Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Quy định mới về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam

Ngày nay, những biểu hiện và hệ quả của biến đổi khí hậu trên toàn cầu đang diễn ra ngày càng rõ rệt, thể hiện ở những đợt hạn hán, lũ lụt, tan băng ở bắc bán cầu, thiên tai, dịch bệnh,… xảy ra với quy mô và mức độ báo động. Với tình hình hiện nay, việc xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững, sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đang là mục tiêu chung của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg (“Quyết định 08”) sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam. Chính sách mới phần nào cho thấy mong muốn của Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng sạch, tái tạo, dần thay thế nguồn năng lượng hóa thạch nhằm mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Điện sinh khối (biomass power) là việc sử dụng sinh khối (biomass) để sản xuất điện năng. Đây là dạng năng lượng tái tạo và có trữ lượng không nhỏ nên được nhiều nước trên thế giới quan tâm đầu tư. Trong tự nhiên, sinh khối bao gồm cây cối, cây trồng công nghiệp, tảo và các loài thực vật khác, hoặc là những bã nông nghiệp và lâm nghiệp (rơm rạ, bã mía, vỏ, xơ bắp, lá khô, vụn gỗ v.v...), giấy vụn, mêtan từ các bãi chôn lấp, trạm xử lý nước thải, phân từ các trại chăn nuôi gia súc và gia cầm... Trên quy mô toàn cầu, sinh khối là nguồn năng lượng lớn thứ tư, chiếm khoảng 14 - 15% tổng năng lượng tiêu thụ của thế giới(*).
(*) https://www.evn.com.vn/d6/news/Dien-sinh-khoi-nguon-nang-luong-tai-tao-huu-ich-141-17-6947.aspx

Việt Nam là nước có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng sinh khối từ chất thải nông nghiệp, rác, nước thải đô thị… phân bổ rộng khắp trên toàn quốc, trong đó, một số dạng sinh khối có thể sản xuất điện hoặc áp dụng công nghệ đồng phát năng lượng (sản xuất cả điện và nhiệt). Lượng sinh khối khổng lồ này, nếu không được xử lý sẽ là nguồn ô nhiễm lớn và phát sinh liên tục, gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái (đất, nước và không khí) cũng như sức khỏe con người. Vì vậy, từ đầu năm 2014, Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích đầu tư phát triển các Dự án điện sinh khối bằng việc ban hành Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam (“Quyết định 24”). 

Quyết định 24 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 08 với một số nội dung đáng chú ý như sau:
Theo Quyết định 08, phạm vi các chủ thể được mua, bán điện tại DAĐSK đã được mở rộng hơn trước mặc dù chưa thực sự mạnh mẽ. Cụ thể, trước đây, bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoặc đơn vị thành viên được ủy quyền thì nay bổ sung thêm “tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của các tổ chức nêu trên theo quy định của pháp luật”. Bên bán điện theo văn bản cũ được quy định là “tổ chức, cá nhân có giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện từ các nhà máy điện sử dụng năng lượng sinh khối” thì nay được mở ra cho “các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực phát điện từ các DAĐSK hoặc tổ chức, cá nhân tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân nêu trên”. Theo đó, đã cho phép các bên trung gian thứ ba (bên tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của bên mua/bán điện) tham gia vào hoạt động mua, bán điện từ các DAĐSK, góp phần làm đa dạng mô hình kinh doanh thương mại trong lĩnh vực này và giảm bớt áp lực cho các Chủ đầu tư DAĐSK. 

