Quy định về thực tế đánh giá nhãn hiệu đen trắng & nhãn hiệu màu sắc theo EUIPOTại Việt Nam hiện nay, quy định bảo hộ nhãn hiệu và một số văn bản hướng dẫn chưa có quy định cụ thể về phạm vi bảo hộ nhãn hiệu đen & trắng và nhãn hiệu màu. Tuy nhiên, trên thực tế bảo hộ và xử lý xâm phạm cũng như một số vấn đề liên quan khác tại Việt Nam, khi một nhãn hiệu được đăng ký dưới dạng đen & trắng, nó có thể được cho phép sử dụng ở các dạng màu sắc khác nhau và việc sử dụng màu sắc này phải giữ nguyên các nội dung chữ hoặc hình hoặc sự kết hợp tổng thể giữa phần chữ và phần hình như đã đăng ký nhãn hiệu dưới dạng đen & trắng. Tức là, việc sử dụng thực tế nhãn hiệu màu sắc như vậy được coi là việc sử dụng nhãn hiệu đen & trắng đã đăng ký. Hay nói cách khác, ở một số trường hợp, việc đăng ký nhãn hiệu đen & trắng sẽ cho phạm vi bảo hộ nhãn hiệu là rộng nhất.
Tại Châu Âu, trước đây, một thực tế dễ thấy nhất đó là quan điểm khác nhau của các cơ quan SHTT trong các quốc gia Châu Âu về phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu đen trắng và nhãn hiệu màu sắc, cụ thể là một vài quốc gia thừa nhận việc bảo hộ nhãn hiệu đen trắng là bảo hộ rộng nhất, bao trùm phạm vi bảo hộ nhãn hiệu đó khi thể hiện dưới các loại màu sắc khác nhau hoặc sự kết hợp màu sắc khác nhau. Tuy nhiên, một số quốc gia quan điểm rằng nhãn hiệu khi được bảo hộ như thế nào thì phạm vi bảo hộ chỉ giới hạn như vậy, tức là nhãn hiệu khi được bảo hộ dưới dạng đen trắng thì phạm vi bảo hộ chỉ giới hạn trong nhãn hiệu đen trắng hay nhãn hiệu được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu màu thì phạm vi bảo hộ chỉ giới hạn ở việc sử dụng nhãn hiệu dưới dạng màu sắc đã đăng ký…
Trước thực tế này, các cơ quan SHTT các quốc gia trong Liên minh Châu Âu nhận thấy cần phải có sự hài hòa liên quan đến phạm vi bảo hộ giữa nhãn hiệu đen trắng và nhãn hiệu màu sắc và cần phải có thông lệ chung giữa các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu để thiết lập mạng lưới liên kết giữa các quốc gia Châu Âu, góp phần tạo nên một môi trường SHTT thống nhất giữa các quốc gia, đồng thời rõ ràng, chắc chắn về mặt pháp lý, có chất lượng cao và có khả năng đảm bảo công bằng và lợi ích cao nhất giữa chủ đơn đăng ký nhãn hiệu và cơ quan bảo hộ nhãn hiệu tại mỗi quốc gia.
Cũng chính vì lý do nêu trên, Dự án Chương trình Hội tụ (Convergence Programme) đã được hình thành từ tháng 6/2011 để thực hiện mục tiêu này. Việc thống nhất về phạm vi bảo hộ nhãn hiệu đen trắng và nhãn hiệu màu sắc tại các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (Ms IPOs) là một nội dung trong các dự án này và sẽ được áp dụng chung cho các Ms IPOs, trừ một số trường hợp ngoại lệ. Mục tiêu của nội dung này trong dự án có thể tóm tắt như sau:
Các bước đánh giá về việc sử dụng nhãn hiệu trên thực tế (có biến thể) có thể coi là sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký hay không?- Bước 1: Đánh giá các dấu hiệu như đã được bảo hộ: Là đánh giá các thành phần tạo khả năng phân biệt tự thân (distinctiveness) của nhãn hiệu và các yếu tố chính dùng để phân biệt với các nhãn hiệu khác (distinguishability) đối với các sản phẩm/dịch vụ cùng loại;
- Bước 2: Đánh giá về sự khác biệt giữa các nhãn hiệu được sử dụng trên thực tế và ảnh hưởng của sự thay đổi so với nhãn hiệu đã được bảo hộ: Đặt nhãn hiệu sử dụng trên thực tế và nhãn hiệu đã được bảo hộ cạnh nhau (side by side examination) để xác định các thành phần tạo nên khả năng phân biệt tự thân và phân biệt giữa các nhãn hiệu như đã xác định ở bước 1 có hiện diện như thế nào và các thành phần cấu thành nhãn hiệu sử dụng thực tế ra sao để đưa ra nhận định.
Tức là, để đánh giá về việc nhãn hiệu sử dụng trên thực tế có được coi là nhãn hiệu đã được đăng ký hay không phụ thuộc vào từng trường hợp, dựa trên các Bước 1 và 2 như đã đề cập ở trên.
Dưới đây là các ví dụ để giúp đưa ra nhận định dễ dàng hơn: