Thứ ba, theo Khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ, “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký”. Như vậy, có thể hiểu, Quyền tác giả không bảo hộ nội dung, ý tưởng mà chỉ bảo hộ hình thức, cách thức thể hiện nội dung, ý tưởng đó. Do vậy, tác phẩm phái sinh muốn được bảo hộ một cách độc lập thì nó phải thể hiện được sự sáng tạo nhất định về hình thức thể hiện nội dung, ý nghĩa, giai điệu…dựa trên tác phẩm gốc, đồng thời phải mang dấu ấn mới mẻ của tác giả tác phẩm phái sinh.
Nguồn ảnh: Internet
Khi sử dụng tác phẩm gốc để sáng tạo tác phẩm phái sinh, cần phải xin phép những ai?
Theo quy định tại Luật SHTT, quyền tác giả luôn được hình thành trên cơ sở quyền nhân thân (3) và quyền tài sản (4).
Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm gốc là quyền thuộc về tác giả của tác phẩm gốc, quyền này là vĩnh viễn và không thể chuyển giao.
Quyền tài sản theo quy định có bao gồm quyền làm tác phẩm phái sinh, quyền này thuộc về quyền của chủ sở hữu, không phải thuộc về tác giả trong trường hợp tác giả không phải là chủ sở hữu.
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 7 Điều 28 Luật SHTT 2005 sửa đổi bổ sung 2009 (5), hành vi xâm phạm quyền tác giả là hành vi làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
Khoản 3 Điều 20 Nghị định 22/2018/ND-CP quy định “Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ là việc không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm hoặc sửa chữa, nâng cấp chương trình máy tính trừ trường hợp có thoả thuận của tác giả”.
Dựa vào các quy định nêu trên, tác giả bài viết cho rằng để được làm một tác phẩm phái sinh từ một hay một số tác phẩm gốc, tác giả tác phẩm phái sinh cần phải xin phép cả tác giả và chủ sở hữu tác phẩm gốc (trong trường hợp tác giả không đồng thời là chủ sở hữu) và trả nhuận bút/tác quyền cho tác giả và chủ sở hữu tác phẩm theo thỏa thuận giữa các bên mới phù hợp. Bởi vì, nếu chỉ xin phép chủ sở hữu, việc bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm rất khó để đảm bảo vì chỉ có tác giả gốc mới có thể đưa ra nhận định chính xác nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ xin phép tác giả thì chủ sở hữu lại mất đi quyền chính đáng của mình.
Thực tế đã cho thấy việc có thể xảy ra tranh cãi trong việc tác phẩm phái sinh có làm thay đổi sự toàn vẹn của tác phẩm hay không, cụ thể có thể kể đến trường hợp Album âm nhạc “Chat với Mozart” của ca sĩ Mỹ Linh:
Trong album nhạc này, ca sĩ Mỹ Linh cùng ekip đã sử dụng các trích đoạn tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ Bach, Borodine, Elgar, Gounod, Shumann, Saintc - Seans, Tchaikovsky, Vivaldi và nhạc sĩ Dương Thụ đã viết lời và nhạc sĩ Anh Quân và nhạc sĩ Huy Tuấn thực hiện phối khí cho các đoạn trích này trong album nhạc. Vụ kiện giữa luật sư Cù Huy Hà Vũ và Công ty sản xuất Album nhạc đã được Tòa án giải quyết nhưng đâu đó vẫn không tránh khỏi tranh cãi, đồng tình và không đồng tình với kết luận của Tòa án.
PHẦN II: CÁC LOẠI HÌNH TÁC PHẨM PHÁI SINH VÀ Ý NGHĨA BẢO HỘ TÁC PHẨM PHÁI SINH
Kính mời độc giả đón xem ở kỳ sau.
Luật sư SHTT Dương Thị Vân Anh
An Thùy Dương
Công ty Luật TNHH Vietthink
--------------------------------------------------
Chú thích:
(1) Khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009: Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm: