Vietthink's Brochure 2017

IP Brochure

Quay lại Bản in
Cỡ chữ
Với phương châm “Luôn suy nghĩ vì khách hàng”, Vietthink đã trở thành người bạn đồng hành, người bảo trợ pháp lý tin cậy của khách hàng và đối tác uy tín của các cơ quan chính phủ, chính quyền địa phương. Bằng sự nỗ lực, tận tâm và trách nhiệm của đội ngũ luật sư, nhiều vụ việc tư vấn, tranh tụng và sở hữu trí tuệ có giá trị lớn, phức tạp đã được Vietthink tư vấn và hỗ trợ thành công, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của của Nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đồng thời góp phần tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật và thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Dưới đây là tóm tắt một số vụ việc tiêu biểu mà Vietthink đã tư vấn thành công cho khách hàng trong các lĩnh vực: Dự án, Đầu tư công, Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP), M&A, Tái cấu trúc doanh nghiệp, Sở hữu trí tuệ, Tranh tụng:

 1. Vụ việc tư vấn tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc khách sạn Wooshu Đồng Nai giữa Công ty cổ phần Vĩnh Thiện Đồng Nai (nguyên đơn) và Công ty TNHH Vĩnh Tường (bị đơn) do TAND tỉnh Đồng Nai xét xử. Giá trị vụ tranh chấp là 228 tỷ đồng. Năm 2011, Nguyên đơn ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc khách sạn Wooshu Đồng Nai với Bị đơn. Hợp đồng được văn phòng công chứng tỉnh Đồng Nai công chứng và Nguyên đơn đã hoàn thành thanh toán toàn bộ giá trị chuyển nhượng cho Bị đơn. Nhưng sau đó Bị đơn không đồng ý chuyển giao tài sản và nại ra một số hồ sơ, tài liệu giả mạo nhằm lật kèo quan hệ mua bán mới Nguyên đơn, khiến Nguyên đơn phải khởi kiện Bị đơn tại tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Vietthink là người đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nguyên đơn trong quá trình tòa án giải quyết vụ án. Kết quả: Ngày 4/7/2013, TAND tỉnh Đồng Nai ra bản án sơ thẩm buộc Công ty TNHH Vĩnh Tường phải thực hiện nghĩa vụ giao tài sản cho Công ty cổ phần Vĩnh Thiện Đồng Nai theo Hợp đồng đã ký giữa hai bên. Ngày 11/10/2013, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án đã tuyên bác yêu cầu kháng cáo của bị đơn và giữ nguyên bản án sơ thẩm. Thành công của vụ việc này đã góp phần bảo vệ tài sản và các quyền lợi hợp pháp của Công ty cổ phần Vĩnh Thiện Đồng Nai, đồng thời ngăn chặn hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của một số cá nhân liên quan.

 2. Vụ việc tư vấn cho Công ty TNHH Mỏ Nikel Bản Phúc (Sơn La) kiến nghị giữ nguyên mức thuế suất thuế tài nguyên (0%) đối với quặng Nikel. Công ty Mỏ Nikel Bản Phúc thuộc trường hợp được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với sản phẩm quặng Nikel để xuất khẩu (thuế suất thuế giá trị gia tăng đầu ra là 0%). Năm 2014, Cục thuế tỉnh Sơn La có văn bản thông báo không tiếp tục hoàn thuế GTGT đầu vào cho Công ty Bản Phúc với lý do quặng Nikel là “tài nguyên, khoáng sản khai thác đã chế biến thành sản phẩm khác” theo Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 01/01/2014 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật thuế gia trị gia tăng. Kết quả: Với nỗ lực tư vấn và hỗ trợ của Vietthink trong quá trình tham vấn và làm việc với các bộ, ngành liên quan, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản trả lời trong đó khẳng định quặng Nikel không phải là “tài nguyên, khoáng sản khai thác đã chế biến thành sản phẩm khác”, và Công ty Mỏ Nikel Bản Phúc vẫn thuộc đối tượng được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT là 0% khi xuất khẩu. Thành công này đã giúp Công ty Mỏ Nikel Bản Phúc tiếp tục được hoàn thuế GTGT với số tiền hàng trăm tỷ đồng.

 3. Vụ việc tư vấn cho Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh Hà Nội nhận chuyển nhượng Tòa nhà Hapro Building, số 11B Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội do Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) làm chủ đầu tư. Đây là một giao dịch phức tạp do giá trị giao dịch lớn (gần 500 tỷ đồng), trong khi các quy định của pháp luật hiện hành về kinh doanh bất động sản liên quan đến chuyển nhượng văn phòng theo hình thức thuê mua vẫn chưa rõ ràng, chặt chẽ. Kết quả: Với nỗ lực tư vấn và hỗ trợ của Vietthink trong quá trình thương lượng, đàm phán giữa các bên, ngày 24/12/2014, Vietcombank Hà Nội và Hapro đã ký Hợp đồng chuyển nhượng tài sản, theo đó Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh Hà Nội nhận chuyển nhượng lại Tòa nhà 11B Cát Linh, Hà Nội từ Hapro để làm trụ sở giao dịch của ngân hàng. Việc Vietthink tư vấn thành công thương vụ này đã tạo tiền đề pháp lý cho việc thực hiện hàng loại giao dịch thuê mua, nhận chuyển nhượng văn phòng, trụ sở tương tự giữa ngân hàng, chi nhánh ngân hàng Vietcombank và các ngân hàng khác. Qua đó góp phần đa dạng hóa các phương thức xử lý quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và các chủ đầu tư bất động sản.

