Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Quy định mới về Giấy chứng nhận đầu tư: Cải cách hay làm khó nhà đầu tư?

Luật Đầu tư 2014 đã có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2015, tuy nhiên phải đợi 7 tháng sau mới có hướng dẫn chính thức về thủ tục cấp phép đầu tư. Để “chữa cháy”, Bộ KH-ĐT đã ban hành 02 Công văn hướng dẫn tạm thời, nhưng lại gây ra nhiều tranh cãi liên quan đến thủ tục, thông tin dự án, nhà đầu tư và tổ chức kinh tế thực hiện dự án trên các loại biểu mẫu. Đầu tháng 01/2016, Thông tư 16/2015/TT-BKHĐT của Bộ KH-ĐT có hiệu lực, thay cho các hướng dẫn tạm trước đó. Nhưng một lần nữa, quy định về ghi nhận thông tin Nhà đầu tư trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC) đối với doanh nghiệp FDI đang gây ra những phản ứng khác nhau.
Lật lại quan điểm “cải cách” của Luật Đầu tư 2005, theo đó thông tin về doanh nghiệp FDI và thông tin về dự án đầu tư được ghi trên cùng một Giấy chứng nhận đầu tư (IC), đồng thời do cơ quan quản lý đầu tư quản lý thống nhất. Ưu điểm của phương án này là thống nhất đầu mối quản lý và giảm thiểu phiền hà cho nhà đầu tư.  Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành, quy định này đã bộc lộ những bất cập, gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý đầu tư, doanh nghiệp FDI và Nhà đầu tư.




Luật Đầu tư 2014 với nhiều quy định mới mang tính đột phá cho môi trường đầu tư. Một trong những quy định đó là tách bạch nội dung về dự án đầu tư và nội dung về doanh nghiệp FDI. Nội dung dự án đầu tư được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC), do cơ quan đầu tư cấp và quản lý. Còn nội dung về doanh nghiệp FDI được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, do cơ quan đăng ký doanh nghiệp cấp và quản lý.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp FDI thực hiện đăng ký đầu tư thời gian qua phàn nàn rằng các quy định mới này rườm rà và phức tạp hơn cho nhà đầu tư. Thay vì nhà đầu tư chỉ phải đến một nơi để đăng ký thì nay lại phải đến hai nơi với hai loại thủ tục và các biểu mẫu khác nhau. Chưa  kể do thiếu quy định hướng dẫn nên các cơ quan này thường xuyên “đá bóng” cho nhau hoặc từ chối tiếp nhận yêu cầu nhà đầu tư.

Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ tinh thần của Luật Đầu tư 2014 là “thắt chặt đầu vào, nới lỏng đầu ra” trong thủ tục đầu tư. Nghĩa là “xiết chặt” quản lý khi nhà đầu tư đăng ký dự án lần đầu, nhưng khi nhà đầu tư mở rộng dự án hoặc đăng ký dự án mới thì thủ tuc sẽ thông thoáng hơn. Khi đó nhà đầu tư chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư tại cơ quan quản lý đầu tư.

Tương tự, khi cần điều chỉnh các nội dung đăng ký về doanh nghiệp thì chỉ cần làm thủ tục tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Thay vì như trước đây, mỗi khi cần thay đổi thông tin về người đại diện theo pháp luật hay địa chỉ trụ sở, doanh nghiệp đều phải làm thủ tục đăng ký điều chỉnh IC tại cơ quan quản lý đầu tư. Hy vọng rằng với quy định mới của Luật Đầu tư 2014 nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi trong tương lai, khi có các hoạt động mở rộng đầu tư và tái đầu tư tại Việt Nam.

Một quy định mới nữa cũng gây tranh cãi là việc ghi nhận thông tin Nhà đầu tư trên IRC. Theo Thông tư 16/2015/TT-BKHĐT thì: “Đối với trường hợp đầu tư theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế:  trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư góp vốn thành lập tổ chức kinh tế là nhà đầu tư đứng tên và ký các văn bản, biểu mẫu thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Sau khi thành lập tổ chức kinh tế, tổ chức kinh tế là nhà đầu tư đứng tên và ký các văn bản, biểu mẫu thực hiện thủ tục đầu tư và báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam”. Theo Tiến sỹ Lê Đình Vinh – Giám đốc Công ty Luật Vietthink, quy định này xuất phát từ mục đích tăng cường quản lý, giám sát hoạt động đầu tư nước ngoài của nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư nước ngoài lại đang phản ứng “khó chịu” trước ràng buộc này khi quyền của họ bị  “hạn chế”.

Theo quan điểm của nhiều nhà đầu tư, dù là dự án đầu tư lần đầu, đầu tư mới hay đầu tư mở rộng thì về bản chất nguồn tiền vẫn huy động từ nước ngoài đem vào Việt Nam thông qua công ty mẹ. Lợi nhuận đầu tư cũng được chuyển ra nước ngoài để hạch toán hợp nhất cùng với công ty mẹ. Doanh nghiệp FDI thực chất chỉ là đại diện cho nhà đầu tư thực hiện và quản lý dự án tại Việt Nam. Do đó, về nguyên tắc phải ghi nhận thông tin Nhà đầu tư cấp vốn trên IRC mới phù hợp. Chưa kể về mặt tâm lý, việc nghi nhận Nhà đầu tư cấp vốn trên IRC sẽ tạo cho họ cảm giác an toàn hơn, qua đó kích thích việc bơm vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, theo quan điểm của các nhà quản lý, khi nguồn vốn của Nhà đầu tư nước ngoài “rót” vào doanh nghiệp FDI thì sẽ tạo thành vốn của doanh nghiệp – một thực thể pháp lý độc lập với Công ty mẹ. Do đó, doanh nghiệp FDI mới được coi là Nhà đầu tư của các dự án mới. Lợi nhuận đầu tư cũng phải quay trở lại hạch toán vào doanh nghiệp tại Việt Nam trước khi được chuyển ngược trở lại Nhà đầu tư cấp vốn.  Thế nên việc ghi nhận doanh nghiệp FDI trên IRC mới “đúng” về pháp lý.  Mặt khác, quy định này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý hoạt động của các dự án đầu tư tại Việt Nam.


 

Sơ đồ minh hoạ  đường đi của dòng vốn đầu tư

Vấn đề là Nhà đầu tư nước ngoài có dễ chấp nhận lập luận này hay không? Qua thực tế tư vấn cho các doanh nghiệp FDI, nhiều nhà đầu tư đã chia sẻ rằng quy định này là một “rào cản” mới vì không phản ánh đúng dòng vốn đầu tư cũng như không đảm bảo lợi ích của Nhà đầu tư cấp vốn. Thậm chí, trong nhiều trường hợp công ty mẹ phải bảo lãnh vốn hoặc đi huy động vốn tín dụng cho dự án, nhưng pháp luật nước sở tại lại ghi nhận Nhà đầu tư là công ty con. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc huy động vốn và làm ảnh hưởng đến hình ảnh của công ty mẹ với các cổ đông.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia pháp lý cho rằng đây là một biện pháp cần thiết để kiểm soát hoạt động chuyển giá, ngăn chặn việc Nhà đầu tư nước ngoài tiếp nhận lợi nhuận trực tiếp từ dự án trong khi doanh nghiệp FDI vẫn thường xuyên báo lỗ do phải chịu toàn bộ chi phí đầu tư tại Việt Nam./.

ThS. Nguyễn Thanh Hà
Cập nhật: 11/03/2017
Lượt xem:12708