Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Tầm quan trọng của việc đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.


Khi người khởi kiện khởi kiện một vụ án tranh chấp quyền tác giả, quyền liên quan thì người khởi kiện/nguyên đơn đầu tiên phải chứng minh được mình là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Nếu không chứng mình được mình là chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan hoặc các chứng cứ mình cung cấp không được Tòa án chấp nhận thì xem như nguyên đơn đã thất bại trong vụ án bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan này.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 203 Luật SHTT hiện hành thì các chứng cứ để nguyên đơn chứng minh là chủ thể quyền tác giả/quyền liên quan bao gồm:
-  Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan, Bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan; HOẶC
- Chứng cứ cần thiết để chứng minh căn cứ phát sinh quyền tác giả, quyền liên quan trong trường hợp không có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 49 Luật SHTT hiện hành thì “Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại”.
Hơn nữa, theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 92 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 thì những tình tiết, sự kiện đã được xác định trong Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan là những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh như là thông tin về chủ sở hữu của tác phẩm, tác giả của tác phẩm,…
 
Trong trường hợp không có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan, thì theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 6, Điều 12a, Điều 13, Điều 37, Điều 38, Điều 39, Điều 40, Điều 41, Điều 42, Điều 198a Luật SHTT hiện hành; Điều 59, Khoản 3 Điều 65 Nghị định 17/2023 các chứng cứ cần thiết để chứng minh căn cứ phát sinh quyền tác giả, quyền liên quan có thể là:
- Bản gốc hoặc bản sao tác phẩm có nêu tên chủ thể quyền (thông thường là nêu tên tác giả, nhà sản xuất tác phẩm điện ảnh, nhà xuất bản); 
- Tài liệu chứng minh mình là người trực tiếp tạo nên tác phẩm; 
- Các tài liệu tạo ra tác phẩm ghi nhận trên cơ sở dữ liệu máy tính; 
- Văn bản giao việc cho tác giả thuộc công ty tổ chức của mình tạo nên tác phẩm và văn bản bàn giao tác phẩm đã hoàn thành; 
- Hợp đồng thuê tác giả tạo ra tác phẩm; 
- Các tài liệu khác chứng minh việc công bố, biểu diễn, phân phối, phát sóng, truyền đạt tác phẩm; 
- Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, mua bán, góp vốn liên quan đến tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá; 
- Hợp đồng chuyển quyền sử dụng quyền tác giả hoặc văn bản xác định quyền thừa kế, quyền kế thừa; 
- V.v.v
Tuy nhiên theo quy định của Điều 94, 108 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 thì các tài liệu như nêu trên chỉ được xem là nguồn của chứng cứ và phải được Tòa án đánh giá tính hợp pháp, tính liên quan, giá trị chứng minh của từng tài liệu này khi giải quyết tranh chấp; và do vậy các tài liệu này có thể được chấp nhận là chứng cứ để chứng minh rằng nguyên đơn là chủ thể quyền tác giả/quyền liên quan trong vụ tranh chấp.
Tham khảo vụ việc thực tế có liên quan đến tranh chấp quyền liên quan đối với các video bài giảng trong trường hợp chưa đăng ký quyền liên quan; mặc dù chủ sở hữu quyền liên quan đã cung cấp được các chứng cứ bao gồm: 
- Các bản ghi hình các bài giảng; 
- Giấy chứng nhận đăng ký tên miền, theo đó, chủ sở hữu quyền liên quan là chủ thể đăng ký sử dụng tên miền; 
- Chủ sở hữu quyền liên quan đã đăng lên các trang thông tin điện tử qua tài khoản của chính chủ sở hữu.
Nhưng qua quá trình đánh giá chứng cứ, Tòa sơ thẩm vẫn nhận định rằng nguyên đơn không chứng minh được nguyên đơn là chủ thể của quyền sở hữu trí tuệ; còn quan điểm ngược lại Tòa phúc thẩm lại cho rằng nguyên đơn là chủ sở hữu quyền liên quan đối với các video này.
Nội dung vụ việc thực tế trong bản án như sau:
VỤ VIỆC TRÊN THỰC TẾ.