 4. Vụ việc tư vấn cho Công ty TNNH Linh kiện điện tử SEI Việt Nam [SEEV] (thuộc Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản) xin nâng vốn đầu tư Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại KCN Thăng Long 1 và đầu tư thêm 02 nhà máy sản xuất linh kiện điện tử mới tại KCN Thăng Long và KCN Quang Minh, Hà Nội, với tổng công suất của 02 nhà máy mới là 116 triệu bảng vi mạch/năm, tổng vốn đầu tư mới và đầu tư bổ sung cho các dự án là 7.200 tỉ đồng. Đây là một trong những vụ việc phức tạp vì tại thời điểm xin điều chỉnh, các quy định mới của Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và Luật Bảo vệ Môi trường vừa có hiệu lực thi hành, còn thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể. Kết quả: Với nỗ lực của Vietthink trong việc tư vấn và hỗ trợ chủ đầu tư trong quá trình làm việc, tham vấn, giải trình với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tháng 7/2016, Công ty SEEV đã được Ban quản lý các Khu công nghiệp Hà Nội (HIZA) cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án nói trên. Sự thành công của vụ việc trên đây cũng góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục đầu tư nước ngoài, đóng góp vào sự tăng trưởng vốn đầu tư FDI vào địa bàn thành phố Hà Nội trong năm 2016 và những năm tiếp theo.

 5. Vụ việc tư vấn cho Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng (SRC) trong quá trình đàm phán và ký kết Hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn để hợp tác đầu tư xây dựng Tổ hợp Thương mại và Nhà ở Sao Vàng - Hoành Sơn bao gồm Trung tâm thương mại - Dịch vụ - Văn phòng - Căn hộ cao cấp để bán và cho thuê tại số 231 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội (Nhà máy Cao su Sao Vàng cũ). Đây là một dự án có quy mô và vốn đầu tư lớn, lại chuyển đổi từ đất xây dựng nhà xưởng sản xuất công nghiệp sang đất đô thị nên có nhiều vướng mắc về pháp lý. Thêm nữa, quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần tối thiểu của doanh nghiệp nhà nước trong các dự án liên doanh, liên kết đối với trường hợp di dời nhà máy ô nhiễm ra khỏi trung tâm thành phố cũng khiến các bên gặp khó khăn trong quá trình đàm phán. Kết quả: Với sự hỗ trợ tích cực của Vietthink, cùng với kinh nghiệm tư vấn của Vietthink trong lĩnh vực bất động sản, ngày 15/06/2016, SRC và Hoành Sơn đã ký Hợp đồng hợp tác đầu tư Dự án Tổ hợp Thương mại và Nhà ở Sao Vàng - Hoành Sơn. Ngày 27/07/2016, Công ty dự án với tên gọi Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn đã được các bên góp vốn thành lập và đăng ký hoạt động để triển khai thực hiện Dự án.

 6. Vụ việc tư vấn tranh chấp hợp đồng tái bảo hiểm đối với vụ máy bay ATR72-600, số hiệu RDPL-34233 của hãng hàng không Laos Airline gặp nạn tại Lào năm 2013 giữa Tổng Công ty cổ phần Tái bảo hiểm PVI (PVIRe) và Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (“BIC”). Vietthink là người đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của PVIRe. Điểm mấu chốt về pháp lý trong vụ việc tranh chấp này là nằm việc xác định thời điểm tái tục Hợp đồng tái bảo hiểm xẩy ra trước hay sau thời điểm rơi máy bay, khi các bên áp dụng tập quán giao kết hợp đồng bảo hiểm bằng phương thức điện tử. Kết quả: Với sự nỗ lực tư vấn và hỗ trợ của Vietthink, ngày 28/7/2016, TAND thành phố Hà Nội đã ra bản án bác yêu cầu Tổng Công ty cổ phần Tái bảo hiểm PVI phải bồi thường tiền bảo hiểm cho Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV với lý dó Hợp đồng tái bảo hiểm chưa được tái tục vào thời điểm xẩy ra tai nạn rơi máy bay ATR72-600, số hiệu RDPL-34233 của hãng hàng không Laos Airline. Với kết quả giải quyết vụ việc theo bản án của Tòa án đã làm thay đổi rất nhiều thực tiễn pháp lý trong hoạt động bảo hiểm, khiến các công ty bảo hiểm phải xem xét điều chỉnh lại một số điều khoản mẫu trong các hợp đồng bảo hiểm và hợp đồng tái bảo hiểm, cũng như phương thức giao kết hợp đồng điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm.

