Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Lỗ hổng trong quản lý nhà nước đối với công ty cổ phần

Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2015 với nhiều quy định đổi mới trong tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp và cơ chế quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Có thể kể đến các đổi mới như trao quyền cho doanh nghiệp trong việc quyết định về hình thức số lượng, quản lý con dấu; thời gian xử lý thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh rút ngắn còn 03 ngày làm việc; chế độ hậu kiểm đối với ngành nghề kinh doanh,… Bên cạnh các đổi mới tích cực đó, một số quy định mới của Luật Doanh nghiệp 2014 vẫn chưa phù hợp và đang tạo ra khó khăn cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Thực tiễn tại Việt Nam vẫn tồn tại các trường hợp mặc dù cổ đông sau khi hoàn thành nghĩa vụ thanh toán tiền mua cổ phần và được công ty cấp giấy chứng nhận phần vốn góp, được ghi tên vào sổ cổ đông công ty nhưng sau khi kiểm tra, đối chiếu với các thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư,… thì phát hiện ra sai lệch thông tin nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của cổ đông. Trường hợp này các cổ đông sẽ làm việc trực tiếp với công ty để kiểm tra và xác thực thông tin. Nếu lãnh đạo công ty vì bị chi phối bởi cổ đông, nhóm cổ đông khác hoặc vì lý do nào đó không tạo điều kiện thậm chí gây khó khăn trong cung cấp và đối chiếu thông tin thì cổ đông tìm đến cơ quan quản lý đăng ký doanh nghiệp để làm thủ tục xin sao trích thông tin.
  
Công ty Cổ phần là một trong các hình thức công ty được quan tâm trong thực tế hiện nay. (Ảnh minh họa).

Theo quy định tại Điều 86 Luật Doanh nghiệp 2005, cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần trở lệ phải được đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày có được tỷ lệ sở hữu đó, theo Luật Doanh nghiệp 2014 thì quy định này đã bị bãi bỏ. Theo các văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp 2014, đối với công ty cổ phần không niêm yết, trừ trường hợp thay đổi cổ đông sáng lập hoặc cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài thì các trường hợp cổ đông sở hữu cổ phần khác không bắt buộc phải đăng ký, thông báo hay thực hiện bất kỳ việc cập nhật thông tin nào khác tại cơ quan đăng ký kinh doanh.

Như vậy cơ quan quản lý đăng ký doanh nghiệp sẽ không thể cung cấp thông tin chính xác về cơ cấu vốn góp, tỷ lệ sở hữu cổ phần cũng như các thông tin khác của công ty. Trên bàn đàm phán (nếu giải quyết tranh chấp theo con đường hòa giải) hay kể cả tại Tòa án (nếu giải quyết tranh chấp theo con đường tố tụng) các cổ đông, nhóm cổ đông yếu thế trong doanh nghiệp sẽ mất đi một “căn cứ quan trọng” để chứng minh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong công ty. 

LS. Đậu Quốc Dũng - Công ty Luật Vietthink
Cập nhật: 04/10/2016
Lượt xem:6216