Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ ở Việt Nam

Ngày 01/7/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ (“Nghị định 69”). Nghị định 69 ra đời được kỳ vọng sẽ tạo cú huých cho việc hình thành thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp ở nước ta. Trước đó, việc mua bán nợ xấu của các tổ chức tín dụng chủ yếu được thực hiện bởi VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam) và DATC (Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam). Đây là lần đầu tiên có một hành lang pháp lý cho phép doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được cùng tham gia bình đẳng trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, một lĩnh vực tuy còn sơ khai nhưng rất tiềm năng trong tương lai. Vì vậy, một trong những vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm là các điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ được quy định như thế nào trong Nghị định 69.
 
(Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp tổng hợp điều kiện kinh doanh mua bán nợ tại Việt Nam)
Theo quy định tại Nghị định 69, kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là việc thực hiện liên tục một hoặc một số hoạt động liên quan đến việc mua bán nợ nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm: Mua nợ, bán nợ, môi giới mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ và dịch vụ sàn giao dịch nợ. Hoạt động trên được tiến hành bởi các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh dịch vụ mua bán nợ đều phải thành lập doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải đăng ký kinh doanh dịch vụ mua bán nợ và phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. 
Về các điều kiện chung chung đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, Điều 5 Nghị định 69 quy định như sau:
- Doanh nghiệp phải có quy chế quản lý nội bộ về tổ chức, quy định nội bộ về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phù hợp với quy định của Nghị định này;
- Doanh nghiệp phải đáp ứng quy định về mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu tương ứng theo quy định tại khoản 2 Điều 6, khoản 2 Điều 7 và khoản 2 Điều 8 Nghị định này. Trường hợp, doanh nghiệp thực hiện một số hoặc tất cả các hoạt động thì mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu cao nhất trong số các hoạt động mà doanh nghiệp thực hiện;
- Người quản lý của doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng cấm quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp;
+ Có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: Kinh tế, quản trị kinh doanh, luật hoặc lĩnh vực chuyên môn mà mình sẽ đảm nhận;
+ Là người quản lý hoặc có ít nhất 05 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, pháp luật, định giá tài sản hoặc mua bán nợ;
+ Những người đã làm việc trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải đáp ứng thêm điều kiện: Không là người quản lý của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong 03 năm trước liền kề.
Về điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ, ngoài việc phải đáp ứng các điều kiện chung nêu trên, các doanh nghiệp này phải có mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là 5 tỷ đồng tại thời điểm thành lập (Điều 6 Nghị định 69).  
Đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động mua bán nợ, ngoài việc đảm bảo các điều kiện chung của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ còn phải đáp ứng các điều kiện bổ sung như sau:
- Có mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng;
- Các khoản nợ được mua bán phải có đầy đủ các yếu tố sau đây:
+ Không có thỏa thuận bằng văn bản về việc không được mua, bán khoản nợ;
+ Không được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự tại thời điểm mua bán nợ, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của bên nhận bảo đảm về việc bán nợ;
+ Bên mua nợ và bên nợ không phải là người có liên quan theo quy định của Luật doanh nghiệp.
- Việc mua bán nợ phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên liên quan, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mua bán nợ, trong đó quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của bên mua nợ, bên bán nợ;
- Doanh nghiệp hoạt động mua bán nợ không được nhận cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để mua nợ của khách hàng vay tại chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó hoặc nhận bảo đảm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để được cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng khác nhằm mục đích mua nợ của khách hàng vay tại chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo đảm;
- Bên mua nợ, bên bán nợ, bên nợ và các bên liên quan khác phải tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật về quản lý ngoại hối trong trường hợp mua bán nợ hình thành quan hệ cho vay, vay nợ nước ngoài và sử dụng ngoại hối trong giao dịch mua bán nợ.
Đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ, ngoài các điều kiện chung, các doanh nghiệp này phải có vốn đầu tư tối thiểu là 500 tỷ đồng, đồng thời phải đáp ứng các điều kiện bổ sung như sau:
- Đã hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ ít nhất 01 năm và mức doanh thu hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ của năm liền kề trước năm thực hiện kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch tối thiểu là 500 tỷ đồng;
- Có ít nhất 02 nhân viên có chứng chỉ kiểm toán viên hoặc ít nhất 02 nhân viên có thẻ thẩm định viên về giá theo quy định của pháp luật;
- Có quy chế hoạt động của sàn giao dịch nợ;
- Có cơ sở, vật chất kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin phù hợp để tiếp nhận, cập nhật, cung cấp thông tin về hoạt động mua bán nợ giữa các thành viên tham gia sàn giao dịch;
- Thực hiện kiểm toán độc lập hằng năm theo quy định của pháp luật.
Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, các điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ được quy định trong Nghị định 69 là tương đối phù hợp với yêu cầu và đặc điểm của lĩnh vực kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Nó vừa đảm bảo khuyến khích sự ra đời và hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mu bán nợ, vừa đảm bảo sự quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cũng như quyền lợi của các chủ thể liên quan.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có chuyên gia cho rằng một số điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là chưa thực sự hợp lý. Chẳng hạn, quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị định 69: “Doanh nghiệp mua bán nợ không được nhận cấp tín dụng từ ngân hàng để mua nợ của khách hàng vay tại chính ngân hàng đó”. Mục đích của quy định này là để phòng ngừa khả năng các doanh nghiệp này vay tiền ngân hàng mua nợ cũ để tạo ra nợ mới (hay thực chất là đảo nợ). Thế nhưng giả sử doanh nghiệp mua bán nợ vay tiền của một tổ chức tín dụng này để mua nợ của khách hàng tại một tổ chức tín dụng khác thì điều đó là hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc thị trường và doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ phát sinh từ các khoản vay độc lập. Hành vi này không nên bị cấm hay hạn chế để các doanh nghiệp có thể chủ động hơn về nguồn vốn.
Hoặc quy định tại khoản 3, Điều 5 Nghị định 69: “Người quản lý của doanh nghiệp mua bán nợ phải có trình độ học vấn từ đại học trở lên; là người quản lý hoặc có ít nhất năm năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, kế toán, kiểm toán, pháp luật, định giá tài sản hoặc mua bán nợ”. Theo đánh giá của một số chuyên gia, quy định trên đây có phần khắt khe và không phù hợp, vì xét cho cùng thì khoản nợ cũng là một loại hàng hóa và để nó lưu thông, chuyển nhượng được, quan trọng là thực lực tài chính của bên mua và nhu cầu của thị trường cũng như khả năng bán lại của họ. Doanh nghiệp mua bán nợ vốn ít, họ không phải là tổ chức tín dụng, không có chức năng huy động tiền trong dân và cho vay, nên quy định người quản lý phải đáp ứng tiêu chuẩn gần như điều hành một ngân hàng xem ra chưa thật sự phù hợp.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng còn một số điều kiện nữa lẽ ra cần được bổ sung vào Nghị định 69 cho đảm bảo tính toàn diện như điều kiện để doanh nghiệp được tham gia mua nợ xấu từ VAMC hay từ các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc các tổ chức tín dụng. Hay điều kiện để các tổ chức, các nhân nước ngoài có thể tham gia mua bán nợ tại Việt Nam.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng các điều kiện quy định tại Nghị định 69 chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ đối với các khoản nợ thông thường. Còn đối với các đơn vị đang tham gia hoạt động mua bán nợ của các tổ chức tín dụng hoặc các khoản nợ khác thì phải tuân theo các điều kiện được quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành. Cụ thể: tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động mua bán nợ theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các quy định của pháp luật có liên quan; tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động mua bán trái phiếu thuộc phạm vi điều chỉnh Luật chứng khoán thực hiện theo quy định của Luật chứng khoán; công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam thực hiện hoạt động mua bán nợ theo quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam; công ty trách nhiệm hữu hạn mua bán nợ Việt Nam thực hiện hoạt động mua bán nợ theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thành lập và hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn mua bán nợ Việt Nam; Sở giao dịch chứng khoán tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán theo quy định của Luật chứng khoán./.
LS. Nguyễn Thị Thơ – Công ty Luật TNHH Vietthink
Cập nhật: 21/07/2017
Lượt xem:9930