Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Giúp thân chủ chiến thắng trong vụ tranh chấp 10 Triệu USD tại Khách sạn Wooshu - Đồng Nai

“Đây là một trong những vụ án tiêu tốn nhiều giấy mực nhất của báo chí Việt Nam không chỉ bởi giá trị vụ tranh chấp mà còn bởi tính phức tạp của vụ việc”, Luật sư Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật Vietthink - người trực tiếp tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn phát biểu sau khi giành chiến thắng vẻ vang cho thân chủ của mình tại phiên tòa. 

Nhận lời mời tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Nguyên đơn - Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai – trong vụ tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất có trị giá tới 10 triệu USD tại khách sạn Wooshu Đồng Nai, Luật sư Lê Đình Vinh đã vận dụng nền tảng lý luận pháp lý vững chắc và kinh nghiệm hành nghề lâu năm để xâu chuỗi các sự kiện, tìm kiếm các bằng chứng và lật ngược chiêu trò của Bị đơn – Công ty Vĩnh Tường trong việc “phủi” trách nhiệm trả nợ số tiền lên tới 228 tỉ đồng (tương đương 10 triệu USD). 

Năm 2011 khi đang trong tình trạng quá hạn nợ có nguy cơ phải phát mại tài sản để trả nợ vay Ngân hàng Nam Á lên đến 188 tỷ đồng và nợ lãi vài chục tỷ đồng, đại diện Công ty Vĩnh Tường (gọi tắt là Vĩnh Tường) đã tìm kiếm sự giúp đỡ của bà Nguyễn Thị Bích Hạnh. Theo hồ sơ, bà Hạnh đã tìm kiếm được nguồn tiền cho Vĩnh Tường vay để trả khoản nợ quá hạn nêu trên. Để bảo đảm tính pháp lý khi vay vốn, Hội đồng thành viên (HĐTV) của Công ty TNHH Vĩnh Tường đã họp và thống nhất bổ nhiệm bà Hạnh làm Phó giám đốc công ty với mục đích để bà Hạnh đại diện cho công ty đi vay tiền và giao tài sản cho bà Hạnh quản lý để đảm bảo trả nợ vay. Bà Hạnh đã được đại diện Công ty Orient Industry Investment (Anh quốc, gọi tắt là Công ty Orient) đồng ý cho vay nên đã thông báo cho bà Linda Tan Woo (tên khác là Hồ Ngọc Dung, quốc tịch Hong Kong - Trung Quốc), Chủ tịch HĐTV Vĩnh Tường biết.

Để bà Hạnh thực hiện việc vay tiền, HĐTV công ty đã giao cho bà Hạnh là người duy nhất đứng tên chủ tài khoản, thực hiện các giao dịch tiền gửi, thanh toán trong và ngoài nước, ký hợp đồng vay vốn; được ủy quyền xóa thế chấp hai thửa đất và tài sản gắn liền trên đất (khách sạn Wooshu) có tổng diện tích gần 4.000m2 tại phường Tân Mai, TP. Biên Hòa của Vĩnh Tường và đại diện cho công ty thực hiện mọi quyền năng của chủ sở hữu tài sản, trong đó có việc thế chấp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất để đảm bảo cho khoản nợ vay nói trên. Sau khi được ủy quyền, ngày 21 và 22/9/2011, bà Hạnh đại diện cho Vĩnh Tường đã ký hợp đồng vay với Công ty Orient do bà Đồng Thị Lan làm đại diện với số tiền vay 229,989 tỷ đồng (tương đương 11 triệu USD) trong thời hạn 9 tháng. Hợp đồng vay tiền đã quy định rõ, Vĩnh Tường phải dùng hai thửa đất và tài sản trên đất của công ty tại phường Tân Mai, TP.Biên Hòa để đảm bảo cho khoản vay này. Đến hạn thanh toán mà Vĩnh Tường không trả được nợ thì phải chuyển nhượng tài sản này cho Orient để đối trừ số tiền đã vay.
 
 

Vĩnh Tường mà bà Hạnh làm đại diện đã sử dụng hơn 209 tỷ đồng trong số tiền vay trả các khoản nợ và lãi quá hạn cho Ngân hàng Nam Á để giải chấp tài sản (khách sạn Woohsu), còn lại khoảng 1 triệu USD đã hoàn trả cho Orient. Năm 2012, khi số tiền vay đến hạn phải trả, Vĩnh Tường đã không trả nợ cho Orient. Sau nhiều lần đòi tiền không được, bà Lan đã thỏa thuận góp vốn bằng khoản tiền 10 triệu USD trên và tiền lãi vào Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai. Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai nhận góp vốn và trở thành “chủ nợ” của Vĩnh Tường đối với khoản nợ trên. Vì vậy, theo hợp đồng vay vốn đã ký với bà Lan, bà Hạnh đã phải ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất (khách sạn Wooshu) từ Vĩnh Tường sang cho Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai để đối trừ nợ gốc và lãi là 228 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi bà Hạnh ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai thì Vĩnh Tường đã không đóng dấu vào hợp đồng chuyển nhượng (không thực hiện nghĩa vụ của người ủy quyền) và tiếp sau đó là thông báo hủy bỏ việc ủy quyền cho bà Hạnh. Cho dù bà Hạnh đã nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ của bên vay thì chủ tịch HĐTV công ty Vĩnh Tường đã “lật kèo” bằng việc không giao tài sản và tuyên bố hợp đồng do bà Hạnh ký là “vô hiệu”. 

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai đã khởi kiện Công ty TNHH Vĩnh Tường ra Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai. Ngày 4/7/2013, TAND tỉnh Đồng Nai đã buộc Vĩnh Tường phải thực hiện nghĩa vụ giao tài sản theo tinh thần hợp đồng đã ký.

Mạo hợp đồng để "phủi" trách nhiệm

Sau phiên tòa sơ thẩm, phía Vĩnh Tường đã kháng cáo với hai lý do chính: Một là hợp đồng ủy quyền giữa Vĩnh Tường và bà Hạnh không có giá trị pháp lý nên giao dịch giữa bà Hạnh và đại diện Orient là vô hiệu. Thứ hai số tiền 10 triệu USD mà bà Lan chuyển cho công ty này là thực hiện hợp đồng hợp tác giữa Orient với Vĩnh Tường kinh doanh trò chơi có thưởng.

Ngày 11/10/2013, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án. Tại phiên tòa, nguyên tắc tranh tụng đã được tôn trọng và sự thật đã được làm rõ: Trong suốt quá trình tranh chấp, dù phía Vĩnh Tường một mực khẳng định là không ủy quyền cho bà Hạnh phần đất và tài sản trên đất đang tranh chấp. Thế nhưng, việc này thể hiện rất rõ trong các tài liệu: Biên bản họp HĐTV của Vĩnh Tường ngày 20/9/2011; Hợp đồng ủy quyền ngày 3/10/2011 và ngày 11/11/2011 có bút tích, chữ ký của bà Linda Tan Woo và được lập tại Phòng Công chứng Sài Gòn. Nội dung ủy quyền và thẩm quyền ghi rõ trong các văn bản nêu trên: Bà Hạnh được quyền thay mặt và nhân danh bên A (Vĩnh Tường) làm thủ tục xóa đăng ký giao dịch đảm bảo. Sau khi ký giao dịch đảm bảo thì được quản lý, sử dụng, sửa chữa, xây dựng, cho thuê, thế chấp, thế chấp để đảm bảo cho bên thứ ba vay vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất… (Khách sạn Wooshu). Bên B (Bà Hạnh) được quyền lập, ký tên trên các giấy tờ liên quan, thực hiện các quyền, nghĩa vụ pháp luật quy định có liên quan đến hành vi được ủy quyền nêu trên. Bên A (Vĩnh Tường) xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về mọi hành vi quyết định do bên B (bà Hạnh) nhân danh bên A thực hiện nội dung ủy quyền nêu trên. 

Không có thù lao ủy quyền

Diễn biến vụ việc và các lời khai công khai tại Tòa cho thấy: Sau khi có được số tiền 10 triệu USD từ Orient, Vĩnh Tường tự ý hủy các hợp đồng ủy quyền nói trên, thay người đứng tên tài khoản để phủ nhận việc vay nợ thông qua bà Hạnh. Các chứng cứ công khai đều chứng minh bà Hạnh là người đứng tên tài khoản tại ngân hàng để thay mặt Vĩnh Tường vay tiền và toàn bộ số tiền sau khi nhận được đều được bà này sử dụng để trả nợ cho Ngân hàng Nam Á. Thể hiện rõ nhất việc Vĩnh Tường nợ Orient là số tiền hơn 6 tỷ đồng doanh nghiệp này chuyển vào tài khoản của bà Hạnh để trả lãi 3 tháng đầu cho Orient. Tại phiên Tòa, đại diện doanh nghiệp khẳng định số tiền này là để “trả... hoa hồng” cho bà Hạnh vì tìm được đối tác kinh doanh (!?). Tuy nhiên, khi Thẩm phán hỏi tại sao chi hoa hồng cho bà Hạnh mà không có thỏa thuận môi giới và không ghi nội dung là “chi hoa hồng” mà ghi là “trả cho Orient” thì đại diện Vĩnh Tường không trả lời được.

