Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Khung pháp lý về kinh doanh dịch vụ mua bán nợ: Vẫn còn nhiều nút thắt

Những năm gần đây, nợ xấu đã trở thành một vấn đề nhức nhối ở nước ta. Theo thống kê,đến hết năm 2016 số nợ xấu các tổ chức tín dụng bán cho VAMC chưa xử lý được là 224 nghìn tỷ đồng (chiếm 85% nợ xấu VAMC đã mua và chiếm khoảng 4,3% tổng tín dụng hệ thống ngân hàng). Chưa kể số nợ xấu, nợ khó đòi giữa các doanh nghiệp với nhau có thể còn cao hơn. Nợ xấu đã trở thành cục “máu đông” cản trở sự lưu thông của các dòng vốn và làm tăng mức độ rủi ro trong hoạt động tín dụng. Các ngân hàng do phải trích lập dự phòng nợ xấu nên buộc phải duy trì lãi suất cho vay ở mức cao để bù đắp lợi nhuận, do vậy đã hạn chế sự cạnh tranh của hệ thống ngân hàng. Về phía doanh nghiệp, lãi suất cao và chi phí dự phòng cho các khoản nợ khó đòi tăng lên cũng làm tăng chi phí sử dụng vốn, đồng nghĩa với việc tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Từ trước đến nay, việc mua bán nợ xấu chủ yếu do VAMC, DATC và các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc các tổ chức tín dụng thực hiện. Các doanh nghiệp khác chỉ có thể tham gia đấu giá các tài sản đảm bảo cho ngân hàng mà VAMC hay bản thân các tổ chức tín dụng mang ra bán đấu giá. Do tính chất khép kín như vậy nên ở nước ta chưa thực sự hình thành một thị trường mua bán nợ xấu theo đúng nghĩa. Phần lớn các khoản nợ xấu ngân hàng đều do VAMC, DATC tự xử lý,nên khó đảm bảo tính minh bạch, thậm chí có tiêu cực, làm thất thoát tài sản của ngân hàng cũng như của các doanh nghiệp vay nợ.
 
(VAMC - công ty chuyên mua nợ xấu của các ngân hàng tại thời điểm hiện tại)
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia tài chính, tình hình nợ xấu hiện nay chỉ có thể được giải quyết dứt điểm nếu chúng ta hình thành được một thị trường dịch vụ mua bán nợ xấu cạnh tranh với sự tham gia của nhiều chủ thể, được tổ chức chặt chẽ và có sự kiểm soát của nhà nước.Đặc biệt phải tạo cơ chế để cho các doanh nghiệp tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài được tham gia sâu vào lĩnh vực mua bán nợ xấu. Có như vậy mới khắc phục được những bất cập trong hoạt động mua bán nợ xấu như thời gian qua, đồng thời thu hút được dòng vốn ngoại tham gia vào quá trình tái cấu trúc các khoản nợ xấu của các doanh nghiệp trong nước.
Để góp phần giải quyết các yêu cầu trên, ngày 01/7/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ (“Nghị định 69”). Đây được kỳ vọng sẽ tạo “cú huých” cho sự ra đời và phát triển bền vững của thịt rường mua bán nợ, trong đó có nợ xấu của doanh nghiệp, của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, ngay khi vừa được ban hành, nhiều quy định của Nghị định 69 đã gây ra những ý kiến trái chiều, thậm chí hoài nghi về tính khả thi của chúng.
 
Trước hết có thể thấy đối tượng áp dụng của Nghị định 69 là tương đối hẹp, chỉ bao gồm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh dịch vụ mua bán nợ (Điều 2). Trong khi đó hàng loạt chủ thể đang hoạt động trên thị trường mua bán nợ hiện nay đều bị gạt ra khỏi đối tượng áp dụng của Nghị định 69 và tiếp tục được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật khác. Cụ thể: tổ chức tín dụng,chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động mua bán nợ theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các quy định của pháp luật có liên quan; tổ chức,cá nhân thực hiện hoạt động mua bán trái phiếu thuộc phạm vi điều chỉnh Luật chứng khoán thực hiện theo quy định của Luật chứng khoán; công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam thực hiện hoạt động mua bán nợ theo quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam; công ty trách nhiệm hữu hạn mua bán nợ Việt Nam thực hiện hoạt động mua bán nợ theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thành lập và hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn mua bán nợ Việt Nam;Sở giao dịch chứng khoán tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán theo quy định của Luật chứng khoán. Theo ý kiến của các chuyên gia, quy định này đồng nghĩa với việc hàng loạt vấn đề nổi cộm nhất trong hoạt động mua bán nợ xấu hiện nay, đặc biệt là mua bán nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang cần tháo gỡ nhưng lại nằm ngoài sự điều chỉnh của Nghị định 69.
Theo quy định tại Nghị định 69, hoạt động mua bán nợ là việc bên bán nợ chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền đòi nợ và các quyền khác liên quan đến khoản nợ cho bên mua nợ và bên mua nợ trả tiền cho bên bán nợ. Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là việc thực hiện liên tục một hoặc một số hoạt động liên quan đến việc mua bán nợ nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm: Mua nợ, bán nợ, môi giới mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ và dịch vụ sàn giao dịch nợ.
Về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, Nghị định 69 quy định cá nhân, tổ chức có nhu cầu kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải thành lập doanh nghiệp, có vốn điều lệ tối thiểu 100 tỉ đồng” (khoản 1, Điều 4 và khoản 2, Điều 7). Doanh nghiệp môi giới, tư vấn mua bán nợ phải có vốn điều lệ tối thiểu 5 tỉ đồng. Vốn điều lệ của doanh nghiệp kinh doanh sàn giao dịch nợ tối thiểu là 500 tỉ đồng (khoản 2, Điều 8). Ngoài ra, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ còn phải đáp ứng các điều kiện khác được quy định tại Nghị định 69 và phải đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ mua bán nợ theo quy định của pháp luật.
Có một điểm hạn chế được quy định tại Nghị định 69 là “Doanh nghiệp mua bán nợ không được nhận cấp tín dụng từ ngân hàng để mua nợ của khách hàng vay tại chính ngân hàng đó” (khoản 5, Điều 7). Mục đích của quy định này là để phòng ngừa khả năng các doanh nghiệp này vay tiền ngân hàng mua nợ cũ để tạo ra nợ mới (hay thực chất là đảo nợ). Thế nhưng cũng có ý kiến cho rằng không nên quy định hạn chế như vậy, vì giả sử doanh nghiệp mua bán nợ vay tiền của một tổ chức tín dụng này để mua nợ của khách hàng tại một tổ chức tín dụng khác thì điều đó là hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc thị trường và doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ phát sinh từ các khoản vay độc lập. Hơn nữa, với vốn điều lệ 100 tỉ đồng, nếu không cho các doanh nghiệp kinh doanh mua bán nợ vay vốn tín dụng để tham gia mua nợ thì các doanh nghiệp này sẽ rất khó khăn trong hoạt động.
Một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ xấu trông đợi nhất là điều kiện để họ được tham gia mua nợ xấu từ VAMC hay từ các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc các tổ chức tín dụng. Bởi vì trên thực tế hiện nay hầu hết lượng nợ xấu của các ngân hàng, tổ chức tín dụng đều đã được chuyển cho VAMC quản lý và xử lý, và đại đa số các khoản nợ này đều có tài sản đảm bảo, cho nên đây là một lượng hàng hóa có khả năng sinh lời hấp dẫn đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ xấu. Tuy nhiên vấn đề này vẫn còn bỏ ngỏ trong Nghị định 69.
Ngoài ra, một vấn đề khác cũng được trông đợi là việc có cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia mua bán nợ hay không. Theo quy định về thành lập và hoạt động của VAMC hiện nay thì việc gọi vốn nước ngoài trong xử lý nợ xấu là gần như không thể, do quy chế về quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân nước ngoài chưa được quy định rõ. Trong khi đó hiện nay VAMC có những khoản nợ có đầy đủ giấy tờ pháp lý, VAMC và các ngân hàng có thể tổ chức bán đấu giá để thu hồi vốn, nhưng các doanh nghiệp trong nước không có đủ năng lực tài chính để mua. Những trường hợp như vậy nên cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia mua để kéo nguồn vốn ngoại vào thị trường. Nhưng vấn đề này cũng không được quy định trong Nghị định 69.

Như vậy, mặc dù Nghị định 69 được ban hành nhằm tạo cú huých thúc đẩy hoạt động mua bán nợ phát triển, góp phần giải quyết tình trạng nợ xấu ở nước ta hiện nay,  nhưng xem ra vẫn còn rất nhiều nút thắt cần tiếp tục tháo gỡ để thị trường mua bán nợ thực sự phát triển một cách lành mạnh và bền vững trong thời gian tới.

Luật sư Đinh Trần Nhật Minh - Công ty Luật TNHH Vietthink

Cập nhật: 10/04/2017
Lượt xem:14653