Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Hạn chế rào cản pháp lý cho nhà đầu tư nước ngoài: kỳ vọng hay thất vọng?

Hàng loạt các quy định đầu tư mới được kỳ vọng sẽ xoá bỏ nhiều rảo cản pháp lý là nguyên nhân hạn chế thu hút đầu tư FDI tại Việt Nam trong nhiều năm, phù hợp với chủ trương cải cách đầu tư của Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính Phủ và lộ trình ký kết, tham gia các hiệp định thương mại mà Việt Nam là thành viên. Không chỉ có doanh nghiệp trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng rất lớn về tấm thảm đỏ mà các chính sách và quy định mới đang mở ra để đưa dòng vốn FDI vào Việt Nam một cách đơn giản, hiệu quả và ồ ạt hơn.

Trên các diễn đàn, việc phân tích các chính sách và quy định đầu tư mới rõ ràng đã chứng minh được tinh thần cải cách của nhà làm luật, nhưng thực tiễn vận dụng các quy định này tại các cơ quan quản lý vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư và chưa thể hiện đúng tinh thần cải cách thủ tục đầu tư. Ví dụ đơn cử, hàng loạt quy định cải cách thủ tục với đầu tư gián tiếp vào Việt Nam đã được hướng dẫn chi tiết và cụ thể, nhưng thực tiễn vận dụng trong giải quyết và thẩm tra các điều kiện đầu tư của các cơ quan quản lý, mặc dù khoác lên mình một tên gọi khác, hiện vẫn chưa có sự khác biệt so với quy định cũ.


Thời kỳ gia nhập WTO: Hạn chế đầu tư trong quy định về đầu tư gián tiếp

Theo quy định cũ, hình thức đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được phân thành đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp, đầu tư thông qua mua bán, chuyển nhượng cổ phần hoặc phần vốn góp trong doanh nghiệp Việt Nam mà không trực tiếp tham gia đầu tư thực hiện dự án được coi là đầu tư gián tiếp.

Dù đầu tư gián tiếp hay đầu tư trực tiếp, cứ có vốn đầu tư FDI vào doanh nghiệp hoặc dự án đầu tư tại Việt Nam, bất kể tỷ lệ từ 1% hay 100%, doanh nghiệp đều phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra dự án đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Đầu tư và khoản 3 Điều 56 Nghị định 108/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư. Quy định này được coi là một cải cách quan trọng trong việc quản lý dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam và phù hợp với nội dung của Hiệp định thương mại quốc tế WTO mà Việt Nam mới gia nhập tại thời điểm này, đặc biệt đối với những lĩnh vực có cam kết về lộ trình hạn chế đầu tư.

Tuy nhiên việc vận dụng quy định này trong nhiều năm đã bộc lộ vô vàn bất cập do không nhất quán trong cách hiểu thế nào là "lần đầu đầu tư vào Việt Nam", mâu thuẫn giữa quy định tại Khoản 1 Điều 50 Luật Đầu tư và Nghị định hướng dẫn luật doanh nghiệp 2005 (cho phép Nhà đầu tư nước ngoài chiếm giữ không quá 49% vốn điều lệ thì không cần phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư, được áp dụng điều kiện kinh doanh như với doanh nghiệp trong nước). Tại nhiều tỉnh, thành, cơ quan quản lý đầu tư đã lúng túng trước quy định này và có sự vận dụng không thống nhất trên toàn quốc gây mất thời gian thực hiện thủ tục, làm ảnh hưởng tới khả năng huy động vốn và huy động đầu tư của doanh nghiệp. 


Kỳ vọng xoá bỏ rào cản pháp lý thông qua tỷ lệ vốn góp FDI

Luật đầu tư 2014 xoá bỏ các quy định phân biệt giữa đầu tư gián tiếp và đầu tư trực tiếp, hạn chế rào cản trong thủ tục đầu tư thông qua hàng loạt các quy định mới về hình thức đầu tư theo hình hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp, tổ chức kinh tế. Theo quy định mới, nhà đầu tư nước ngoài chỉ phải thực hiện đăng ký đầu tư nếu rơi vào các trường hợp sau:


Góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài;
Nắm giữ từ 51% vốn điểu lệ trở lên tại tổ chức kinh tế.
Như vậy, nếu nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp Việt Nam mà tỷ lệ nắm giữ dưới 51% và không thuộc ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện thì được áp dụng thủ tục đầu tư như đối với nhà đầu tư trong nước, chỉ cần thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định pháp luật doanh nghiệp. Quy định này được đánh giá là cải cách đột phá của Luật đầu tư 2014, phù hợp với thời kỳ mà hầu như toàn bộ các hạn chế của cam kết WTO đã hết, mang lại kỳ vọng cho hàng loạt các nhà đầu tư nước ngoài đang có ý định đầu tư vốn, tài chính vào Việt Nam.


 

Trên hàng loạt các diễn đàn, hội thảo, doanh nghiệp thì mong ngóng các quy định hướng dẫn cụ thể cho thủ tục này, cơ quan quản lý đầu tư và cơ quan đăng ký kinh doanh thì nhiều lo lắng và băn khoăn: Làm sao để quản lý dòng vốn FDI trong khi nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ đến 49% vốn điều lệ trong doanh nghiệp mà vẫn được coi như doanh nghiệp trong nước, chỉ chịu sự quản lý đầu vào thông qua cơ quan đăng ký kinh doanh, một cơ quan không có chức năng quản lý dự án, nguồn vốn đầu tư?

