Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020: Các chính sách bảo đảm đầu tư của nhà nước trong Dự án PPP

Cùng với ưu đãi đầu tư, bảo đảm đầu tư là chính sách quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư. Bảo đảm đầu tư là những biện pháp mà Nhà nước cam kết thực hiện để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho tất cả các nhà đầu tư trong suốt quá trình đầu tư, góp vốn thực hiện các dự án. Nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư vào phát triển kinh tế xã hội, khuôn khổ pháp luật về đầu tư nói chung và về chính sách bảo đảm đầu tư nói riêng ngày càng được hoàn thiện.

Ngày 18/6/2020 vừa qua, Quốc hội Khóa 14 đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP 2020) với rất nhiều quy định, chính sách mới đáng chú ý. Đây là đạo luật đầu tiên điều chỉnh về hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Public Private Partnership - gọi tắt là “PPP”) được Quốc Hội chính thức thông qua, sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2021. Việc ban hành đạo luật này là một bước hoàn thiện các Nghị định, Thông tư và văn bản hướng dẫn trước đó về hình thức đầu tư PPP. Theo Luật PPP 2020, các chính sách bảo đảm đầu tư của nhà nước dành cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (DNDA) có một số điểm đáng chú ý như sau: 

Bảo đảm về quyền tiếp cận đất, quyền sử dụng đất và tài sản công khác (khoản 2 Điều 80 Luật PPP 2020). Theo đó, DNDA được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc cho phép sử dụng tài sản công khác để thực hiện hợp đồng dự án PPP theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; và mục đích sử dụng đất của dự án được Nhà nước bảo đảm không thay đổi trong toàn bộ thời hạn thực hiện hợp đồng và trong bất kỳ trường hợp nào. Việc Nhà nước sử dụng tài sản công để đầu tư thực hiện dự án PPP không phải là một nội dung mới so với các quy định trước đây. Song, việc Nhà nước cam kết đảm bảo cho Nhà đầu tư và DNDA quyền tiếp cận và sử dụng tài sản công để thực hiện hợp đồng dự án PPP là một nội dung mới tái khẳng định sự chính sách bảo đảm đầu tư toàn diện của Nhà nước đối với các dự án PPP. 

Bảo đảm cung cấp dịch vụ công (khoản 3 Điều 80 Luật PPP 2020). Theo đó, DNDA được sử dụng công trình công cộng và công trình phụ trợ khác để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật. Trường hợp có sự khan hiếm về dịch vụ công hoặc có sự hạn chế về đối tượng được sử dụng công trình công cộng, DNDA được ưu tiên cung cấp dịch vụ công hoặc được ưu tiên cấp quyền sử dụng công trình công cộng để thực hiện dự án. Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm hỗ trợ DNDA thực hiện thủ tục cần thiết để được ưu tiên sử dụng dịch vụ công và công trình công cộng. Chính sách bảo đảm cung cấp dịch vụ công đã được quy định từ những Nghị định về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và chính sách này không có nhiều thay đổi đáng kể ở Luật PPP 2020. 

Bảo đảm quyền thế chấp tài sản, quyền kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng (khoản 4 Điều 80 Luật PPP 2020). Theo đó, DNDA được thế chấp tài sản, quyền sử dụng đất và quyền kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng cho bên cho vay theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về dân sự. Thời gian thế chấp không vượt quá thời hạn hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác tại hợp đồng. Tuy nhiên, việc thế chấp tài sản, quyền kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng không được ảnh hưởng đến mục tiêu, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, tiến độ thực hiện dự án và các điều kiện khác đã thỏa thuận tại hợp đồng. 

Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn về con người, tài sản của DNDA, nhà thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án PPP (khoản 5 Điều 80 Luật PPP 2020). Theo đó, cơ quan ký kết hợp đồng, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương nơi triển khai thực hiện dự án PPP bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn về con người, tài sản của DNDA, nhà thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án PPP. Bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, an toàn cho doanh nghiệp, người dân luôn là trách nhiệm của các chính quyền địa phương các cấp, song việc quy định cụ thể điều này trong các hình thức bảo đảm đầu tư của Luật PPP 2020 một lần nữa khẳng định sự bảo đảm của Nhà nước đối với quá trình đầu tư Dự án PPP của nhà đầu tư, DNDA. 

Một điểm mới đáng chú ý trong quy định về Bảo đảm đầu tư tại Điều 80 Luật PPP 2020 là: Luật PPP 2020 chỉ xác định “DNDA” mới là chủ thể được hưởng các biện pháp bảo đảm đầu tư, thay vì quy định “nhà đầu tư, DNDA” được hưởng các biện pháp bảo đảm đầu tư như quy định trước đây. Điều này cho thấy quan điểm của các nhà làm luật hiện nay đã phân biệt rõ ràng vai trò của nhà đầu tư và vai trò của DNDA trong quá trình triển khai đầu tư dự án PPP. Theo đó, có thể hiểu rằng các nhà làm luật đã xác định DNDA mới là chủ thể đóng vai trò chủ yếu trong suốt quá trình triển khai đầu tư dự án PPP, nên được hưởng các chính sách bảo đảm đầu tư một cách trực tiếp, còn các nhà đầu tư, chủ yếu tham gia với vai trò là cổ đông, thành viên góp vốn trong DNDA, nên mặc dù không quy định một cách trực tiếp nhưng các nhà đầu tư vẫn được hưởng các chính sách bảo đảm đầu tư nêu trên một cách gián tiếp.


