Thỏa ước Vienna (1) thiết lập bảng phân loại các yêu tố hình của nhãn hiệu (hay còn gọi là phân loại Viên) nhằm mục đích thống nhất cách phân loại hình nhãn hiệu trên phạm vi quốc tế, tạo điều kiện để cơ quan Sở hữu trí tuệ của các quốc gia (thuộc hoặc không thuộc Thỏa ước Vienna) có thể cùng áp dụng để dễ dàng thẩm định các nhãn hiệu có phần hình. Đồng thời, với việc áp dụng cách phân loại chung, việc thẩm định các nhãn hiệu hình của các quốc gia không bị mâu thuẫn với nhau hoặc bỏ sót, sai khác với nhau vì sự không thống nhất trong cách tra cứu các nhãn hiệu có phần hình trong quá trình thẩm định nhãn hiệu.
1. Bảng phân loại Viên là gì?
Một nhãn hiệu khi đăng ký có thể là nhãn hiệu bao gồm phần chữ và/hoặc phần hình. Việc thẩm định khả năng đăng ký (thẩm định khả năng trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn) của một nhãn hiệu chữ thường dễ dàng hơn so với thẩm định một nhãn hiệu có chứa yếu tố hình. Bảng phân loại quốc tế các yếu tố hình đã ra đời theo Thỏa ước Viên nhằm đơn giản hóa và thống nhất cách thẩm định các yếu tố hình trong nhãn hiệu trong phạm vi quốc tế.
Phân loại hình Vienna được áp dụng cho khoảng 32 quốc gia là thành viên của Thỏa ước Viên. Ngoài ra, các cơ quan nhãn hiệu của ít nhất 30 quốc gia ngoài các nước thành viên của Thỏa ước Vienna, Văn phòng quốc tế của WIPO, Tổ chức Sở hữu trí tuệ châu Phi (OAPI), Tổ chức Benelux về SHTT (BOIP) và Cơ quan Hài hòa hóa thị trường nội khối của Liên minh châu Âu (OHIM) cũng sử dụng phân loại Viên. Việt Nam là một trong các quốc gia không nằm trong Thỏa ước Viên nhưng sử dụng Bảng phân loại Viên.
2. Lịch sử bảng phân loại
Theo đề nghị của một số Cơ quan Sở hữu công nghiệp của các nước là thành viên của Công ước Paris, Văn phòng liên hiệp quốc tế bảo vệ sở hữu trí tuệ (BIRPI), tiền thân của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), đã bắt đầu làm việc với một Ủy ban chuyên gia được thành lập năm 1967 bởi Ủy ban điều phối trong Liên minh BIRPI về soạn thảo một Bảng phân loại quốc tế các yếu tố hình của nhãn hiệu. Bảng phân loại này được thiết lập theo Thỏa ước Viên được ký kết ngày 12 tháng 6 năm 1973 tại Hội nghị ngoại giao Viên.
Các nước thành viên Thỏa ước Viên (2) về thiết lập Bảng phân loại các yếu tố hình của nhãn hiệu (từ đây trở đi được gọi tắt tương ứng là “Thỏa ước Viên” và “Bảng phân loại Viên”) đã thông qua và áp dụng một bảng phân loại chung cho các yếu tố hình của nhãn hiệu. Thỏa ước Viên có hiệu lực từ ngày 09 tháng 8 năm 1985.
Bảng phân loại Viên cứ năm (05) năm lại có một phiên bán sửa đổi. Tính đến nay, bảng phân loại Viên đang áp dụng phiên bản thứ 8, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/6/2018. Việt Nam hiện nay đã và đang áp dụng phiên bản phân loại Viên thứ 8 theo thông báo số 3391/TB-SHTT ngày 19/4/2018. Chi tiết việc áp dụng phiên bản phân loại Viên thứ 8 tại Việt Nam
tại đây
3. Bảng phân loại có mục đích gì?
Nhãn hiệu là tổng hợp các yếu tố gồm phần chữ, phần hình hoặc kết hợp của các yếu tố đó. Đối với nhãn hiệu gồm phần hình như hình lá cây, hình ngôi nhà, các hình khác, vậy phải có một phân loại cho yếu tố hình đó khi thẩm định nhãn hiệu. Bảng phân loại giúp thẩm định viên thực hiện việc tra cứu các nhãn hiệu hình một cách chính xác nhất để đảm bảo việc thẩm định nhãn hiệu được chính xác, tránh bỏ sót việc nhãn hiệu đăng ký trùng hoặc tương tự với những nhãn hiệu đã được nộp đơn bảo hộ trước đó.
Mục đích của Bảng phân loại về cơ bản có tính thực tiễn, nhằm thúc đẩy các tra cứu nhãn hiệu được dự kiến trước và tránh việc phải phân loại lại khi tư liệu được trao đổi trên phạm vi quốc tế. Hơn nữa, các nước tham gia Thỏa ước Viên không cần thiết phải soạn thảo một Bảng phân loại quốc gia của riêng mình hoặc thực hiện cập nhật một Bảng phân loại đang có nữa. Hay nói cách khác, lợi ích mà Bảng phân loại Viên có thể kể đến như sau:
- Thống nhất các yếu tố phân loại hình;
- Dễ dàng hơn trong việc tra cứu thông tin về hình trong nhãn hiệu giữa các cơ quan SHTT của nhiều nước khác nhau;
- Tạo điều kiện cho việc tra cứu nhãn hiệu tránh khỏi rất nhiều công đoạn phải phân loại lại khi các văn bản/tài liệu được trao đổi trên phạm vi quốc tế.
4. Cấu trúc bảng phân loại như thế nào?
Phân loại Vienna là một hệ thống có thứ bậc, phân chia các yếu tố hình thành những “Lớp” (Category), “Nhóm” (Divison) và “Phân nhóm” (Section). Mỗi bậc được phân cách nhau bởi một dấu chấm.
Phân nhóm bao gồm phân nhóm chính và phân nhóm phụ:
- Phân nhóm chính được ký hiệu bởi dấu “*” ở trước.
- Phân nhóm phụ được ký hiệu bởi chữ “A” ở trước.
Theo quy định ghi trong Thỏa ước Viên, Cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia ký kết Thỏa ước Viên phải ghi rõ trong các văn bản chính thức và các ấn phẩm liên quan đến phân loại hình của nhãn hiệu, cụ thể là lớp, nhóm và phân nhóm các yếu tố hình của những nhãn hiệu.
Mỗi lớp, nhóm và phân nhóm được gắn cho một chữ số theo một hệ thống mã hóa đặc biệt. Mỗi yếu tố hình trong một phân nhóm được biểu thị bằng ba chữ số: chữ số thứ nhất có thể là bất kỳ số nào từ 1 đến 29, biểu thị lớp; chữ số thứ hai có thể là bất kỳ số nào từ 1 đến 19, biểu thị nhóm; và chữ số thứ ba có thể là bất kỳ số nào từ 1 đến 30, biểu thị phân nhóm.
Chẳng hạn, sự thể hiện của nhãn hiệu có yếu tố hình như sau thì sẽ được phân loại hình là 04.05.01; 05.01.05; 05.01.16; 05.03.15:
Trong đó:
04.05.01: Thực vật trong dạng người hay động vật, sự kết hợp các thực vật dạng nhiều (thực vật được nhân hoá)
05.01.05: Một cây hoặc một bụi cây
05.01.16: Cây hoặc bụi cây được cách điệu hoá
05.03.15: Hai đến bốn lá
Hay
Phân loại hình:
02.01.08: Diễn viên nhào lộn, lực sĩ, người đang khiêu vũ, diễn viên xiếc tung hứng, đàn ông khoả thân, đàn ông chơi thể thao
02.01.15: Người làm các nghề khác (đàn ông)
02.01.23: Đàn ông được cách điệu hoá
02.03.08: Đàn bà chơi thể thao, khiêu vũ, mặc đồng phục diễu hành
02.03.23: Hình ảnh người đàn bà được cách điệu
23.01.05: Cung, bao đựng tên
26.01.01: Hình tròn
26.11.12: Đường hay dải cong (trừ A 26.11.13)
Sự ra đời và phát triển của bảng phân loại yếu tố hình Vienna là một trong những yếu tố quan trọng cho sự phát triển của ngành luật sở hữu trí tuệ trên thế giới nói chung và ở các nước nói riêng. Đây cũng là một trong những cơ sở để các nhãn hiệu được bảo hộ một cách chặt chẽ nhất. Ngoài ra nó cũng giúp đánh giá khả năng bảo hộ của một nhãn hiệu dự định đăng ký để tránh rủi ro bị từ chối bởi những nhãn hiệu trùng hay tương tự đã được nộp đơn hay đăng ký trước đó. Giúp cho việc đăng ký có thể tiết kiệm được thời gian hay chi phí hơn rất nhiều. Thêm vào đó trong trường hợp phát hiện ra một chủ thể khác đăng ký/ sử dụng một nhãn hiệu trùng hay tương tự với nhãn hiệu của mình, thì bảng phân loại Vienna cũng là cơ sở chính để xác định xem có bao nhiêu nhãn hiệu như vậy giúp chủ thể có thể bảo hộ nhãn hiệu của mình một cách triệt để nhất.
Việc đánh giá khả năng bảo hộ của nhãn hiệu và bảo hộ nhãn hiệu, Quý khách vui lòng liên hệ chúng tôi để được tư vấn cụ thể nhất.
Tư vấn sở hữu trí tuệ
Phone: 0941 661 881
Email: ip@vietthink.com.vn
(1) Thỏa ước Viên (Thủ đô nước Áo) về Phân loại quốc tế các yếu tố hình của nhãn hiệu ký kết ngày 12 tháng 6 năm 1973 tại Hội nghị ngoại giao Viên. Thỏa ước đã thiết lập một hệ thống phân loại các yếu tố hình của nhãn hiệu và được sử dụng rộng rãi tại 31 nước thành viên cuả Thỏa ước Viên.
(2)Hiện nay Thỏa ước Viên có 32 quốc gia, danh sách được công bố tại đây http://www.wipo.int/treaties/en/ShowResults.jsp?lang=en&treaty_id=13