Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Bổ sung quy định ghi giảm vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp

Ngày 16 tháng 7 năm 2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 59/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 219/2015/TT-BTC ngày 31/12/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp (“Thông tư 59”). Theo đó, các trường hợp đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động và các trường hợp ghi giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được quy định rõ ràng, đầy đủ hơn. 
  
Xét riêng việc ghi giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thông tư 59 quy định rõ: doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động thực hiện điều chỉnh giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong các trường hợp sau:

(a) Đối với doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh giảm vốn điều lệ:
  • Cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ tình hình thực tế hoạt động của doanh nghiệp, sự cần thiết phải giảm quy mô hoạt động của doanh nghiệp, nguyên tắc xác định vốn điều lệ của doanh nghiệp nhà nước quy định tại Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP để xác định vốn điều lệ giảm và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định xử lý giá trị vốn điều lệ giảm.
  • Sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xử lý giá trị vốn điều lệ giảm, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định điều chỉnh giảm vốn điều lệ cho doanh nghiệp.
  • Trường hợp điều chỉnh giảm vốn điều lệ mà phát sinh phần chênh lệch vốn đầu tư của chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ điều chỉnh giảm thì cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm thông báo và yêu cầu doanh nghiệp nộp phần chênh lệch này về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu về việc điều chỉnh giảm vốn điều lệ. Doanh nghiệp nhà nước hạch toán giảm vốn đầu tư của chủ sở hữu trên cơ sở vốn điều lệ đã được xác định lại.
(b) Trường hợp cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hình thức tách doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP.

(c) Trong thời hạn áp dụng mức vốn điều lệ điều chỉnh lại quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, Thông tư 59 cũng bổ sung nội dung “Doanh nghiệp nhà nước chuyển nhượng vốn đầu tư tham gia trong hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC)”. Theo đó, Doanh nghiệp nhà nước chuyển nhượng vốn đầu tư tham gia trong hợp đồng BCC theo quy định tại Khoản 13 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP. Đồng thời, căn cứ nội dung cụ thể của hợp đồng BCC, trong trường hợp doanh nghiệp nhà nước được phép chuyển nhượng vốn để thực hiện thoái vốn thì cấp có thẩm quyền quyết định việc áp dụng phương thức chuyển nhượng vốn phù hợp theo một trong hai trường hợp dưới đây:
  • Trường hợp chỉ được phép chuyển nhượng vốn cho các thành viên tham gia hợp đồng BCC thì áp dụng phương thức chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nhà nước tại công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên quy định tại Khoản 13 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP.
  • Trường hợp không có quy định ràng buộc chuyển nhượng vốn cho thành viên tham gia hợp đồng BCC thì áp dụng phương thức chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nhà nước tại công ty cổ phần chưa niêm yết quy định tại Khoản 13 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP.
Ngoài ra, Khoản 3 Điều 1 Thông tư 59 quy định các trường hợp điều chỉnh giảm vốn điều lệ của doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động thì doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện các thủ tục thay đổi và công bố thông tin về vốn điều lệ trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014.

Thông tư 59 có hiệu lực từ ngày 01/09/2018.

Vietthink News.

Cập nhật: 01/10/2018
Lượt xem:4129