Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Xử lý tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ thị của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, với những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, trong thời gian qua đã xuất hiện một số tội phạm liên quan đến dịch bệnh Covid-19 (như một số hành vi chống đối, không chấp hành quy định cách ly, giãn cách xã hội; không khai báo, khai báo y tế gian dối... có dấu hiệu tội phạm) gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự; gây hoang mang, lo lắng, bất bình trong xã hội. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi phạm tội liên quan đến dịch bệnh Covid-19, góp phần ngăn chặn sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh, ngày 03/4/2020, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-VKSTC về tăng cường công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong xử lý tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (“Chỉ thị 03/CT-VKSTC”).

Theo Chỉ thị 03/CT-VKSTC, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao yêu cầu Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND và Viện kiểm sát quân sự các cấp khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự thực hiện có hiệu quả các biện pháp cấp bách sau đây:

1. Chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án cùng cấp để phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi phạm tội liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cụ thể đối với các hành vi phạm tội sau:
  • Không chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng (như hành vi trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly…) (theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015).
  • Vi phạm quy định ở nơi đông người gây thiệt hại do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh Covid-19 từ 100.000.000 đồng trở lên (theo Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015).
  • Đưa ra những thông tin bịa đặt, không đúng sự thật về dịch bệnh gây hoang mang, lo lắng trong xã hội hoặc nhằm mục đích chống phá Nhà nước (theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015).
  • Lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi trái pháp luật nhằm trục lợi (như hành vi đầu cơ, buôn lậu; làm giả hàng hóa, lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tham nhũng hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…) (theo các Điều 188, Điều 196, Điều 193, Điều 194…Bộ luật Hình sự 2015).
  • Chống người thi hành công vụ (theo Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015); gây rối trật tự công cộng (theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015).
Chỉ thị nêu trên là hoàn toàn đúng đắn và kịp thời trước tình hình các tội phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đang có chiều hướng gia tăng, góp phần đảm bảo thống nhất trong xử lý tội phạm liên quan đến dịch bệnh Covid-19 ở tất cả các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Trước mắt, để đáp ứng yêu cầu răn đe, giáo dục chung, góp phần hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các cơ quan tiến hành tố tụng cần thống nhất lựa chọn một số vụ việc điển hình để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

Bên cạnh đó, đối với các vụ án liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nếu có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự thì Viện Kiểm sát các cấp chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án cùng cấp áp dụng ngay thủ tục rút gọn; đối với những vụ án không áp dụng thủ tục rút gọn thì phải khẩn trương tiến hành các hoạt động tố tụng để xử lý tội phạm trong thời hạn ngắn nhất.


 

2. Để bỏ lọt tội phạm, người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm

Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND, Viện kiểm sát quân sự các cấp chủ động nắm bắt thông tin, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh trong cơ quan, đơn vị mình, đặc biệt là trong xử lý các vụ án, vụ việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19.

Trường hợp có đơn vị thuộc hệ thống Viện kiểm sát nhân dân để xảy ra vi phạm hoặc xử lý không kịp thời, nghiêm minh hành vi phạm tội liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, dẫn đến bỏ lọt tội phạm và người phạm tội thì tùy tính chất, mức độ, Viện trưởng Viện kiểm sát, Thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và quy định của ngành Kiểm sát nhân dân.

3. Đảm bảo tuân thủ tuyệt đối các quy định về phòng, chống dịch bệnh trong quá trình tiến hành các hoạt động nghiệp vụ kiểm sát

  • Tăng cường kiểm sát chặt chẽ việc giam, giữ bị can, bị cáo, phạm nhân tại các cơ sở giam giữ trên cả nước, bảo đảm việc giam, giữ tuân thủ đúng quy định về cách ly đối với người bị lây nhiễm hoặc nghi bị lây nhiễm; giảm tối đa việc thăm gặp người bị giam, giữ…
  • Hạn chế tối đa phương thức trực tiếp kiểm sát; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các trang thiết bị điện tử hiện có trong quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng.
  • Tạp chí kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật và các trang thông tin điện tử trong ngành Kiểm sát nhân dân phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Viện kiểm sát các cấp để tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến về việc phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa chung. 
Trong quá trình giải quyết vụ việc, vụ án cụ thể, Viện kiểm sát các cấp cần chủ động trao đổi với Cơ quan điều tra, Tòa án cùng cấp để giải quyết, bảo đảm thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và pháp luật khác có liên quan. Trường hợp các ngành đều thống nhất thì triển khai thực hiện theo thẩm quyền; trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc thì chủ động báo cáo thỉnh thị với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp theo đúng Quy định về công tác hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về pháp luật, nghiệp vụ; báo cáo thỉnh thị, trả lời thỉnh thị trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 599/QĐ-VKSTC ngày 06/12/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. 

Nguyễn Thị Hà 
Công ty Luật TNHH Vietthink




Cập nhật: 11/04/2020
Lượt xem:4868