 7. Vụ việc tư vấn giải quyết tranh chấp về bảo hiểm xã hội giữa Công ty TNHH Asean Link Việt Nam (doanh nghiệp FDI có vốn của nhà đầu tư quốc tịch CH Pháp), Công ty TNHH Young One Bắc Giang (doanh nghiệp FDI có vốn của nhà đầu tư Hàn Quốc), Bảo hiểm xã hội huyện Việt Yên, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang và 500 lao động làm việc tại Công ty TNHH Asean Link. Đây là vụ việc tranh chấp có nhiều yếu tố pháp lý phức tạp liên quan đến trách nhiệm của các bên liên quan đến chuyển giao quyền và nghĩa vụ đối với người lao động của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời liên quan trực tiếp đến chính sách quản lý lao động tại các khu công nghiệp. Công ty Luật Vietthink là người đại diện bảo vệ quyền lợi của Công ty TNHH Asean Link Việt Nam trong các cuộc làm việc, đàm phán, giải quyết tranh chấp về bảo hiểm xã hội tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Kết quả: Với nỗ lực tư vấn và hỗ trợ của Vietthink, Công ty Asean-Link Việt Nam và các bên liên quan đã thống nhất được phương án giải quyết tiền nợ bảo hiểm xã hội, giải quyết được tình trạng bức xúc của người lao động tại địa phương, bảo đảm quyền lợi của 500 lao động nhưng đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư. Qua vụ việc tranh chấp nêu trên cũng đặt ra nhiều vấn đề pháp lý cần hoàn thiện trong việc quản lý lao động tại các khu công nghiệp và cơ chế giải quyết tranh chấp về bảo hiểm để vừa bảo đảm quyền lợi của người lao động Việt Nam, vừa không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư trong nước.

8. Vụ việc tư vấn cho Công ty TNHH Công nghiệp Hạ Long CFG (thuộc Tập đoàn INVEVCO) vay vốn tín dụng ngân hàng để đầu tư Dự án Nhà máy kính nổi CFG Ninh Bình. Đây là Nhà máy kính nổi lớn nhất Việt Nam do Tập đoàn INVEVCO đầu tư xây dựng tại KCN Khánh Cư, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, với công suất 1.200 tấn/ngày (tương đương 80 triệu tấn quy tiêu chuẩn/năm), tổng vốn đầu tư 3000 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng Agribank cấp tín dụng 80%. Do Nhà máy đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư nên việc ký Hợp đồng thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai để đảm bảo cho Hợp đồng tín dụng giữa các bên đặt ra nhiều vấn đề pháp lý phức tạp, cần phải có những quy định vừa linh hoạt, vừa chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho cả hai bên. Kết quả: Sau quá trình đàm phán, thương thảo với sự tư vấn và hỗ trợ của Vietthink, ngày 29/11/2016, Lễ ký kết Hợp đồng tín dụng và Hợp đồng thế chấp giữa Công ty TNHH Công nghiệp Hạ Long CFG và Ngân hàng Agribank đã được tổ chức tại Hà Nội. Việc ký kết thành công Hợp đồng tín dụng trên đây đã góp phần đảm bảo nguồn vốn đầu tư để chủ đầu tư triển khai thi công và hoàn thành Nhà máy đúng tiến độ. Ngày 6/12/2017, sau hơn 1 năm thi công, Tập đoàn INDEVCO đã tổ chức lễ ra lò những sản phẩm kính nổi đầu tiên của Nhà máy, cung cấp cho thị trường sản phẩm kính xây dựng chất lượng cao được sản xuất tại trong nước.

 9. Vụ việc tư vấn cho Công ty TNHH Panasonic Industrial Device Việt Nam (PIDVN) trong việc xin nhập khẩu Dây chuyền sản xuất nút tín hiệu GS11 đã qua sử dụng vào Việt Nam, trong dây chuyển có nhiều máy, thiết bị đã qua sử dụng trên 20 năm. Vietthink đã tư vấn cho Công ty PIDVN về các điều kiện nhập khẩu Dây chuyền này theo quy định của Việt Nam và các nước G7. Vietthink cũng hỗ trợ PIDVN liên hệ và làm việc với tổ chức giám định của Nhật Bản để tiến hành giám định Dây chuyền đã qua sử dụng, nộp hồ sơ và giải trình khả năng đáp ứng điều kiện nhập khẩu Dây chuyển tại Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan. Kết quả: Sau rất nhiều nỗ lực của Vietthink và PIDVN, năm 2017 Công ty PIDVN đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận cho nhập khẩu Dây chuyền sản xuất nút tín hiệu GS11 đã qua sử dụng vào Việt Nam. Với thành công của vụ việc tư vấn trên đây đã tháo gỡ được khó khăn trong công tác nhập khẩu các dây chuyền thiết bị đặc chủng của Công ty TNHH Panasonic Industrial Device Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực sản xuất của Công ty tại Việt Nam. Đồng thời khơi thông được nhiều vấn đề vướng mắc trong việc áp dụng các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khoa học công nghệ vào thực tiễn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp FDI tăng cường nhập khẩu các dây chuyền thiết bị và chuyển giao công nghệ vào Việt Nam.

 10. Vụ việc tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho Công ty tài chính, công nghệ thuộc Tập đoàn tài chính toàn cầu Globe One Fintech Hoa Kỳ (MEED) trong việc liên kết, hợp tác với Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank) phát triển các sản phẩm dịch vụ trung gian thanh toán cho MSB tại Việt Nam dựa trên nền tảng công nghệ 4IR blockchain. Việc ứng dụng công nghệ công nghệ 4IR blockchain trong việc phát triển các dịch vụ trung gian thanh toán qua ngân hàng đang được triển khai rộng rãi trên thế giới, nhưng ở Việt Nam thì đây còn là vấn đề khá mới mẻ. Các quy định của pháp luật về lĩnh vực này còn thiếu và chưa đồng bộ, trong khi hạ tầng công nghệ thông tin và năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với thực tiễn. Thực trạng trên đã gây nhiều quan ngại từ góc độ quản lý nhà nước, nhất là vấn đề bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch trung gian thanh toán và bảo vệ thông tin khách hàng. Kết quả: với nỗ lực tư vấn của đổi ngũ luật sư cùng việc nghiên cứu, vận dụng sáng tạo các quy định của pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn các nước, Vietthink đã tư vấn thành công cho MEED trong việc xác lập các thỏa thuận hợp tác phát triển các sản phẩm dịch vụ trung gian thanh toán dựa trên nền tảng công nghệ 4IR blockchain với ngân hàng MSB vào năm 2017, đồng thời hỗ trợ MEED thực hiện các thủ tục pháp lý về đăng ký triển khai dịch vụ thanh toán quốc tế tại Việt Nam. Thành công của vụ việc trên đã góp phần mở rộng, cung cấp các dịch vụ tiện ích thanh toán cho ngân hàng MSB và các khách hàng tại Việt Nam, đồng thời qua đó khẳng định uy tín và thương hiệu của Vietthink trong lĩnh vự tư vấn về FINTECH nói riêng và về ứng dụng công nghệ 4IR blockchain tại Việt Nam nói chung.

 
11. Vụ việc tư vấn Dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở. Dự án có tổng vốn đầu tư 9.600 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (Hợp đồng BT), chủ đầu tư là UBND thành phố Hà Nội, Tập đoàn Vingroup là nhà đầu tư thực hiện dự án.  Công ty Luật Vietthink là đơn vị tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho UBND thành phố Hà Nội trong việc đàm phán, ký kết Hợp đồng BT thực hiện Dự án với Nhà đầu tư (Tập đoàn Vingroup). Đây là dự án có quy mô lớn, yêu cầu về kỹ thuật phức tạp nên việc đàm phán đòi hỏi rất thận trọng. Thêm nữa, việc thực hiện dự án theo hình thức BT cũng gặp nhiều vướng mắc khi các quy định pháp luật hiện hành còn chưa chặt chẽ, đầy đủ; thậm chí thời gian qua đã phát sinh không ít tiêu cực liên quan đến các dự án BT khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiệm vụ của tư vấn pháp lý là phải vừa đảm bảo đúng quy định của pháp luật, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và cộng đồng xã hội.  Kết quả: Với năng lực và kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Vietthink đã tư vấn và hỗ trợ thành công cho UBND thành phố Hà Nội trong việc đàm phán, ký kết Hợp đồng BT với Tập đoàn Vingroup. Lễ ký kết Hợp đồng BT đã được tổ chức vào tháng 4/2018, làm căn cứ pháp lý để Nhà đầu tư đẩy mạnh triển khai thi công và đưa dự án vào vận hành đúng tiến độ, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường vành đai 2 nói riêng và làm thay đổi bộ mặt giao thông đô thị của thành phố Hà Nội nói chung.

 
12. Vụ việc tư vấn cho Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long (“Phú Long”) và Công ty Cổ phần Bất động sản Dragon Village (“Dragon Village”) nhận chuyển nhượng Dự án Khu đô thị thung lũng Hoa Hồng (Rose Valley) tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội từ Công ty cổ phần Vĩnh Sơn. Dự án có mô sử dụng đất hơn 83,73 ha, tổng vốn đầu tư 1.126 tỷ đồng (theo mức được phê duyệt), được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 từ năm 2004 và cấp quyết định chủ trương đầu tư năm 2008. Sau khi huyện Mê Linh được sáp nhập vào thành phố Hà Nội, dự án đã trải qua nhiều lần rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo chủ trương của thành phố Hà Nội, cùng với việc chủ đầu tư gặp phải một số khó khăn trong quá trình triển khai dẫn đến dự án bị chậm tiến độ. Cũng trong thời gian đó, chính sách pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng có nhiều thay đổi, nên việc rà soát, thẩm định pháp lý dự án và xây dựng cấu trúc giao dịch M&A gặp rất nhiều khó khăn. Với năng lực và kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tư vấn về M&A và bất động sản, Vietthink đã tư vấn và hỗ trợ thành công cho các bên trong việc xây dựng cấu trúc giao dịch và chuẩn bị các hồ sơ pháp lý thực hiện thương vụ M&A dự án. Kết quả: Tháng 10 năm 2018 giao dịch M&A đã hoàn tất, theo đó, Dragon Village chính thức trở thành nhà đầu tư mới của Dự án Khu đô thị Rose Valley Mê Linh và Phú Long là đơn vị hợp tác phát triển dự án. Việc thay đổi nhà đầu tư đã đem đến cơ hội hồi sinh dự án sau nhiều năm đình trệ, đồng thời góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị ở cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô.

