Hàng năm, Chính phủ các quốc gia bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để chi tiêu mua sắm. Nhu cầu mua sắm công trở thành một thị trường khổng lồ cho các nhà phân phối, cung cấp sản phẩm hàng hoá và dịch vụ. Tuy nhiên, cân bằng lợi ích giũa hai nhóm nay luôn là một bài toán khó bởi Bên cung ứng coi trọng yếu tố lợi nhuận làm đầu trong khi Chính phủ mong muốn mua sản phẩm dịch vụ chất lượng tốt nhất với giá rẻ nhất. Do đó, các quy định, quy trình lựa chọn đơn vị cung ứng sản phẩm trong mua sắm công thông thường vẫn khắt khe và rườm rà. TPP hứa hẹn sẽ mở rộng và nâng cao sức cạnh tranh trong nhóm cung ứng sản phẩm, đồng thời khắc phục các bất cập trong việc lựa chọn nhà thầu của Chính phủ.
Mua sắm chính phủ (MSCP) là một trong những lĩnh vực nhạy cảm trong thương mại quốc tế; vì vậy trong khuôn khổ Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Hiệp định về MSCP là hiệp định không bắt buộc các thành viên phải tuân thủ. Tại Việt Nam, thời điểm xây dựng Luật đấu thầu năm 2005 có rất ít đối tượng quan tâm, biết tới khái niệm “ Mua sắm chính phủ”. Tại kì họp khóa XI khi biểu quyết chọn một trong những các tên gọi cho luật về mua sắm chính phủ thì đại đa số đại biểu chọn thuật ngữ “ Đấu thầu” và cho đến nay qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung và hiện nay là Luật Đấu thầu 2013 song thuật ngữ này vẫn sử dụng làm tên gọi cho các quy định điều chỉnh lĩnh vực liên quan đến mua sắm chính phủ. Tuy nhiên khi gia nhập TPP, trong khuôn khổ Hiệp định, việc tuân thủ các điều khoản liên quan đến vấn đề MSCP là bắt buộc đối với tất cả các bên tham gia nhằm sử dụng thị trường MSCP để kích thích thương mại quốc tế phát triển với tốc độ nhanh chóng hơn và bình đẳng hơn giữa các bên tham gia ký kết. Điều này đặt ra thách thức lớn cho Chính phủ cũng như cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ nhất, các nhà cung cấp Việt Nam phải đối diện với áp lực cạnh tranh từ các nhà cung cấp đến từ các bên ký kết của Hiệp định ngay trên thị trường Việt Nam và các thị trường MSCP khác
Về cơ bản sau khi gia nhập TPP, các gói thầu mua sắm công cơ bản sẽ sử dụng hình thức đấu thầu quốc tế rộng rãi để lựa chọn nhà thầu từ các nước TPP, do đó loại trừ việc ưu tiên cho các doanh nghiệp nội địa và thu hút nhiều nhà thầu quốc tế tham gia dự thầu. Ngay bản thân các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong nước được cho rằng sẽ khó cạnh tranh ngay trên sân nhà với các nhà cung cấp nước ngoài trong các vụ đấu thầu lớn, trong khi đó, khả năng tiếp cận được với thị trường MSCP các quốc gia khác trong Hiệp định ít khả thi do Việt Nam có nhiều yếu tố hạn chế về năng lực cạnh tranh như ngoại ngữ yếu, hiểu biết pháp luật quốc tế yếu, trình độ công nghệ chưa cao, kỹ năng quản lý kém, năng suất lao động vẫn ở mức thấp,.... Thậm chí, việc mở cửa thị trường MSCP ở trong nước có thể sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp nhà nước đang hưởng lợi từ sự đóng cửa, hay mở cửa hạn chế của thị trường, các doanh nghiệp này sẽ chịu nhiều sức ép trong việc Việt Nam gia nhập Hiệp định TPP. Một nguy cơ khác cũng được đặt ra đó là việc nền kinh tế phải đối mặt với việc mất cân đối cán cân thanh toán, vì sẽ cần một lượng ngoại tệ lớn để có thể chi trả cho các nhà thầu quốc tế. Vì vậy, vấn đề đối với chính phủ và các doanh nghiệp đó là khắc phục các điểm yếu hiện tại để thắng thế cạnh tranh trong thị trường MSCP tại Việt Nam khi thực hiện đầy đủ các cam kết của Hiệp định TPP và tận dung tối đa cơ hội để thâm nhập thị trường MSCP của các nước đối tác.
Thứ hai, công tác đấu thầu điện tử tại Việt Nam còn chưa phát triển và có nhiều hạn chế
Việc áp dụng đấu thầu điện tử mới được thực hiện thời gian gần đây và đang trong lộ trình áp dụng rộng rãi. Hành lang pháp lý cho việc áp dụng đầu thầu điện tử đã được quy định tại Luật Đấu thầu 2013. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng công nghệ cho hoạt động này còn chưa hoàn thiện cũng như khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp nói chung còn yếu. Đây chính là một điểm yếu cố hữu đối với các doanh nghiệp trong nước cần được khắc phục trong thời gian tới.
Thứ ba, năng lực cạnh tranh của các nhà cung cấp tiềm năng cho hoạt động MSCP còn nhiều hạn chế so với các nhà cung cấp nước ngoài
Dù chưa có thống kê chính xác, nhưng ước tính thị phần của nhà thầu ngoại đang vào khoảng 15 - 20%, chủ yếu tập trung vào các công trình có sử dụng vốn tài trợ và đầu tư nước ngoài. Đây cũng là những công trình phần lớn đòi hỏi kỹ thuật cao, tiến độ và an toàn trong thi công lớn ví dụ như các tuyến đường sắt trên cao, các công trình hầm đường bộ, các cây cầu được xây dựng trên nền đất phức tạp, các công trình ngành điện. Rõ ràng, công nghệ là điểm mạnh chủ yếu và dễ thấy nhất ở các nhà thầu nước ngoài. Hội nhập TPP, thị phần của các doanh nghiệp, nhà thầu ngoại sẽ tăng lên cùng với sự thâm nhập của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, giá thuê nhà thầu nội rẻ hơn cũng khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng muốn làm với nhà thầu Việt nhằm giảm chi phí đầu tư. Vấn đề là các chủ đầu tư nước ngoài liệu có đủ thông tin biết đến năng lực của nhà thầu Việt và năng lực của nhà thầu Việt có thể đảm đương được các công việc gì ? Hiện tại mới chỉ có ít tên tuổi lớn như Delta, Coteccons, Hòa Bình hay Vinaconex,… có thể coi là các nhà thầu Việt có uy tín. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế về năng lực cạnh tranh của các nhà cung cấp Việt Nam chính là “cơ chế chỉ định thầu” trong MSCP rất phổ biến tại Việt Nam. Từ 2009 trở lại đây, theo những thống kê không chính thức thì hình thức chỉ định thầu chiếm đến 75% về số lượng và 45% về giá trị trong hoạt động MSCP của Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ chấm dứt khi Việt Nam thực hiện cam kết của Hiệp định TPP vì khi đó hình thức chỉ định thầu chỉ được áp dung đối với các dự án thực sự khẩn cấp.
Thứ tư, tình trạng tham nhũng, chưa chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật
MSCP ở Việt Nam chủ yếu được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu, sử dụng chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, MSCP đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Doanh nghiệp nhà nước có nhiều lợi thế hơn doanh nghiệp tư nhân tham gia các cuộc đấu thầu sử dụng ngân sách. Tuy vậy, hiệu quả thực thi pháp luật chi ngân sách thấp. Chẳng hạn, trong 7 tháng năm 2012, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã phát hiện trên 31.300 khoản chi thường xuyên chưa thực hiện đúng thủ tục; hoặc cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng năm 2013, hệ thống Kho bạc Nhà nước thông qua công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước, đã phát hiện trên 44.650 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định. Nhiều vụ án tham nhũng lớn làm thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng của nhà nước như công ty Nhật Bản JTC hối lộ để trúng thầu dự án đường sắt đô thị Hà Nội, dự án Đại lộ Đông - Tây và, bê bối vụ PMU 18,... Điều này cho thấy hiện tượng chấp hành kỷ luật tài chính trong chi ngân sách có nhiều sai phạm. Các hiện tượng vi phạm pháp luật đấu thầu vẫn diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi với mức độ ngày càng phức tạp, tinh vi và phổ biến hơn, như hành vi tham nhũng, gian lận trong đấu thầu, thông thầu, ưu tiên không công bằng, chậm, phức tạp trong thẩm định và phê duyệt.
Tham nhũng là một trong những vấn đề nổi cộm làm ảnh hưởng đến tính minh bạch của việc mua sắm công.
Từ những thách thức nói trên có thể thấy khó khăn cho Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam là không hề nhỏ. Như vậy chúng ta cần phải làm gì để giải quyết những thách thức nói trên để nắm bắt tốt nhất cơ hội khi gia nhập vào Hiệp định TPP. Vấn đề này sẽ có trong kì sau: “Giải pháp hạn chế những thách thức của Hiệp định TPP đối với hoạt động mua sắm chính phủ của Việt Nam”
Lương Ngọc Quang - Công ty Luật Vietthink