Quay lại Bản in
Cỡ chữ

UB Tài chính Ngân sách Quốc hội đề nghị xem xét lại thuế xuất khẩu 5% đối với xi măng

Ngày 12/10/2016, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn 9744/TCHQ-TXNK V/v hướng dẫn kê khai mã số hàng hóa và thuế suất để thực hiện Biểu thuế XK theo quy định tại Nghị định số 122/2016/NĐ-CP. Theo quy định tại Mục 211 Phụ lục I, Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016  thì “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm ... có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” sẽ bị áp thuế xuất khẩu là 5%. Từ trước đến nay, mặt hàng xi măng luôn được coi là thành phẩm, nên không thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định nêu trên. Tuy nhiên, Công văn 9744/TCHQ-TXNK khi hướng dẫn áp dụng quy định này lại dùng thuật ngữ “hàng hóa xuất khẩu” nói chung, do vậy vô hình dung đã bao gồm cả mặt hàng xi măng vào đối tượng chịu thuế xuất khẩu 5%.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam đã có phản ứng gay gắt với Công văn 9744/TCHQ-TXNK. Theo quan điểm của đại diện Hiệp hội Xi măng thì xi măng là “thành phẩm” chứ không phải “bán thành phẩm” và mặt hàng này không có tên trong Biểu thuế xuất khẩu tại Phụ lục I Nghị định 122/2016/NĐ-CP nên không phải chịu thuế xuất khẩu. Đại diện một số doanh nghiệp xuất khẩu xi măng còn cho rằng việc Tổng cục Hải quan hướng dẫn áp thuế suất 5% với xi măng xuất khẩu là thiếu căn cứ, chưa đúng quy trình pháp lý. Không những thế, một số Chi cục Hải quan địa phương còn yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu xi măng phải nộp: (1) Bản cam kết về giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng của mặt hàng xi măng chiếm dưới 51% giá thành sản phẩm xi măng; (2) Bản cam kết kế toán về tỷ lệ tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng của mặt hàng xi măng chiếm dưới 51% giá thành sản phẩm xi măng đó của năm trước đó liền kề. Điều này khiến các doanh nghiệp trong ngành xi măng rất bức xúc.
Trước tình hình đó, với vai trò là một cơ quan ngôn luận, Báo Đời sống và Pháp luật (ĐS&PL) đã tập hợp phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước, đồng thời lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan quản lý, các chuyên gia và luật sư thông qua các cuộc phỏng vấn, hội nghị bàn tròn và giao lưu trực tuyến… để kiến nghị lên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Công ty Luật Vietthink đã đồng hành cùng Báo ĐS&PL, Hiệp hội xi măng Việt Nam và các đơn vị có liên quan trong quá trình tập hợp ý kiến phản ánh và kiến nghị đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bằng những phân tích, đánh giá một cách sắc sảo từ góc độ pháp lý, các luật sư của Vietthink đã nhận định rằng việc áp dụng thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng xi măng là thiếu cơ sở pháp lý, đồng thời chỉ ra những điểm không hợp lý của Công văn 9744/TCHQ-TXNK.
 
Luật sư Lê Đình Vinh – Giám đốc Công ty Luât Vietthink, người đã trực tiếp tham gia phản biện về việc áp dụng thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng xi măng.
Trước những ý kiến phản ánh và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp thông qua Báo ĐS&PL, ngày 16/5/2017, Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội ban hành Công văn số 504/UBTCNS14 về việc áp dụng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng xi măng gửi Bộ Tài chính, báo Đời sống & Pháp luật, Hiệp hội xi măng Việt Nam và các đơn vị có liên quan.
Theo nội dung Công văn số 504, Ủy ban Tài chính ngân sách xác định việc Cơ quan Hải quan yêu cầu doanh nghiệp phải nộp thêm giấy tờ: (1) Bản cam kết về giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng của mặt hàng xi măng chiếm dưới 51% giá thành sản phẩm xi măng; (2) Bản cam kết kế toán về tỷ lệ tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng của mặt hàng xi măng chiếm dưới 51% giá thành sản phẩm xi măng đó của năm trước đó liền kề là không phù hợp với Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 và Nghị định số 122/2016/NĐ-CP, vì theo quy định tại khung thuế xuất khẩu đối với từng nhóm hàng chịu thuế ban hành kèm theo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu tại nhóm hàng số 211 quy định là “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm không quy định ở trên có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” chịu khung thuế suất từ 5-20%. Như vậy, tại khung thuế suất chỉ xác định áp thuế đối với vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm, chứ không áp dụng với thành phẩm.
Do đó, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra, chỉ đạo Tổng cục hải quan dừng việc yêu cầu các doanh nghiệp bổ sung những giấy tờ không phù hợp với quy định của Luật quản lý thuế, Luật thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu.
Về việc áp thuế xuất khẩu từ 5-20% đối với hàng hóa xuất khẩu mà có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên, theo Ủy ban Tài chính- Ngân sách, quy định này là không có cơ sở để quản lý và khó khả thi trong thực tế vì việc quản lý hoàn toàn phụ thuộc vào cam kết của nhá sản xuất, còn đối với các nhà xuất khẩu nếu không phải là nhà sản xuất sẽ không xác định được cơ cấu giá thành sản phẩm.
Do vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Bộ Tài chính tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định về xác định tỷ lệ tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên đối với xi măng cũng như sản phẩm khác tại Luật thuế GTGT, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, báo cáo Chính phủ để sớm trình Quốc hội xem xét, sửa đổi quy định này, bảo đảm tính khoa học, phù hợp với thực tế và góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Bình luận về vấn đề này, Luật sư Lê Đình Vinh – Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink cho biết: “Việc Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội ban hành Công văn 504/UBTCNS14 là một tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp. Nó thể hiện rằng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở cấp cao nhất đã sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu những nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp. Đồng thời, nó cũng cho thấy ý kiến kiến nghị của các doanh nghiệp và các chuyên gia pháp lý về những bất hợp lý của Công văn 9744/TCHQ-TXNK là có căn cứ”.
“Việc các cơ quan giám sát của Quốc hội theo dõi sát sao quá trình thực thi pháp luật và sẵn sàng vào cuộc tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp, cùng với quyết tâm thực hiện phương châm “Chính phủ kiến tạo, phát triển” sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế và các doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp ngành xi măng nói riêng có thể yên tâm, tin tưởng vào một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch và thông thoáng đang được khởi tạo” – Luật sư Vinh chia sẻ.
Tuy nhiên, theo Luật sư Lê Đình Vinh, Công văn 504/UBTCNS14 mới chỉ là bước đầu trong việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành xi măng. Vấn đề quan trọng là “Bộ Tài chính cần khẩn trương tiến hành tổng kết, đánh giá về những bất hợp lý trong việc thực thi Luật thuế GTGT, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, báo cáo Chính phủ để sớm trình Quốc hội xem xét, sửa đổi cac luật trên nhằm, bảo đảm tính khoa học, thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, góp phần khuyến khích hoạt động sản xuất và xuất khẩu xi măng ở nước ta”.
Công ty Luật Vietthink sẽ tiếp tục đồng hành cùng Báo ĐS&PL và Hiệp hội Xi măng để kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét và tháo gỡ triệt để những bất hợp lý trong việc áp thuế xuất khẩu đổi với mặt hàng xi măng. Đồng thời tiếp tục tham gia phản biện chính sách pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh nhằm góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và hệ thống pháp luật Việt Nam./.
Vietthink News.
Cập nhật: 22/05/2017
Lượt xem:8024