Phải chăng từ băn khoăn ấy, ngay cả khi Nghị định 118/2015/NĐ-CP đã hướng dẫn rất cụ thể về việc nhà đầu tư nước ngoài (nếu không thuộc 2 trường hợp nêu trên) thì chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi thành viên, cổ đông theo luật doanh nghiệp, Cơ quan đăng ký kinh doanh đến nay vẫn từ chối tiếp nhận hồ sơ của nhà đầu tư với lí do "chưa có thủ tục cụ thể". Cuối cùng, việc kiểm tra khả năng đáp ứng các điều kiện đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài lại được "đá bóng" cho cơ quan đăng ký đầu tư. Nhà đầu tư vẫn phải thực hiện một "thủ tục đệm" tại cơ quan đầu tư, để có được một "Thông báo việc đáp ứng điều kiện đầu tư" trước khi thực hiện thủ tục điều chỉnh nội dung đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Trong khi đây là thủ tục chỉ áp dụng cho nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp thuộc 2 trường hợp có điều kiện nêu trên.

Tuy nhiên, ngay cả khi phải thực hiện những thủ tục đáng nhẽ không phải thực hiện này thì thành phần hồ sơ và quy định về kiểm tra các điều kiện đầu tư vẫn đang tạo nhiều thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài so với quy định cũ. Dẫu vậy, thực tiễn vận dụng các thủ tục mới vẫn chưa thể hiện đúng tinh thần của luật và chủ trương cải cách thủ tục đầu tư, khiến doanh nghiệp và các đơn vị tư vấn đầu tư gặp nhiều lúng túng, phiền hà trong quá trình thực hiện.


Bỏ quy định về thẩm tra dự án đầu tư, đâu là cơ sở để chấp thuận đầu tư trong lĩnh vực có điều kiện?

Các quy định đầu tư 2014 được chờ đón bởi đột phá trong việc xoá bỏ ranh giới giữa đăng ký đầu tư và thẩm tra dự án đầu tư. Tuy nhiên, một cơ quan quản lý đầu tư không thể quản lý thống nhất tất cả các hoạt động đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp có vốn FDI, nhà đầu tư dù trong nước hay có vốn nước ngoài thì vẫn phải đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện chuyên ngành trước khi được cấp phép hoạt động. Do đó, dù chủ trương hạn chế tối đa rào cản pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư nước ngoài, các nhà lập pháp vẫn phải giữ lại một điều kiện buộc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, vốn góp trong doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư nếu lĩnh vực, ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp có điều kiện.

Điều đáng bàn ở chỗ, trong khi luật cho phép nhà đầu tư FDI chiếm giữ dưới 51% vốn điều lệ tại doanh nghiệp Việt Nam được đối xử như doanh nghiệp trong nước, thì cùng lúc lại có quy định về "lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài". Lo ngại lớn nhất từ quy định này nằm ở chỗ, các luật chuyên ngành đã có quy định về điều kiện áp dụng riêng cho nhà đầu tư nước ngoài hay chưa? và cơ quan quản lý đầu tư trong những trường hợp nào thì cần xin ý kiến của cơ quan chuyên ngành về điều kiện áp dụng riêng với nhà đầu tư nước ngoài, trong khi hàng loạt các hạn chế của WTO đã hết thời hạn, một loạt quy định mới của TPP đang chờ để được nội luật hoá.


 

Trích lời của Ông Fred Burke, Trưởng Nhóm Công tác đầu tư và thương mại của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF): “Chưa có điều kiện kinh doanh, nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài không biết có thể làm được gì. Chúng tôi giả định rằng, các cơ quan chức năng sẽ vẫn tùy nghi trong phê duyệt dự án trên cơ sở từng trường hợp".

Thực tế đã chứng minh bình luận của ông Freed Burke và quan ngại của hàng loạt đơn vị tư vấn đầu tư là đúng: Cơ quan quản lý đầu tư, vì chủ quan không dám tự kiểm tra các điều kiện chuyên ngành hay vì khách quan chưa có các quy định chuyên biệt phù hợp với các quy định mới của luật đầu tư, vẫn phải tiếp tục "đẩy trách nhiệm" cho các cơ quan chuyên môn khác trong quá trình giải quyết thủ tục đầu tư, gây mất nhiều thời gian giải trình của doanh nghiệp tại nhiều sở, ban, ngành, cơ quan chuyên môn, không khác so với việc thực hiện thủ tục thẩm tra dự án đầu tư theo quy định cũ. Vậy thì cuối cùng, việc xoá bỏ quy định về thẩm tra đầu tư nhằm hạn chế tối đa rào cản về thủ tục pháp lý trong thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam liệu có thực sự đạt kỳ vọng của các nhà lập pháp?

Ths. Nguyễn Thanh Hà - PGĐ. Công ty Luật TNHH Vietthink

Cập nhật: 04/10/2016
Lượt xem:41418