Tin Liên Quan

Vietthink's Brochure 2017

IP Brochure

Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Giải đáp một số vướng mắc thường gặp trong công tác xét xử tại Tòa án được TAND tối cao giải đáp thông qua Công văn 206/TANDTC-PC ngày 27 tháng 12 năm 2022

Trong công tác xét xử tại các Tòa án, còn một số khó khăn, vướng mắc, chưa thống nhất quan điểm trong việc áp dụng các quy định pháp luật trên nhiều lĩnh vực như hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại dẫn đến cách giải quyết các vụ án còn nhiều tranh cãi hoặc bị hủy án do sai phạm. Để tránh tình trạng này, mới đây, TAND Tối cao ban hành Công văn số 206/TANDTC-PC ngày 27/12/2022 giải đáp 31 vướng mắc trong công tác xét xử, cụ thể:

- Lĩnh vực Hình sự, Tố tụng hình sự: 10
- Lĩnh vực Dân sự, Tố tụng dân sự: 06 
- Lĩnh vực Kinh doanh thương mại: 05
- Lĩnh vực Hành chính, Tố tụng hành chính: 07
- Lĩnh vực Công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án: 03

Bài viết này điểm qua một số vướng mắc chính thường gặp được hướng dẫn như sau:

1. Lĩnh vực Hình sự, Tố tụng hình sự

  • Trường hợp người đủ 18 tuổi phạm tội nhưng trước đó đã bị kết án khi chưa đủ 16 tuổi thì thuộc trường hợp “phạm tội lần đầu” do theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 107 BLHS thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị kết án được coi là không có án tích.
  • Trường hợp bị cáo thực hiện nhiều hành vi phạm tội, Viện kiểm sát đã truy tố các hành vi phạm tội này về 01 tội danh thì Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát đề điều tra bổ sung. Nếu Viện kiểm sát vẫn giữ quyết định truy tố thì Tòa án tiến hành xét xử và chỉ xét xử theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố (theo khoản 1 Điều 298 BLTTHS).
  • Trong giai đoạn xét xử, bị cáo là đồng phạm trong vụ án chết, bị cáo có tài sản riêng để bồi thường thiệt hại thì Tòa án đưa những người thừa kế tài sản của bị cáo đó vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, những người thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại (quy định tại Điều 615 BLDS 2015). Trường hợp không thể giải quyết trong cùng một vụ án hình sự thì các đồng phạm còn lại có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại, sau đó sẽ được tách sang vụ án dân sự để giải quyết nghĩa vụ bồi thường giữa người thừa kế của bị cáo đó và các bị cáo khác.
  • Trong cùng một vụ án hình sự có nhiều bị can, mỗi bị can bị truy tố theo các khoản khác nhau của cùng điều luật hoặc truy tố theo các tội danh khác nhau (ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng) thì thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử đối với từng bị can không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử đối với tội phạm nặng nhất mà bị can đó bị truy tố.
  • Trong vụ án hình sự, bị cáo thuộc một trong các trường hợp miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án quy định tại điều 12 Nghị quyết số 326/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội thì bị cáo đó cũng được miễn án phí hình sự. 

