Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Thiếu căn cứ tính lãi chậm trả khi áp dụng điều 306 luật thương mại

Thời gian vừa qua, những vụ án kiện đòi thanh toán tiền do chậm trả theo hợp đồng kinh tế rất phổ biến. Thông thường các bên khi giao kết hợp đồng chỉ thỏa thuận về tiền phạt vi phạm, bồi thường hợp đồng chứ ít khi nhắc đến tiền lãi do chậm thanh toán. Khi xảy ra tranh chấp, nếu có yêu cầu đòi lãi trên số tiền chậm trả Tòa án chỉ có thể áp dụng Điều 306 Luật Thương mại 2005 để làm căn cứ tính lãi.

  


Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 quy định như sau:

"Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác".

Tuy nhiên thực tiễn xét xử cho thấy vẫn còn nhiều vướng mắc khi vận dụng điều luật này, thậm chí đến những cách hiểu sai khi áp dụng. Cụ thể TA không có căn cứ để xác định hai yếu tố "lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường" và "lãi suất tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả".


Về yếu tố Lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường, một số Tòa án vẫn áp dụng lãi suất cơ bản của NHNN, lãi suất cơ bản của một số ngân hàng như BIDV, Vietcombank, VietinBank,... dẫn đến việc án bị sửa, bị hủy tại cấp cao hơn. Tham luận của Tòa Kinh tế TANDTC (Hội nghị triển khai công tác ngành TA năm 2014) đã chỉ ra hiện chưa có hướng dẫn bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tính lãi, nên khi áp dụng Điều 306 Luật Thương mại, Tòa án các cấp cần phải lấy mức lãi suất nợ quá hạn trung bình của ít nhất ba Ngân hàng tại địa phương gồm Agribank, VietinBank, Vietcombank để giải quyết vụ án.

Hướng dẫn trên tưởng chừng như đã đủ nhưng vẫn chưa đủ, thực tiễn áp dụng một lần nữa lại cho thấy sự thiếu sót. Tòa án các cấp khi giải quyết vụ án không có căn cứ để xác định thời điểm tính lãi. Điều luật chỉ quy định "số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả", nên chỉ có thể xác định được thời gian tính lãi chứ không xác định được chọn lãi suất trung bình trên thị trường vào thời điểm nào, là thời điểm phải thanh toán hay thời điểm khởi kiện hay thời điểm thi hành án???

Thực tế các Tòa án các cấp có nhiều cách hiểu khác nhau, Tòa cấp dưới khi áp dụng luật rất lo ngại bị Tòa cấp trên hủy án, sửa án, chưa tính đến việc còn có thể hủy án theo thủ tục Giám đốc thẩm. Việc này dẫn đến án không được thi hành trong thời gian dài, gây phiền hà cho doanh nghiệp khi thu hồi vốn, tạo hình ảnh không tốt cho hoạt động xét xử. Ngành Tòa án nói riêng và ngành tư pháp nói chung cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể vấn đề này. Hi vọng trong Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2014 vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận và có những hướng dẫn kịp thời để các vụ việc còn tồn đọng nhanh chóng được giải quyết một cách phù hợp và đảm bảo tính pháp lý.


Luật sư Đậu Quốc Dũng - Công ty Luật Vietthink

Cập nhật: 04/10/2016
Lượt xem:5640