 
(Nguồn ảnh: Internet)

Quyết định 08 đã bãi bỏ các quy định về quy hoạch phát triển điện sinh khối và các quy định liên quan đến việc lập, thẩm định, phê duyệt và công bố Quy hoạch phát triển và sử dụng năng lượng sinh khối; bãi bỏ các quy định ưu đãi về vốn đầu tư, thuế và đất đai; lược bớt các quy định về điều độ vận hành nhà máy điện sinh khối sau khi hoàn thành đầu tư và nghiệm thu đưa vào vận hành thương mại. Về cơ bản, trách nhiệm của bên bán điện và bên mua điện trong việc đấu nối DAĐSK vào hệ thống điện vẫn như Quyết định cũ. Tuy nhiên, Quyết định 08 đã quy định cụ thể bên bán điện sẽ phải chịu phần tổn thất điện năng trên đường dây đấu nối và tổn thất máy biến áp tăng áp của nhà máy điện trong trường hợp điểm đấu nối khác với điểm đặt thiết bị đo đếm. Quy định này nhằm tháo gỡ vướng mắc và giải quyết tranh chấp giữa các bên trong quan hệ mua, bán điện trong trường hợp không có thỏa thuận về cơ chế chịu rủi ro khi đấu nối và truyền tải năng lượng từ DAĐSK. 

Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg khi chưa được sửa đổi bởi Quyết định 08 có quy định các điều kiện cụ thể để chủ đầu tư được phép khởi công xây dựng công trình điện sinh khối chẳng hạn như phải có Giấy chứng nhận đầu tư, văn bản chấp thuận mua điện của Bên mua điện (EVN); thỏa thuận đấu nối với Đơn vị phân phối hoặc Đơn vị truyền tải điện,…Tuy nhiên,  Quyết định 08 đã bãi bỏ toàn bộ quy định này.  Theo đó, điều kiện khởi công xây dựng công trình điện sinh khối đã được tháo gỡ và trở nên linh hoạt hơn theo Quyết định 08. 

Ngoài ra, Quyết định 08 còn sửa đổi quy định về trách nhiệm mua điện từ các DAĐSK của bên mua điện. Cụ thể, theo quy định cũ, bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các nhà máy phát điện sinh khối nối lưới thuộc địa bàn do mình quản lý. Tuy nhiên, Quyết định 08 đã điều chỉnh theo hướng giúp cho bên mua điện linh hoạt hơn trong việc cam kết mua điện từ các DAĐSK, cụ thể: “Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các dự án điện sinh khối phù hợp với quy định về vận hành hệ thống điện quốc gia và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành điện; ưu tiên khai thác toàn bộ công suất, điện năng phát của các dự án điện sinh khối.” 

Nội dung nổi bật nhất của Quyết định 08 là việc điều chỉnh tăng giá bán điện từ các DAĐSK đồng phát nhiệt điện từ 1.220 đồng/kWh (tương đương 5,8 UScent/kWh) lên thành 1.634 đồng/kWh (tương đương 7,03 UScent/kWh); Giá điện cho các loại dự án sinh khối khác là 1.968 đồng/kWh (tương đương 8,47 UScents/kWh); thay thế cơ chế giá chi phí tránh được cho dự án điện sinh khối khác bằng cơ chế giá bán điện cố định 1.968 đồng/kWh (tương đương 8,47 UScent/kWh). Sự điều chỉnh, sửa đổi này được kỳ vọng sẽ thu hút hơn nữa đầu tư vào lĩnh vực điện sinh khối, đặc biệt khuyến khích các nhà máy đồng phát nhiệt điện điều chỉnh, tối ưu thiết kế, vận hành để mang lại hiệu quả cao hơn. 

Có thể thấy, việc điều chỉnh chính sách hỗ trợ đầu tư các dự án điện sinh khối vào thời điểm này đã phần nào cho thấynỗ lực của Chính phủ trong việc tạo hành lang, cơ chế pháp lý khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, dần thay thế nguồn năng lượng hóa thạch nhằm mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai. Tuy nhiên, có lẽ với những nhu cầu cấp thiết và tiềm năng phát triển như hiện nay của thị trường trong nước, Quyết định 08 cần được tiếp tục phát triển lên mức độ cao hơn như Nghị định với những cam kết hỗ trợ mạnh mẽ hơn và mở rộng sâu hơn để thu hút các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực đầy hứa hẹn này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/4/2020./.

Vietthink News.
Cập nhật: 27/04/2020
Lượt xem:8826