2. Lĩnh vực Dân sự - Tố tụng dân sự

  • Trường hợp người thuộc hàng thừa kế đã có văn bản từ chối nhận di sản thừa kế trong một vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản, sau khi có bản án sơ thẩm, người có văn bản từ chối nhận di sản thừa kế kháng cáo bản án với nội dung yêu cầu được nhận kỷ phần thừa kế mà lẽ ra họ được nhận, thì tùy từng trường hợp Tòa án xem xét để chấp nhận yêu cầu kháng cáo đó. Theo đó, trường hợp việc từ chối nhận di sản của người thừa kế là tự nguyện thì Tòa án sẽ không chấp nhận yêu cầu kháng cáo này. Còn đối với trường hợp có căn cứ về việc từ chối nhận di sản thừa kế của người thừa kế đó bị lừa dối, ép buộc, đe dọa…. thì sẽ được Tòa án xem xét chấp nhận yêu cầu đó. 
  • Trường hợp vợ/chồng người Việt Nam kết hôn tại Việt Nam nhưng đang định cư ở nước ngoài có yêu cầu giải quyết ly hôn nhưng đề nghị xét xử vắng mặt, căn cứ theo quy định Điều 238 BLTTDS 2015 thì Tòa án vẫn có thể xem xét, giải quyết vụ án ly hôn vắng mặt các bên nếu việc tống đạt văn bản là hợp lệ và nhận được văn bản phản hồi bằng văn bản hợp pháp của các bên (ví dụ giấy tờ, tài liệu gửi từ nước ngoài về cho Tòa án Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự). 
  • Trường hợp nguyên đơn là công dân Việt Nam kết hôn với bị đơn là người nước ngoài có có con chung (việc kết hôn và khai sinh cho con được thực hiện tại Việt Nam) nhưng sinh sống tại nước ngoài. Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết việc ly hôn và con chung tại Tòa án Việt Nam, Bị đơn cung cấp được tài liệu chứng minh đã có quyết định của Tòa án tại nước họ đã sinh sống công nhận cho bị đơn được quyền nuôi con chung (chưa cung cấp chứng cứ xác định đã được giải quyết về quan hệ hôn nhân), thì Tòa án căn cứ vào yêu cầu của đương sự về việc yêu cầu công nhận hoặc không công nhận bản án/quyết định đó để giải quyết yêu cầu khởi kiện. 
  • Trong vụ án yêu cầu chia thừa kế tài sản, Tòa án có thụ lý yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan yêu cầu đòi tài sản là một phần đất nằm trong diện tích đất yêu cầu chia thừa kế, căn cứ Điều 42 BLTTDS 2015 thì tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án có thể giải quyết trong cùng một vụ án hoặc tách thành hai vụ án riêng biệt.
  • Trường hợp tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án do nguyên đơn rút đơn khởi kiện, bị đơn đồng ý chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn, nhưng phần án phí của bản án sơ thẩm là sai, căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 299 của BLTTDS 2015 thì các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

3. Lĩnh vực Kinh doanh thương mại

  • Trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng có nguyên đơn là ngân hàng, trường hợp sau khi ngân hàng thẩm định tài sản thế chấp mà có người thứ ba đang sử dụng tài sản này (đang sử dụng đất hoặc đang ở nhà trên đất) thì khi giải quyết vụ án, Tòa án phải xem xét việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người thứ ba này hay không, nếu có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ thì phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. 
  • Theo quy định tại khoản 2 Điều 104 BLTTDS quy định về định giá tài sản, thẩm định giá tài sản thì các đương sự trong vụ án có quyền thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản để thực hiện việc thẩm định giá tài sản và cung cấp kết quả thẩm định giá cho Tòa án để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, trường hợp chỉ một bên nhất trí mời tổ chức thẩm định giá tài sản và một hoặc các bên còn lại không nhất trí thì căn cứ điểm b khoản 3 Điều 104 BLTTDS, Tòa án phải ra quyết định định giá và thành lập Hội đồng định giá. 

4. Lĩnh vực Hành chính – Tố tụng hành chính

  • Trường hợp Cơ quan nhà nước trả hồ sơ liên quan đến thủ tục hành chính về đất đai nhưng không nêu lý do của việc trả lại hồ sơ, căn cứ khoản 3, 4 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì công dân có quyền khởi kiện hành vi hành chính của Cơ quan nhà nước đó. 
  • Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chỉ hết hiệu lực khi có quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án.

5. Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

  • Biên bản ghi nhận kết quả hòa giải thành (hai bên thuận tình ly hôn) trong vụ việc hôn nhân và gia đình (không có con chung và tài sản chung) là căn cứ để Tòa án có thẩm quyền xem xét, ra quyết định thuận tình ly hôn. Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày quyết định thuận tình ly hôn có hiệu lực pháp luật, do đó nếu chỉ dừng lại ở Biên bản ghi nhận kết quả hai bên thuận tình ly hôn mà không có quyết định của Tòa án công nhận thuận tình ly hôn thì về pháp lý, quan hệ hôn nhân chưa chấm dứt.
  • Sau khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại, người yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án không phải nộp lệ phí đối với thủ tục xét công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Nguồn ảnh: Vietthink

Trên đây là một số những vướng mắc thường gặp, gây tranh cãi nhiều trong công tác xét xử ở các lĩnh vực khác nhau. Song hành với việc áp dụng các quy định của pháp luật, các cơ quan, tổ chức, cá nhân rất cần có những văn bản hướng dẫn như trên để tránh việc bị sai phạm trong việc áp dụng, dẫn chiếu quy định pháp luật. Công văn giải đáp của Tòa án nhân dân tối cao đã kịp thời giúp giải quyết không ít những khúc mắc, khó khăn của các cơ quan tiến hành tố tụng và những cá nhân, tổ chức tham gia vụ án với các vai trò khác nhau đã gặp phải trong quá trình giải quyết vụ án.

LS. Hoàng Phương Trang
Công ty Luật TNHH Vietthink
Cập nhật: 30/01/2023
Lượt xem:5572