Quay lại Bản in
Cỡ chữ

TPP và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam: Kì II - phải thay đổi để tồn tại và phát triển cùng TPP

Theo những nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Việt Nam có thể sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất về kinh tế trong số 12 nước th​am gia TPP. GDP có thể tăng từ 1,03% đến 2,11%, tương đương với giá trị tuyệt đối là 1,4 tỷ USD đến 2,9 tỷ USD, chủ yếu là nhờ vào tăng đầu tư và tiêu dùng. Còn thu nhập của người dân có thể tăng thêm 13% và kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng tới 37% vào năm 2025. Để chuẩn bị tốt nhất cho TPP, vấn đề đặt ra là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để tận dụng cơ hội cũng như vượt qua được những thách thức đã được dự báo trước ? Không còn cách nào khác để tự đứng được trên “sân nhà” của mình cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần tiến hành các biện pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, nghiên cứu tuân thủ các quy định của những thị trường bạn, chủ động trước thời cơ và thách thức…
Thứ nhất, yếu tố quyết định sự thành bại của mỗi doanh nghiệp khi tham gia vào “sân chơi TPP” hay bất cứ một thị trường nào chính là năng lực cạnh tranh. Do đó, để tồn tại được giữa một thị trường mở như TPP, điều tối quan trọng với các doanh nghiệp là phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để có đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trên thị trường trong nước cũng như trên thị trường c​ủa nước đối tác. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh được thể hiện qua sự thay đổi về chất lượng hàng hóa sản xuất, dịch vụ cung cấp, chế độ hậu mãi hoặc bất cứ những yếu tố tạo ra sự khác biệt, vượt trội của doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh.


"Bài toán​" nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp lại được đặt ra khi Việt Nam tham gia vào TPP (Ảnh: baodauthau.vn)

Thứ hai, không thể phủ nhận thực tế trên nhiều lĩnh vực hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam không đủ thực lực để cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài, do họ có bề dầy kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, thương hiệu, uy tín… Do đó, thay vì tìm cách đối đầu trực tiếp trên các thị trường lớn thì các doanh nghiệp Việt Nam hãy chọn chiến lược phát triển nhắm đến các thị trường ngách, thị trường nhỏ với chiến lược "đại dương xanh" - khai phá mảng thị trường có thể nhỏ hẹp nhưng mới và ít đối thủ cạnh tranh. Lấy ví dụ trong “miếng bánh” mảng mua sắm công, thay vì tham gia đấu thầu trực tiếp những hợp đồng lớn, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể lựa chọn việc trở thành nhà thầu phụ hoặc tiếp cận các hợp đồng nhỏ. Điều này phù hợp với tiềm lực và khả năng thực tế của DN Việt Nam vào thời điểm hiện tại.
Thứ ba, doanh nghiệp cần tuân thủ những quy định về môi trường, lao động hay bảo hộ sở hữu trí tuệ là xu hướng phát triển tất yếu của môi trường kinh doanh lành mạnh, văn mình. Cần phải khẳng định rằng dù muốn hay không thì doanh nghiệp Việt Nam cũng phải chấp nhận xu hướng này vì nó đã tồn tại từ lâu và là các điều kiện tiên quyết nếu muốn gia nhập vào các thị trường lớn và “khó tính”. Do đó, thay vì cố tình trì hoãn, đi theo lối kinh doanh cũ, hoặc là tìm cách “lách luật” thì các doanh nghiệp Việt Nam nên có định hướng cụ thể để từng bước cải cách hoạt động của mình cho phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại.

 

Cần nhiều hơn những cái "bắt tay" của các doanh nghiệp để cùng nhau phát triển (Ảnh minh họa)
Thứ tư, Hiệp định TPP khi được ký kết chắc chắn sẽ gây ra những tác động – có thể trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp cần có những sự liên kết, thống nhất ý kiến để có một tiếng nói chung, thông qua các Hiệp hội hay Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để bảo quyền lợi của chính mình, có những kiến nghị với Chính phủ để đàm phán những điều kiện có lợi nhằm bảo vệ cho các doanh nghiệp nội địa.
Ngoài những lợi ích mà Hiệp định TPP mang cho Việt Nam trên khía cạnh phát triển kinh tế thì nó cũng là cú hích cho việc thúc đẩy cải cách thể chế ở Việt Nam. Thực chất, đây là một vấn đề rất cơ bản, trụ cột trong chiến lược phát triển mà chúng ta đang thực hiện nhằm tạo dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi. Nhà nước đóng một vai trò quan trọng trong thúc đẩy đầu tư, thương mại và sản xuất - kinh doanh, giúp Việt Nam thu hút được nhiều nhà đầu tư. Song song với việc các doanh nghiệp cần tự thay đổi làm mới mình để đón đầu và có thể tận dụng tối đa cơ hội từ TPP, Nhà nước cũng cần cần nỗ lực điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường… nâng cao sức cạnh tranh để sản phẩm hàng hóa Việt Nam có thể hội nhập và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Có thể thấy, việc xuất hiện TPP là một tất yếu khi có rất nhiều vấn đề mà các FTA hiện tại chưa giải quyết được. Với riêng doanh nghiệp Việt Nam, cơ hội có nhiều nhưng thách thức cũng không nhỏ và nếu không có nỗ lực hết mình thì rất có thể  doanh nghiệp  Việt Nam sẽ thua ngay khi TPP bắt đầu có hiệu lực. Điều này đòi hỏi không chỉ sự đầu tư công sức của các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu mà còn bản thân mỗi doanh nghiệp để tìm được ra hướng đi phù hợp nhất cho doanh nghiệp của mình. Hy vọng rằng, khi TPP có hiệu lực, những lợi ích mà doanh nghiệp Việt Nam thu được sẽ lớn hơn những trở ngại mà các doanh nghiệp này gặp phải. 
Ths. Lương Ngọc Quang - Công ty Luật Vietthink 
___________________________________________

Nguồn tư liệu:

  • Hưởng lợi từ TPP - Cần rất nhiều nỗ lực cải cách - Theo thông tin tài chính số tháng 11/2015




Cập nhật: 03/10/2016
Lượt xem:5500