Cũng tại phiên phúc thẩm, Vĩnh Tường lần nữa trình Tòa bản “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” với Orient để làm bằng chứng việc không vay mượn nợ. Theo tinh thần hợp đồng này thì số tiền 10 triệu USD Orient thông qua bà Lan chuyển cho Vĩnh Tường là để thực hiện việc kinh doanh trò chơi có thưởng. Thế nhưng, theo các chứng cứ có tại Tòa và thu thập độc lập của phóng viên, Vĩnh Tường chưa được cấp phép kinh doanh lĩnh vực này. Điều này thể hiện rõ trong văn bản của Bộ Kế hoạch  và Đầu tư ngày 14/4/2011. Không chỉ có vậy, vấn đề chính nằm ở chỗ Orient không hề ký kết hợp đồng với Vĩnh Tường. Theo kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, chữ ký của ông Bob Cheah Fee Bok đại diện của Orient trong “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” mà Vĩnh Tường đưa ra với chữ ký thật của ông được lấy mẫu hợp pháp không phải do cùng một người viết ra. Với chứng cứ này, bản hợp đồng hợp tác được xác định là giả tạo.

Thêm nữa, ngày 15/1/2013, ông Victor Wong, Giám đốc công ty - nhận họ không ký hợp đồng hợp tác với Vĩnh Tường. Mọi hoạt động tài chính và kinh doanh tại Việt Nam của công ty này được công ty ủy quyền cho một người duy nhất là bà Đồng Thị Lan. Phần thẩm vấn, các thẩm phán hỏi đại diện Vĩnh Tường đã thực hiện việc kinh doanh trò chơi có thưởng chưa? Thì những người này đều trả lời “chưa”. Khi Tòa hỏi Vĩnh Tường biết Orient qua ai thì đều trả lời qua bà Hạnh. Về việc chưa thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh, mà đối tác đã chuyển tiền đến nay đã 3 năm vẫn không hề liên lạc làm việc với Vĩnh Tường liệu có hợp lý, thì tất cả đều im lặng!

Đến đây, tình tiết của vụ tranh chấp đã quá rõ: Việc Vĩnh Tường nhận 10 triệu USD từ Orient để trả nợ Ngân hàng Nam Á là có thật và nhờ vai trò của bà Hạnh. Bản chất của việc này là vay nợ Orient để trả Ngân hàng Nam Á (vì các chứng cứ cho thấy Vĩnh Tường đã dùng toàn bộ số tiền vay từ Orient để trả cho Ngân hàng Nam Á và đã trả một kỳ lãi 3 tháng đầu cho Orient). Những chứng lý của Vĩnh Tường tại phiên phúc thẩm càng cho thấy rõ điều này.
 
 

Tại phiên tòa, đại diện VKSNDTC nhận định án sơ thẩm xét xử là có căn cứ, đúng pháp luật. HĐXX phiên tòa phúc thẩm xét thấy việc Tòa sơ thẩm giải quyết kê biên đúng trình tự thủ tục tố tụng, Tòa sơ thẩm triệu tập đại diện Công ty Vĩnh Tường hợp lệ nhưng vẫn không đến nên xử vắng mặt là đúng. Về nội dung, việc Công ty Vĩnh Tường cho rằng hợp đồng vay vốn của Công ty Orient giả tạo là không có cơ sở vì Công ty Vĩnh Tường đã nhận 10 triệu USD để trả nợ ngân hàng. Công ty Vĩnh Tường nại ra hợp đồng trò chơi có thưởng thực chất là nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ nên không có cơ sở để chấp thuận. Công ty Vĩnh Tường kháng cáo nhưng không đưa ra được chứng cứ mới làm thay đổi bản chất vụ việc.

Với các căn cứ nêu trên, HĐXX phiên tòa phúc thẩm tuyên bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Theo Congly.com.vn (http://congly.com.vn/phap-luat/vu-viec/y-an-so-tham-vu-tranh-chap-hop-dong-chuyen-nhuong-tai-san-khung-o-dong-nai-32418.html) 

Cập nhật: 03/10/2016
Lượt xem:13091