Hưởng ứng ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới 26-4 hàng năm, sáng ngày 18/4/2018, Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (“VIPA”) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (“VCCI”) và Cục Sở hữu Trí tuệ (“NOIP”) tổ chức Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam và vấn đề thực thi quyền Sở hữu trí tuệ theo quy định của Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Buổi tọa đàm giúp doanh nghiệp và các nhà quản lý thảo luận để hiểu rõ hơn các vấn đề pháp lý liên quan tới việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo quy định mới, đồng thời giúp doanh nghiệp có những giải pháp cần thiết để bảo vệ an toàn thông tin, quyền sở hữu trí tuệ và tránh những nguy cơ truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tham gia điều hành buổi Tọa đàm là TS. Lương Minh Huân – Phó Viện trưởng, Viện phát triển doanh nghiêp VCCI; Ông Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ và Ông Mai Hà – Chủ tịch VIPA.
(Ông Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu khai mạc Tọa đàm)
Trong buổi tọa đàm có rất nhiều bài trình bày thảo luận của đại diện Bộ Tư pháp; Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; Bộ thông tin & truyền thông và các đại diện đến từ các hãng luật tại Việt Nam. Trong các bài trình bày và qua buổi tọa đàm, có rất nhiều vấn đề đã được làm rõ một cách chi tiết cũng như quan điểm và đánh giá liên quan đến vấn đề thực thi quyền Sở hữu trí tuệ theo quy định của Bộ luật hình sự sửa đổi 2015, chính thức áp dụng từ 01/01/2018.
Theo trình bày của bà Lê Thị Vân Anh – Trưởng phòng Pháp luật hình sự, Bộ tư pháp, theo Bộ luật hình sự sửa đổi, mặc dù xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ là vấn đề nóng và được xã hội quan tâm, tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Bộ luật hình sự sửa đổi, không thể đưa việc xử lý xâm phạm quyền một cách ồ ạt được mà vẫn còn một số hạn chế. Hạn chế đầu tiên là phạm vi chủ thể của pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ chỉ là Pháp nhân thương mại có hoạt động vì lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho thành viên. Hơn nữa, để bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi phạm tội phải đồng thời vi phạm cả bốn (04) điều kiện: (i) hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại, (ii) hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại, (iii) hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại và (iv) hành vi phạm tội chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, một quy định mang tính đột phá trong Bộ luật hình sự sửa đổi đó là việc truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Hơn nữa, theo quy định của Bộ luật hình sự sửa đổi, các đối tượng Sở hữu trí tuệ thuộc phạm vi điều chỉnh trong Bộ luật hình sự sửa đổi chỉ bao gồm xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý. Điều này có nghĩa là, hiện nay, Bộ luật hình sự chưa có quy định xử lý hành vi xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, bí mật kinh doanh.
(Bà Lê Thị Vân Anh – Trưởng phòng Pháp luật hình sự, Bộ tư pháp trình bày về vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và tội phạm liên quan đến Sở hữu trí tuệ trong Bộ luật hình sự năm 2015)
Ngoài các vấn đề vừa nêu, buổi tọa đàm đã được nghe trình bày và phân tích rất cụ thể và chi tiết về các quy định, hệ thống chế tài, dấu hiệu định tội, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, các hành vi được coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và quyền liên quan.
Buổi tọa đàm còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề xâm phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam và trong khu vực. Thực trạng xâm phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam hiện nay đang diễn ra khá phổ biến và doanh nghiệp thực chất đã phải trả giá rất nhiều cho hành vi xâm phạm bản quyền này. Khi sử dụng phần mềm không có bản quyền, ngoài việc hành vi này có thể bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mà còn là dấu hiệu của nguy cơ doanh nghiệp sẽ bị tấn công bằng mã độc. Như vậy, thay bởi việc mất chi phí để mua bản quyền phần mềm, doanh nghiệp đã phải trả giá bằng việc mất dữ liệu và lúc đó không có chi phí nào có thể mua lại được. Theo báo cáo điều tra Phần mềm Toàn cầu của BSA – Tổ chức hỗ trợ cho ngành công nghiệp phần mềm toàn cầu, năm 2015 có tới 430 triệu mã độc được phát hiện, tăng 36% so với năm 2014 và cứ 7 phút một lần, các tổ chức lại phải hứng chịu một hình thức tấn công bằng mã độc nào đó... Con số này sẽ còn tăng đáng kể trong các báo cáo vào năm 2018 sẽ được BSA công bố vào ngày 30/5/2018 tới đây.
Kết thúc buổi Tọa đàm, Ông Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã tóm tắt sơ bộ các trình bày của đại diện các Cơ quan và một lần nữa khuyến nghị các doanh nghiệp cần phải nâng cao hiểu biết của mình về quyền và nghĩa vụ của mình đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ mà mình sáng tạo cũng như sử dụng để tránh việc xâm phạm quyền đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ khác đã được xác lập quyền.
Vietthink News
#xamphamquyen #sohuutritue #vietthink #boluathinhsu #xamphambanquyenphanmem #banquyenphanmem