Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Nhà đầu tư đang đua nhau tìm đến các khu công nghiệp

Thời gian gần đây, cùng với đà phục hồi của nền kinh tế và những quy định thông thoáng trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới được ban hành đã tạo cú huých cho các hoạt động đầu tư phát triển mạnh. Số lượng doanh nghiệp mới đăng ký thành lập và số các dự án đầu tư mới được cấp phép không ngừng gia tăng sau khi Luật doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới có hiệu lực. Và thay vì đầu tư tản mạn như trước đây thì hiện nay rất ​nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất lại thích lựa chọn các Khu công nghiệp tập trung (KCN)  làm địa điểm đặt nhà máy.

Trong năm 2015, Công ty Luật Vietthink đã tư vấn thành công cho rất nhiều dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các KCN trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên, tập trung nhiều nhất vẫn là các KCN tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, một số địa phương như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Quảng Nam, Bình Dương, Đồng Nai… cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm lựa chọn. Theo khảo sát của Vietthink thì phần lớn các KCN đã đi vào hoạt động ổn định đều đã được lấp đầy diện tích, trong khi nhu cầu về mặt bằng tại đây vẫn không ngừng gia tăng. Thậm chí nhiều nhà đầu tư đã phải nhận chuyển nhượng hoặc thuê lại mặt bằng của các doanh nghiệp đến trước.

 

Khu Công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội), một địa chỉ được nhiều nhà đầu tư lựa chọn

Theo chia sẻ của nhiều nhà đầu tư thì lý do họ lựa chọn các KCN là vì có sẵn cơ sở hạ tầng đồng bộ và các dịch vụ hỗ trợ khá tốt. Đây là lợi thế vượt trội của các KCN so với những nơi khác.  Một lý do nữa là thủ tục xin cấp phép đầu tư vào các KCN thường đơn giản, thuận tiện hơn so với đầu tư ngoài KCN. Ngoài ra, trong quá trình đầu tư, các nhà đầu tư cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ hiệu quả từ Ban quản lý các KCN.

Tuy nhiên, theo Luật sư Cao Thị Hoà – Công ty Luật Vietthink, bên cạnh những thuận lợi nêu trên thì việc đầu tư vào các KCN cũng đang gặp phải một số trở ngại nhất định. Trước tiên là giá thuê mặt bằng tại các KCN hiện đang có xu hướng tăng mạnh, khiến cho chi phí mặt bằng sản xuất tăng cao. Thậm chí nếu doanh nghiệp phải nhận chuyển nhượng hoặc thuê lại mặt bằng trong KCN thì chi phí này còn cao nữa. Tiếp đến là tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng giao thông và dịch vụ điện, nước cũng đã xẩy ra cục bộ  tại một số KCN, nhất là ở vào giờ cao điểm. Ngoài ra, một vấn đề cũng rất nan giải là tình trạng thiếu lao động trầm trọng tại những địa phương nơi có nhiều KCN tập trung, cộng với chi phí sinh hoạt, thuê nhà ở khá cao khiến cho các doanh nghiệp trong KCN rất khó kiếm đủ lao động. Đây cũng là khó khăn được lãnh đạo nhiều địa phương chia sẻ khi luật sư của Vietthink đến tiếp xúc, làm việc. Vì vậy, các địa phương cần nghiên cứu kỹ để rút kinh nghiệm trong việc quy hoạch và đầu tư phát triển các KCN mới trong tương lai.

Vietthink News.

Cập nhật: 03/10/2016
Lượt xem:6159