Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Bỏ thuế, thêm lệ phí, doanh nghiệp mừng hay lo?

Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định về lệ phí môn bài, thay thế cho thuế môn bài hiện hành, trong đó đề xuất mức thu từ năm 2017 tăng rất mạnh đối với đối tượng doanh nghiệp.

Theo bản Dự thảo này, thuế môn bài – một loại thuế trực thu, định ngạch đánh trực tiếp vào giấy phép đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp cũng như hộ kinh doanh – sẽ được đổi tên thành “lệ phí môn bài” theo chịu sự điều chỉnh của Luật Phí và Lệ phí. Quy định về việc bãi bỏ thuế tưởng chừng là một cuộc cách mạng đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhưng khoản thu mới lại dường như khiến các đối tượng này gặp nhiều khó khăn hơn trong sản xuất, kinh doanh.

Lệ phí tăng gấp ba lần thuế cũ

Hiện nay, thuế môn bài được thu theo 2 đối tượng với mức thu khác nhau. Đối tượng thứ nhất là doanh nghiệp, nộp thuế theo 4 mức, tương đương số tiền từ 1 đến 3 triệu đồng/năm, căn cứ vào vốn đăng ký kinh doanh. Đối tượng thứ hai là các hộ gia đình và cá nhân kinh doanh, nộp thuế theo 6 mức, từ 50.000 đồng đến 1 triệu đồng/năm, căn cứ vào mức thu nhập hàng tháng. Trong đó, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có thu nhập dưới 300.000 đồng/tháng cũng phải nộp 50.000 đồng thuế môn bài hằng năm.

Theo Dự thảo Nghị định mới, nhà nước sẽ không thu thuế môn bài mà chuyển thành lệ phí môn bài, đồng thời điều chỉnh mức thu. Đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 100 tỉ đồng, lệ phí môn bài là 10 triệu đồng/năm; doanh nghiệp có vốn đăng ký từ 10 tỉ đến 100 tỉ đồng đóng 5 triệu đồng/năm; doanh nghiệp có vốn dưới 10 tỉ đồng đóng 3 triệu đồng/năm. Các chi nhánh, cửa hàng trực thuộc đóng 2 triệu đồng/năm.

Đối với hộ gia đình và cá nhân, lệ phí môn bài rút xuống còn 2 bậc, căn cứ vào doanh thu một năm. Mức doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp thuế.

Như vậy, lệ phí môn bài được điều chỉnh tăng gấp khoảng 3 lần so với thuế môn bài.

Tăng thu để phù hợp mức lương tối thiểu

Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính đã đưa ra các lý do chính cho việc điều chỉnh mức thu lệ phí môn bài. Thứ nhất, mức thu hiện tại đã áp dụng được 14 năm, đến nay đã lạc hậu so với tình hình kinh tế - xã hội. Mức lương làm căn cứ xây dựng loại thuế này là 290.000 đồng/tháng (mức lương tối thiểu năm 2002). Hiện nay, mức lương tối thiểu đã lên 1.150.000 đồng/tháng (từ 1/5/2016 lên 1.210.000 đồng).

Thứ hai, việc quy định nhiều mức thu cũng gây khó khăn cho cơ sở kinh doanh và cơ quan thuế khi xác định mức môn bài. Hộ kinh doanh cá thể phần lớn nộp thuế theo phương pháp khoán, hiện tại quy định tới 6 mức thu, căn cứ vào thu nhập trên tháng. Để xác định được thu nhập tính thuế môn bài, cơ quan thuế phải tốn nhiều thời gian và nhân lực cho việc xác định, điều tra lại thu nhập, dẫn tới chi phí hành thu cao.

Không chỉ vậy, việc quy định mức thuế môn bài hiện hành cũng gây sự bất bình đẳng với các chủ thể nộp thuế. Theo quy định của Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN), cá nhân có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng thì không phải nộp thuế TNCN (nếu có 2 người phụ thuộc thì thu nhập dưới 16,2 triệu đồng/tháng cũng không phải nộp thuế). Trong khi đó, theo bậc môn bài hiện hành, hộ kinh doanh có thu nhập 300.000 đồng vẫn phải nộp thuế môn bài. Như vậy, quy định về mức thu nhập để phân bậc môn bài hiện hành của hộ kinh doanh không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Đổi thuế thành lệ phí – liệu có hỗ trợ doanh nghiệp?

Đề xuất về việc đổi thuế môn bài thành lệ phí cùng mức tăng thu ra đời trong bối cảnh Chính phủ đã có chủ trương miễn giảm các loại thuế để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, vào tháng 10/2014, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, trong đó có nội dung bãi bỏ thuế môn bài. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp cho rằng, quy định mới về lệ phí môn bài không những không hỗ trợ được doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế mới, mà còn vi phạm nguyên tắc thống nhất trong quy trình xây dựng pháp luật của các cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, Dự thảo Nghị định sẽ được lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành địa phương và các tổ chức, cá nhân trước khi ban hành để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế.

Đinh Tiến Hoàng - Công ty Luật Vietthink
Cập nhật: 03/10/2016
Lượt xem:4153