Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Chính phủ tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ pháp lý cho Start up Việt

Cùng với chính sách hỗ trợ tài chính cho Start up Việt theo Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 của Chính Phủ về tổ chức và hoạt động của quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) (Xem thêm tại http://vietthink.vn/vi/tin-tu-vietthink.nd/chinh-sach-ho-tro-tai-chinh-cho-start-up-viet-them-dong-luc-phat-trien.html).

Ngày 24/6/2019, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 55/2019/NĐ-CP quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (“Nghị định 55/2019/NĐ-CP”). Nghị định này quy định chi tiết các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức khác và cá nhân có liên quan trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nghị định 55/2019/NĐ-CP được ban hành trên cơ sở căn cứ vào khoản 3 Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 quy định: các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, tổ chức, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện các hoạt động sau đây để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: a) Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về pháp luật; b) Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý để cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tư vấn pháp luật.

Nghị định 55/2019/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng một số chính sách hỗ trợ pháp lý như sau: 
 
(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Thứ nhất, hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với mức như sau:
  • Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% chi phí, nhưng không quá 03 triệu đồng/năm;
  • Doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 05 triệu đồng/năm;
  • Doanh nghiệp vừa được hỗ trợ tối đa 10% chi phí, nhưng không quá 10 triệu đồng/năm.
Thứ hai, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm các hoạt động sau:
  • Cung cấp thông tin, bao gồm thông tin pháp luật trong nước, thông tin pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế, cảnh báo rủi ro pháp lý và chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa (nếu có);
  • Bồi dưỡng kiến thức pháp luật, bao gồm bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho mạng lưới tư vấn viên pháp luật;
  • Tư vấn pháp luật, bao gồm đối thoại, giải quyết các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp và các hoạt động tư vấn pháp luật khác phù hợp với các quy định của pháp luật trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa và nguồn lực theo quy định.
  • Ngoài ra, khi thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nhiệp nhỏ và vừa, cơ quan, tổ chức căn cứ vào nguồn lực, chương trình hỗ trợ để quyết định hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên như sau:
  • Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ hơn nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ trước;
  • Doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật;
  • Doanh nghiệp nhỏ và vừa nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ trước được hỗ trợ trước.
Nhà nước khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cùng với Nghị định 39/2019/NĐ-CP về quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, sự ra đời của Nghị định 55/2019/NĐ-CP tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các Startup, tạo động lực phát triển chung cho nền kinh tế nước nhà. 

Nghị định 55/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 16/8/2019 và thay thế Nghị định 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008.

Cập nhật: 26/08/2019
Lượt xem:3769