 13. Vụ việc tư vấn Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy điện rác Sóc Sơn, thuộc Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, công suất 4.000 tấn/ngày đêm do Công ty cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội làm chủ đầu tư. Đây là Nhà máy có quy mô lớn nhất và công nghệ hiện đại nhất cả nước tính đến thời điểm hiện tại. Vietthink là đơn vị tư vấn cho UBND thành phố Hà Nội trong việc ký Hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát điện (HĐ DV XL CTRSH) với nhà đầu tư trong dự án trên. Vướng mắc lớn nhất trong việc triển khai các dự án xử chất thải rắn sinh hoạt phát điện trên cả nước hiện nay là sự thiếu thống nhất giữa các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, môi trường và dịch vụ công ích. Xử lý CTRSH là dịch vụ công ích sử dụng kinh phí từ ngân sách các địa phương, phải áp dụng cơ chế đấu thầu hoặc đặt hàng với thời hạn cung cấp dịch vụ tối đa là 5 năm. Trong khi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu nhà đầu tư phải hoàn thành xây dựng nhà máy thì mới có căn cứ để ký HĐ DV XL CTRSH theo cơ chế đầu thầu hoặc đặt hàng, thì nhà đầu tư lại coi việc ký HĐ DV XL CTRSH cho toàn bộ vòng đời dự án là điều kiện tiên quyết để triển khai đầu tư dự án. Đây là lý do khiến hàng loạt dự án nhà máy điện rác trên cả nước rơi vào bế tắc. Kết quả: với sự nghiên cứu, tìm tòi, vận dụng sáng tạo các quy định pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn, Vietthink đã đưa ra các lập luận và cơ sở pháp lý vững chắc để UBND thành phố Hà Nội ký HĐ DV XL CTRSH với nhà đầu tư, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Việc ký HĐ DV XL CTRSH giữa hai bên đã diễn ra vào ngày 09/8/2018, tạo điều kiện để nhà đầu tư triển khai xây dựng và đưa Nhà máy vào vận hành trong năm 2021. Thành công của dự án trên cũng đã đưa tên tuổi Vietthink trở thành hãng luật đi đầu trong lĩnh vực tư vấn các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát điện tại Việt Nam.

 14. Vụ việc tư vấn tái cấu trúc tài chính và mô hình quản trị Tập đoàn Sunstone. Tiền thân là một nhóm công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: thương mại, khách sạn, du lịch, bất động sản,... nhưng có quan hệ về sở hữu và quản trị dưới một thương hiệu chung là Sunstone. Đứng trước yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, nhóm công ty nói trên có nhu cầu tái cấu trúc tài chính và mô hình quản trị, đồng thời chuyển sang hoạt động theo mô hình tập đoàn. Vietthink là đơn vị tư vấn về phương án tái cấu trúc và hỗ trợ các thủ tục pháp lý liên quan đến việc tái cấu trúc tài chính và quản trị của nhóm công ty và chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình tập đoàn. Do tính chất đa ngành về lĩnh vực hoạt động và sự đa dạng, phong phú về mô hình tổ chức của các công ty thành viên, cùng sự đan xen của nhiều tầng nấc sở hữu giữa các công ty và cá nhân các cổ đông, nên việc xây dựng phương án tái cấu trúc khá phức tạp và gặp nhiều vướng mắc, đòi hỏi phải có sự bóc tác, cấu trúc lại về sở hữu và chuẩn hóa về mô hình sở hữu và quản trị của từng công ty thành viên trước khi hợp nhất thành mô hình tập đoàn. Kết quả: với sự tư vấn và hỗ trợ của Vietthink, nhóm công ty thành viên đã thực hiện thành công phương án tái cấu trúc để cho ra đời Công ty cổ phần Tập đoàn Sunstone. Ngày 03/10/2018, Công ty cổ phần Tập đoàn Sunstone đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đây là dấu mốc quan trọng khẳng định sự phát triển về quy mô, mô hình quản trị của Tập đoàn Sunstone, là bệ phóng để Sunstone vươn lên trở thành một trong những tập đoàn tư nhân đa ngành, có uy tín và thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam.

