Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Tiêu chí đánh giá doanh nghiệp công nghệ cao

Theo quy định tại Luật Công nghệ cao năm 2008, một doanh nghiệp nếu là doanh nghiệp công nghệ cao sẽ được hưởng nhiều mức ưu đãi cao trong khung pháp luật về thuế, pháp luật về đất đai và các lĩnh vực khác. Bởi vậy, việc xác định tiêu chí đánh giá doanh nghiệp công nghệ cao là hoàn toàn cần thiết.



Luật Đầu tư năm 2014 và Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg ngày 15/06/2015 của Thủ tướng Chính phủ đã điều chỉnh nội dung Điều 18 Luật Công nghệ cao năm 2008 về các tiêu chí để đánh giá doanh nghiệp công nghệ cao. Theo đó, để được xác định là doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp đó phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, các sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất phải thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định tại Điều 6 Luật Công nghệ cao năm 2008, bao gồm:

  • Có tỷ trọng giá trị gia tăng cao trong cơ cấu giá trị sản phẩm; 
  • Có tính cạnh tranh cao và hiệu quả kinh tế - xã hội lớn; 
  • Có khả năng xuất khẩu hoặc thay thế sản phẩm nhập khẩu; 
  • Góp phần nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia.

Thứ hai, doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp thân thiện với môi trường như: Xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải hay sử dụng công nghệ sạch để sản xuất; tiết kiệm năng lượng sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hoặc tổ chức quốc tế chuyên ngành trong trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam.

Thứ ba, doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao của doanh nghiệp phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hàng năm. Theo quy định trước đây, doanh thu bình quân của doanh nghiệp trong 3 năm liền từ sản phẩm công nghệ cao chỉ đạt ít nhất 60% trong tổng doanh thu hàng năm và từ năm thứ tư trở đi phải đạt trên 70%.

Thứ tư, Quyết định 19/2015/QĐ-TTg đã chia điều kiện về tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt Nam, và số lượng lao động có trình độ chuyên môn cho doanh nghiệp chất lượng cao theo hai trường hợp, một là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hai là doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỉ đồng, cụ thể:

  • Về điều kiện tổng chi, tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt Nam trên tổng doanh thu thuần hàng năm (thay vì quy định về tổng chi bình quân theo đơn vị năm như quy định trước đây). Với doanh nghiệp nhỏ và vừa, tỷ lệ này phải đạt ít nhất 1%. Với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỉ đồng và tổng số lượng lao động trên 300 người, tỷ lệ này phải đạt ít nhất 0,5%. 
  • Về điều kiện số lượng người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, số lượng lao động đạt trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển phải đạt ít nhất 5% tổng số lao động. Đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỉ đồng và tổng số người lao động trên 300 người, tỷ lệ này phải đạt ít nhất 2,5% nhưng không được thấp hơn 15 người.

Quy định về tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các cá nhân, tổ chức thành lập doanh nghiệp công nghệ cao phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất.

Luật sư Đậu Quốc Dũng – Công ty Luật Vietthink
Cập nhật: 03/10/2016
Lượt xem:5553