Tóm tắt nội dung vụ việc thực tế theo Bản án phúc thẩm số 13/2020/KDTM-PT ngày 27/05/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh về việc tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ:
1. Từ năm 2012, Ông Đinh Công NĐ (“Ông NĐ”) có soạn thảo một số chương trình phục vụ cho việc học tập trong chương trình phổ thông tiểu học dựa vào kiến thức của Bộ giáo dục đào tạo và đưa video giảng dạy lên trang web “360do.vn” và thông qua youtube để chuyển sang trang web này nhiều nội dung có dung lượng lớn. 
2. Khoảng giữa năm 2015, Topica đã liên hệ với ông NĐ để khai thác những video về giảng dạy tin học. Trong quá trình thương thảo thì ông NĐ phát hiện Công ty V xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với những video của mình, cụ thể vào ngày 25-9-2015, ông NĐ vào google tìm kiếm thì phát hiện 387 video của mình nằm trong website vietgiaitri.com thuộc sở hữu của Công ty V mà không được sự đồng ý của ông NĐ; Công ty V cũng gắn thương hiệu vietgiaitri.com vào video của ông gây hiểu nhầm cho người xem rằng có sự hợp tác giữa ông NĐ và Công ty V;  Công ty V tự cho phép người xem download những video này về máy tính cá nhân; và  Công ty V sử dụng các video của ông để thu hút lượt xem và thực hiện các quảng cáo trên vietgiaitri.com nhằm mục đích thu lợi nhuận.
3. Ngày 02-11-2015, ông NĐ khởi kiện và đề nghị Tòa án giải quyết các yêu cầu đối với Công ty V như sau:
  •  Chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các video của ông.
  •  Chấm dứt sự hoạt động và huỷ bỏ toàn bộ các video của ông mà Công ty V đã đăng tải trước đó trong website vietgiaitri.com.
  •  Xin lỗi công khai trên báo tuổi trẻ về hành vi xâm phạm.
  •  Bồi thường thiệt hại về vật chất cho ông: 1.500.000 x 387 (video)= 580.500.000 đồng. Số tiền 1.500.000 đồng được tính theo công sức và chất xám của bỏ ra và giá thị trường tương đương. Tham khảo hợp đồng ông NĐ ký với Tổng công ty viễn thông Viettel (đối tượng trong hợp đồng này được viết riêng, không phải trong số 387 video đang tranh chấp) để chứng minh thiệt hại của mình chứ không còn căn cứ nào khác.
  •  Bồi thường thiệt hại về cơ hội kinh doanh của ông đối với 50 video dạy tin học mà đã có đối tác thứ ba (Topica) thương lượng mua bán vì sự xâm phạm của Công ty V mà ông NĐ buộc phải tạm ngưng thương lượng với đối tác Topica: 3.000.000*50 (video)=150.000.000 đồng. 
  •  Bồi thường thiệt hại về mặt tinh thần: 15.000.000 đồng.
4. Khi Tòa án thụ lý thì ông NĐ có vào trang web: vietgiaitri.com thì không thấy nội dung sao chép video giảng dạy của mình nữa, có lẽ đã được gỡ xuống. Đối tượng khởi kiện là 387 video giảng dạy được ông NĐ đưa lên youtube và trang web 360do.vn, nội dung của 387 video này là một số chương trình giảng dạy về toán học, tin học, giáo dục công dân, vẽ mỹ thuật và một số video quay cảnh sinh hoạt của con, cháu trong gia đình ông NĐ. Ông NĐ xác định chưa đăng ký bảo hộ đối với 387 video này.
5. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông NĐ xác định các yêu cầu đề nghị Tòa án xem xét, buộc bị đơn phải bồi thường thiệt hại như sau:
  •  Bồi thường thiệt hại về vật chất cho ông đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu 387 video là 580.500.000 đồng.
  •  Bồi thường thiệt hại về cơ hội kinh doanh của tác giả đối với 50 video dạy tin học mà tác giả đã có đối tác thứ ba thương lượng mua bán là 150.000.000 đồng.
  •  Bồi thường thiệt hại về mặt tinh thần là 15.000.000 đồng.
  • Tổng thiệt hại mà bị đơn phải trả cho ông NĐ là 745.500.000 đồng.
6. Bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
7. Ngày 24/10/2017, ông NĐ kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với lý do Tòa án cấp sơ thẩm đã không xem xét các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của ông. Ngoài ra, ông không đồng ý yêu cầu của Tòa án sơ thẩm về việc buộc ông phải cung cấp các bản thảo của các video để chứng minh quyền tác giả. Từ đó, ông đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông, buộc Công ty V bồi thường thiệt hại cho ông tổng số tiền là 745.500.000 đồng.
8. Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:
  •  Đối tượng tranh chấp trong vụ án này là quyền liên quan đối với 387 video bài giảng.
  •  Ông NĐ xác định ông chưa thực hiện thủ tục đăng ký quyền liên quan đối với 387 video bài giảng. Ông NĐ đã cung cấp 387 bản ghi hình các bài giảng; Giấy chứng nhận đăng ký tên miền 360do.vn, theo đó, ông là chủ thể đăng ký sử dụng tên miền; ông NĐ đã đăng lên trang web 360do.vn và youtube.com qua tài khoản của ông. Như vậy, Hội đồng xét xử xác định ông NĐ là chủ sở hữu quyền liên quan đối với 387 video này.
  •  Phía bị đơn đã đăng tải 387 video bài giảng do ông NĐ là chủ sở hữu quyền liên quan nhưng không được sự đồng ý của ông; trên các video được đăng trên website vietgiaitri.com vẫn thể hiện thông tin tên của ông Đinh Công NĐ cũng như tên miền 360do.vn do ông NĐ đăng ký sử dụng. Các chứng cứ trên đã chứng minh hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Công ty VGT đối với quyền liên quan thuộc sở hữu của ông NĐ, cụ thể là hành vi phân phối bản ghi hình mà không được phép của nhà sản xuất bản ghi hình.
  •  Việc Tòa án cấp sơ thẩm nhận định nguyên đơn không chứng minh được ông là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không cung cấp được chứng cứ có giá trị pháp lý để xác định bị đơn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là chưa xem xét toàn diện các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
  •  Về yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với hành vi xâm phạm 387 video: Nguyên đơn không cung cấp được chứng cứ chứng minh hành vi xâm phạm quyền liên quan của Công ty VGT gây ra tổn thất thực tế cho ông nên Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn.
  •  Về yêu cầu bồi thường cơ hội kinh doanh: Qua xem xét các chứng cứ là bản photo các email trao đổi giữa Ông NĐ và Topica, Hội đồng xét xử nhận thấy nội dung các email này không thể hiện việc hai bên sẽ tiến hành ký kết hợp đồng hay việc hợp đồng sẽ không được thực hiện do hành vi xâm phạm của Công ty VGT. Do đó, cơ hội kinh doanh mà nguyên đơn yêu cầu không được xem là khả năng thực tế nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận.
QUAN ĐIỂM CỦA TÁC GIẢ VÀ BÀI HỌC RÚT RA.
Thực trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (dù là cố tình hay vô ý) hiện nay đối với tất cả các thể loại tác phẩm, dù là tác phẩm khoa học hay tác phẩm nghệ thuật đang diễn ra rất nhiều với nhiều hình thức phức tạp. Do vậy, để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình, tránh được rắc rối có thể phát sinh khi có tranh chấp, cụ thể là không được các cơ quan giải quyết tranh chấp công nhận mình là chủ thể của quyền tác giả, quyền liên quan thì việc đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan với cơ quan chức năng có thẩm quyền mặc dù không bắt buộc, nhưng là một bước vô cùng quan trọng và luôn luôn nên cân nhắc thực hiện ngay khi tác phẩm được tạo ra, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá được định hình hoặc thực hiện./.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 của Quốc hội,  có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2006, được sửa đổi, bổ sung bởi: 1. Luật số 36/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2010; 2. Luật số 42/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2019; 3. Luật số 07/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 (“Luật SHTT hiện hành” hoặc “Luật SHTT 2022”);
2. Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, có hiệu lực kể từ ngày 26 tháng 4 năm 2023 (“Nghị định 17/2023”).
3. Bộ Luật Tố tụng Dân sự số 20/VBHN-VPQH ngày 16 tháng 12 năm 2019, có hiệu lực kể từ ngày ngày 01 tháng 7 năm 2016 (“Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015”);
4.  https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta617061t1cvn/chi-tiet-ban-an.
Luật sư Huỳnh Đặng Hoàng Mai - Công ty Luật TNHH Vietthink

Cập nhật: 14/10/2024
Lượt xem:1331