 15. Vụ việc tư vấn cho Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long (“Phú Long”) nhận chuyển nhượng dự án Khu đô thị Splendora An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Dự án nằm ở cửa ngõ phía Tây của Hà Nội, có quy mô sử dụng đất 264,475 ha, tổng vốn đầu tư trên 2 tỷ USD (sau điều chỉnh), do Công ty Liên TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (“An Khánh JV’) làm chủ đầu tư. An Khánh JVC được thành lập từ 2007, gồm 02 thành viên góp vốn là Tổng công ty Vinaconex (“Vinaconex”) và Tập đoàn Posco E&C Hàn Quốc (“Posco”), mỗi bên sở hữu 50% vốn. Tuy được coi là một dự án “kim cương” tại Hà Nội nhưng quá trình triển khai dự án Splendora An Khánh gặp rất nhiều trắc trở, từ khâu lập quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đến triển khai xây dựng do việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội (năm 2008) và những thay đổi liên tục của chính sách pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng. Thêm nữa, tỷ lệ sở hữu 50/50 vốn của mỗi thành viên trong Công ty cũng là một trở ngại cho việc đưa ra các quyết định của chủ đầu tư, khiến dự án bị chậm tiến độ và kéo dài. Tháng 1/2018 Posco đã chuyển nhượng 50% vốn tại An Khánh JVC cho Phú Long, và đến tháng 9/2020 thì Vinaconex cũng chuyển nhượng nốt 50% vốn còn lại cho Phú Long (thông qua các tổ chức, cá nhân do Phú Long chỉ định), qua đó giúp Phú Long hoàn tất giao dịch M&A để sở hữu 100% vốn của An Khánh JVC và thâu tóm toàn bộ Dự án Splendora An Khánh. Đây là một trong những thương vụ M&A “đình đám” nhất tại Việt Nam trong vòng mấy năm trở lại đây, và cũng là một trong những dự án M&A phức tạp nhất bởi phải xử lý rất nhiều hồ sơ pháp lý và các quan hệ pháp lý đan xen. Kết quả: với kinh nghiệm và bản lĩnh tư vấn của mình, Vietthink đã tư vấn và hỗ trợ các bên thực hiện thành công thương vụ M&A nói trên một cách ngoạn mục. Thành công của thương vụ này đã góp phần tháo gỡ bế tắc và giúp cho dự án Splendora An Khánh sớm được hồi sinh trong tương lai gần dưới tên chủ đầu tư mới là Phú Long. Đồng thời, qua đó cũng khẳng định năng lực và nâng tầm thương hiệu của Vietthink trong lĩnh vự tư vấn pháp luật về M&A.

 16. Vụ việc tư vấn tái cấu trúc Tập đoàn Sovico. Sovico là một trong những tập đoàn lớn và uy tín hàng đầu tại Việt Nam, hoạt động tiên phong trong nhiều lĩnh vực như: tài chính ngân hàng, hàng không, bất động sản, năng lượng, quản lý tài sản và đầu tư. Sovico hiện là công ty mẹ của Ngân hàng HDBank, Hãng hàng không Vietjet và hàng loạt doanh nghiệp khác. Trong đó, HDBank và Vietjet là hai công ty niêm yết nằm trong VN 30 những danh nghiệp vốn hóa lớn nhất và hoạt động tốt nhất trên sàn Chứng khoán, hàng năm đóng góp tới trên 7.000 tỉ đồng cho ngân sách Nhà nước. Sau gần 30 năm hoạt động, Sovico đứng trước nhu cầu tái cấu trúc về tài chính, quản trị và hoạt động để đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển trong giai đoạn mới. Năm 2019, Ban Lãnh đạo Tập đoàn Sovico đã thông qua kế hoạch nâng vốn điều lệ công ty mẹ Sovico lên 7.000 tỷ đồng và thực hiện tái cấu trúc mô hình Sovico Holdings thành mô hình Sovico Group, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn là bất động sản, hàng không và ngân hàng. Vietthink là hãng luật được lựa chọn để tư vấn về phương án và mô hình tái cấu trúc, đồng thời hỗ trợ thực hiện các thủ tục tái cấu trúc và đăng ký hoạt động của Sovico Group và các công ty thành viên sau khi tái cấu trúc. Với quy mô tài sản, tài chính, đầu tư, hoạt động và nhân sự của Tập đoàn Sovico, quá trình tái cấu trúc thành Sovico Group đòi hỏi phải xử lý hàng loạt các vấn đề pháp lý liên quan đến chia tách, sáp nhập doanh nghiệp, hoán đổi cổ phần, xử lý tài sản, trái phiếu, khoản đầu tư tài chính,… Trong đó có nhiều vấn đề mới, chưa có quy định cụ thể, đòi hỏi phải vận dụng linh hoạt pháp luật hiện hành và thực tiễn pháp lý trong kinh doanh. Kết quả: với sự tư vấn và hỗ trợ của Vietthink, Tập đoàn Sovico đã thực hiện thành công phương án tái cấu trúc từ mô hình Sovico Holdings thành mô hình Sovico Group, đồng thời hoạt thành các thủ tục pháp lý về đăng ký hoạt động theo mô hình mới tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Ngày 31/7/2019 tại TP. Hồ Chí Minh, Tập đoàn Sovico đã tổ chức “Lễ công bố chiến lược phát triển Tập đoàn Sovico” theo mô hình Sovico Group. Tại buổi Lễ, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Nguyễn Thị Phương Thảo đã chia sẻ: Trong vòng vài năm tới đây, Tập đoàn Sovico hướng đến mục tiêu nâng tầm qui mô tổ chức, quản trị doanh nghiệp, xây dựng mô hình quản lý Tập đoàn theo thông lệ quốc tế tốt nhất, đánh dấu một chặng đường mới, trở thành Sovico Group với tinh thần: sáng tạo giá trị - kiến tạo tương lai.

