi ích trong bảo hộ quyền SHTT. 



Nguồn ảnh: Vietthink


Phiên thứ hai được tiếp tục với nội dung đề xuất, kiến nghị hoàn thiện Dự thảo Luật dưới sự điều hành của TS. Nguyễn Bích Thảo – Khoa Luật ĐHQGHN và PGS. TS Vũ Thị Hải Yến – Trường ĐH Luật Hà Nội, các diễn giả đã lần lượt trình bày các đề xuất, kiến nghị hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đối với rất nhiều các đối tượng bảo hộ của Luật SHTT bao gồm quyền tác giả, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu. Trong phiên họp này, LS SHTT Dương Thị Vân Anh đã đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện các quy định về bảo hộ quyền tác giả trong Dự thảo Luật SHTT.



Nguồn ảnh: Vietthink


Trong bài tham luận của mình, LS SHTT Dương Thị Vân Anh đã phân tích, bình luận, đánh giá về các quy định bổ sung, sửa đổi, đồng thời, đưa ra những ý kiến đề xuất với ban soạn thảo nhằm góp phần hoàn thiện Dự thảo trước khi được Quốc hội thông qua. Những nội dung chính được đề xuất liên quan đến việc cần làm rõ (i) nội hàm về tiền bản quyền (điểm a Khoản 10 Điều 4 Dự thảo Luật), (ii) chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm (Khoản 1 Điều 19), (iii) phương án định lượng cụ thể liên quan đến sao chép một phần tác phẩm (Khoản 10 Điều 4), (iv) cần có phương án áp dụng thực tế cụ thể và chi tiết đối với quy định “không áp dụng trong trường hợp sao chép bằng thiết bị công cộng" (điểm a Khoản 1 Điều 15) cùng (v) một số bất cập hiện có đối với việc bổ sung quy định quyền tác giả là căn cứ để từ chối bảo hộ nhãn hiệu (điểm p Khoản 2 Điều 74). Đồng thời, LS SHTT Dương Thị Vân Anh cũng đưa ra các ý kiến đồng tình về việc bổ sung các quy định bổ sung về (vi) tác giả, đồng tác giả (Khoản 2 Điều 12a ), (vii) quy định giả định về quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 198a), (viii) quy định về trách nhiệm pháp lý của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (điểm a khoản 3 Điều 20 và Điều 198b), (iv) quy định giới hạn quyền đặc biệt liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy & Quốc ca (Điều 7), (v) quy định ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật (Điều 25a) và (vi) sửa đổi, bổ sung giới hạn quyền tác giả (khoản 5 Điều 26).



Nguồn ảnh: Vietthink


Cũng tại Hội thảo, các diễn giả đã dành thời gian trao đổi, giải đáp và trả lời phỏng vấn nhiều câu hỏi của độc giả về các vấn đề liên quan đến một số nội dung được sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật SHTT.



Nguồn ảnh: Vietthink


Thành công của Hội thảo không chỉ góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến nguyên tắc bảo đảm sự cân bằng lợi ích trong bảo hộ quyền SHTT, mà còn tạo nên ý thức chung cho cộng đồng trong việc tăng cường bảo hộ tài sản SHTT trong giai đoạn phát triển nhanh chóng như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4./.


Vietthink News


Cập nhật: 12/05/2022
Lượt xem:2954