Nguồn ảnh: Internet

Bảo đảm cân đối ngoại tệ đối với dự án PPP quan trọng (Điều 81 Luật PPP 2020). Theo Luật PPP 2020, bảo đảm cân đối ngoại tệ chỉ áp dụng đối với dự án PPP thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ sẽ quyết định việc áp dụng cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ trên cơ sở chính sách quản lý ngoại hối, khả năng cân đối ngoại tệ trong từng thời kỳ. Trường hợp DNDA đã thực hiện quyền mua ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu giao dịch vãng lai, giao dịch vốn và các giao dịch khác hoặc chuyển vốn, lợi nhuận, các khoản thanh lý đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối nhưng thị trường không đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của DNDA thì được bảo đảm cân đối ngoại tệ không quá 30% doanh thu của dự án bằng tiền đồng Việt Nam sau khi trừ số chi tiêu bằng đồng Việt Nam. Chính sách bảo đảm cân đối ngoại tệ là rất cần thiết đối với các nhà đầu tư và DNDA, đặc biệt là đối với dự án có sử dụng ngoại tệ để nhập các yếu tố đầu vào của dự án (như trang thiết bị, nguyên vật liệu) hoặc huy động nguồn vốn vay bằng đồng ngoại tệ vì rủi ro liên quan đến tỷ giá hối đoái và chuyển đổi ngoại tệ là rủi ro rất dễ xảy ra; trong khi đó doanh thu của dự án được tính bằng đồng nội tệ (VND). Bảo đảm cân đối ngoại tệ không phải là một chính sách bảo đảm đầu tư mới, song, tại Luật PPP 2020, chính sách này chỉ được áp dụng đối với các dự án PPP quan trọng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, chứ không được áp dụng rộng rãi, đại trà cho tất cả các dự án PPP như các quy định trước đây.

Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu (Điều 82 Luật PPP 2020). Đây là một chính sách hoàn toàn mới của nhà nước so với các quy định trước đây. Theo đó, khi doanh thu thực tế đạt cao hơn 125% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án, nhà đầu tư, DNDA chia sẻ với Nhà nước 50% phần chênh lệch giữa doanh thu thực tế và mức 125% doanh thu trong phương án tài chính. Việc chia sẻ phần tăng doanh thu được áp dụng sau khi đã điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công, điều chỉnh thời hạn hợp đồng dự án PPP theo quy định và đã được Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán phần tăng doanh thu. Ngược lại, khi doanh thu thực tế đạt thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, DNDA 50% phần chênh lệch giữa mức 75% doanh thu trong phương án tài chính và doanh thu thực tế. Việc chia sẻ phần giảm doanh thu được áp dụng khi đáp ứng các điều kiện sau đây: 
  • Dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, hợp đồng BTO, hợp đồng BOO;
  • Quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm giảm doanh thu;
  • Đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công, điều chỉnh thời hạn hợp đồng dự án PPP theo quy định nhưng chưa bảo đảm mức doanh thu tối thiểu là 75%;
  • Đã được Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán phần giảm doanh thu.
Mặc dù không gắn với thuật ngữ “bảo đảm đầu tư” nhưng cơ chế chia phần tăng, giảm doanh thu được quy định rất cụ thể tại Điều 82 Luật PPP 2020 được xem như một sự cam kết của nhà nước về sự chia sẻ khi doanh thu dự án PPP có biến động giảm so với phương án tài chính đã xác định ban đầu hoặc ngược lại, khi doanh thu tang so với phương án tài chính ban đầu, thì nhà đầu tư, DNDA cũng phải chia sẻ phần lợi ích này với nhà nước. Chính sách này được các chuyên gia và nhà đầu tư đánh giá là điểm nhấn trong các chính sách ưu đãi, bảo đảm đầu tư của Chính phủ và là điểm cốt lõi nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia các dự án PPP trong thời gian tới. 

Ngoài các chính sách bảo đảm đầu tư nêu trên, nhà đầu tư, DNDA còn được hưởng các chính sách bảo đảm đầu tư quy định tại Điều 10, Điều 11, Điều 12 và Điều 13 Luật Đầu tư 2020 bao gồm: được Nhà nước bảo đảm quyền sở hữu tài sản, Bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh; Bảo đảm quyền chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài; Bảo đảm được hưởng các ưu đãi đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật. 

Vietthink New.



Cập nhật: 14/09/2020
Lượt xem:4652