 17. Vụ việc tư vấn cho Sovico Group trong việc giải quyết khiếu nại và bảo hộ thành công 04 nhãn hiệu trong lĩnh vực bất động sản. Là tập đoàn tư nhân hoạt động đa ngành, sở hữu hàng loạt thương hiệu lớn tại Việt Nam nên vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các thương hiệu và nhãn hiệu luôn được Sovico Group hết sức coi trọng. Hơn 10 năm trước, Sovico đã nộp đơn đăng ký 04 nhãn hiệu thuộc sở hữu của Tập đoàn trong lĩnh vực bất động sản, nhưng đã bị Cục SHTT từ chối với lý do các nhãn hiệu này trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đã được đăng ký. Sovico đã gửi đơn khiếu nại quyết định từ chối của Cục SHTT nhưng sau một thời gian dài việc giải quyết khiếu nại của Sovico vẫn không có kết quả. Điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến uy tín và hoạt động của Tập đoàn Sovico. Sau khi nhận tư vấn vụ việc trên, Vietthink đã tiến hành nghiên cứu hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của Sovico và nhận thấy hồ sơ đăng ký hoàn toàn hợp lệ, các mô tả về nhãn hiệu không trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đã đăng ký. Bằng năng lực và kinh nghiệm của mình, Vietthink tiếp tục theo đuổi việc khiếu nại, nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật về SHTT, đồng thời làm việc chặt chẽ với Cục SHTT để giải trình trong quá trình giải quyết khiếu nại. Kết quả: với sự tư vấn và hỗ trợ của Vietthink, nội dung khiếu nại của Sovico đã được Cục SHTT chấp nhận và năm 2019 Cục SHTT đã đồng ý cấp văn bằng đăng ký bảo hộ cho 04 nhãn hiệu nói trên của Sovico Group. Sự thành công của vụ việc này đã góp phần bảo vệ uy tín, thương hiệu và quyền sở hữu trí tuệ của Sovico Group, tạo điều kiện thuận lợi để Sovico Group đẩy mạnh quảng bá thương hiệu và triển khai các hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

 18. Vụ việc tư vấn tố tụng bảo vệ quyền lợi cho Công ty cổ phần Truyền thông Max trong vụ “Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ” với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (“VCPMC”). Thời gian gần đây, VCPMC đã đưa ra quy định mới trong việc thu phí bản quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc, thay vì mức thu cố định cho các tác phẩm âm nhạc đối với mỗi lần biểu diễn, VCPMC sẽ đếm số lượng khán giả tham dự mỗi sự kiện âm nhạc để ấn định mức thu phí bản quyền tác giả đối với các tác phẩm được biểu diễn tại sự kiện. Quy định này đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ của dư luận, trong đó có các đơn vị biểu diễn. Là một đơn vị tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp, Công ty cổ phần Truyền thông Max đã phản đối quy định về cách thu phí bản quyền nêu trên, phản đối mức phí bản quyền do VCPMC ấn định cho mỗi sự kiện, với lý do việc đếm khán giả cho từng buổi biểu diễn là không chính xác, khi mà số lượng khán giả thực tế cao hơn rất nhiều số lượng vé bán được vì có cả các khách mời của nghệ sỹ, nhạc sỹ và đơn vị tổ chức biểu diễn. Thêm nữa, trong số các tác phẩm âm nhạc được trình diễn tại sự kiện thì đã có những tác phẩm mà đơn vị tổ chức đã được sự đồng ý và cho phép trực tiếp của các nhạc sỹ, nên VCPMC không có quyền đại diện thu phí bản quyền đối với các tác phẩm đã được các nhạc sỹ cho phép biểu diễn. Những bất đồng trên đây đã dẫn đến tranh chấp của hai bên và VCPMC đã khởi kiện Công ty cổ phần Truyền thông Max tại TAND TP. Hà Nội để yêu cầu truy thu phí bản quyền. Vietthinnk là đơn vị tư vấn bảo vệ quyền lợi của Công ty truyền thông Max trong quá trình tố tụng. Kết quả: Trước những phân tích, lập luận đầy thuyết phục của các luật sư của Vietthink về những điều bất hợp lý trong quy định mới về thu phí bản quyền, VCPMC đã đồng ý thương lượng với Công ty cổ phần Truyền thông Max về mức phí bản quyền có thể chấp nhận đối với cả hai bên và khép lại vụ tranh chấp. Thành công của vụ việc trên không những bảo vệ được quyền lợi hợp pháp cho Công ty cổ phần Truyền thông Max mà còn khiến VCPMC phải thay đổi quy định thu phí bản quyền tác phẩm âm nhạc để đảm bảo hài hòa giữa quyền lợi của tác giả, khán giả và các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật.

 19. Vụ việc tư vấn tranh tụng bảo vệ quyền lợi của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ Tranh chấp quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở tại số 317 Trần Bình Trọng, TP. Hồ Chí Minh, giữa Nguyên đơn là ông Nguyễn Thành Công và Bị đơn là bà Trịnh Tú Toàn, người có quyền và nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Hữu Đ. Theo hồ sơ vụ án, năm 1991 ông Nguyễn Thành Công đã chuyển nhượng nhà đất 317 Trần Bình Trọng cho bà Trịnh Tú Toàn để thanh toán nợ tín dụng. Sau đó, nhà đất trên đã được mua đi bán lại và sang tên sổ đỏ qua nhiều người và ông Nguyễn Hữu Đ là người mua cuối cùng vào năm 2019. Tuy nhiên, ông Công đã khởi kiện tại TAND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu hủy giao dịch mua bán với bà Toàn xác lập năm 1991 và đòi lại nhà đất tại 317 Trần Bình Trọng. Vấn đề pháp lý mấu chốt trong vụ án trên là việc bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình trong các giao dịch dân sự. Vụ án trở nên phức tạp vì nhà đất tranh chấp đã được mua bán sang tên nhiều lần qua nhiều chủ khác nhau trong một thời gian dài. Trong thời gian đó Bộ luật Dân sự đã 3 lần được sửa đổi, ban hành mới (1995, 2005, 2015), trong đó các quy định về bảo vệ người thứ ba ngay tình cũng có nhiều thay đổi, dẫn đến cách hiểu, cách nhận định về áp dụng pháp luật của các bên đương sự và các cơ quan tiến hành tố tụng cũng khác nhau. Thêm nữa, giá trị nhà đất tranh chấp đã tăng cao so với ban đầu (tại thời điểm tranh chấp là khoảng hơn 400 tỷ đồng) khiến các cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét giải quyết vụ án một cách thận trọng. Kết quả: qua hai cấp xét xử, bằng những lập luận và chứng cứ xác đáng được các luật sư của Vietthink cung cấp và trình bày tại tòa, ngày 17/7/2020 TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã ra bản án phúc thẩm tuyên bác yêu cầu đòi nhà đất của ông Nguyễn Thành Công và công nhận quyền sở hữu hợp pháp nhà đất tại 317 Trần Bình Trọng đối với ông Nguyễn Hữu Đ. Sự thành công của vụ án trên không những bảo vệ được quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người thứ ba ngay tình là ông Nguyễn Hữu Đ mà còn góp phần đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật trong các giao dịch dân sự.

 20. Vụ việc tư vấn về thủ tục quy hoạch, đất đai, đầu tư Dự án Tổ hợp Du lịch, Nghỉ dưỡng và Giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn tại Khu kinh tế Vân Đồn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh do Công ty cổ phần Everland Vân Đồn (thuộc Tập đoàn Everland) làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô sử dụng đất 2,6 ha, tổng vốn đầu tư 3.612 tỷ đồng, với 2.276 phòng khách sạn và căn hộ du lịch phục vụ tối đa 4.918 lượt khách ngày/đêm. Quá trình thực hiện các thủ tục về quy hoạch, đất đai và đầu tư của Dự án trên gặp nhiều khó khăn vướng mắc do phải chờ đợi điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 của Thủ tướng Chính phủ và quy hoạch các phân khu của UBND tỉnh Quảng Ninh. Thêm nữa, Luật Đầu tư 2020 và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2020 có nhiều quy định mới về thủ tục đầu tư lần đầu được áp dụng đã gây bỡ ngỡ cho cả nhà đầu tư lẫn các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mặt khác, Từ năm 2020 UBND tỉnh Quảng Ninh đã áp dụng nhiều cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư mới tại Khu kinh tế Vân Đồn nên cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện thủ tục pháp lý của Dự án. Kết quả: với sự nỗ lực của Vietthink trong việc phối hợp làm việc giữa chủ đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn và các sở, ngành, UBND tỉnh Quảng Ninh, ngày 02/8/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện Dự án Tổ hợp Du lịch, Nghỉ dưỡng và Giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn. Đây là dự án đầu tiên được chấp thuận chủ trương đầu tư tại Khu kinh tế Vân Đồn kể từ khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực thi hành, và cũng là dự án đầu tiên tại Khu kinh tế Vân Đồn hoàn thành đồng bộ các thủ tục về quy hoạch, đất đai và xây dựng. Tạo cơ sở pháp lý để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng và đưa dự án vào hoạt động, phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Vân Đồn và vịnh Bái Tử Long.


Cập nhật: 22/09/2021
Lượt xem:51451