Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Những điểm cần lưu ý khi hệ thống nhãn hiệu của liên minh châu âu sửa đổi

Từ ngày 23/03/2016, việc sửa đổi hệ thống nhãn hiệu của Liên minh Châu Âu bắt đầu có hiệu lực. Dưới đây là một số điểm cần lưu ý về các thay đổi mang tính khác biệt.

Tên mới

OHIM (Cơ quan Hài hòa hóa thị trường nội khối châu Âu - Office for Harmonization of the Internal Market) đã được đổi tên thành EUIPO (Cơ quan Sở hữu trí tuệ liên minh Châu Âu - European Union Intellectual Property Office) và CTM (Công đồng nhãn hiệu - Community Trade Mark) đã được đổi tên thành EUTM (Liên minh nhãn hiệu Châu Âu - European Union Trade Mark).

2.   Thay đổi về phí
Hệ thống cũ áp dụng mức phí hành chính chung là €900 để nộp đơn và đăng ký cho một nhãn hiệu có từ một đến ba nhóm sản phẩm/dịch vụ.
Theo quy định của hệ thống mới, mức phí hành chính hiện nay để nộp đơn và đăng ký cho một nhãn hiệu cho mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ. Cụ thể là, mức phí hành chính sẽ giảm hơn so với quy định cũ khi nộp đơn và đăng ký cho một nhóm sản phẩm/dịch vụ (€850) nhưng sẽ cao hơn so với quy định cũ khi nộp đơn và đăng ký cho hai hay nhiều nhóm hơn (thêm €50 cho nhóm thứ hai và từ nhóm từ ba trở đi phí hành chính thêm €150/nhóm sản phẩm/dịch vụ).
Bên cạnh đó, hệ thống nộp phí cho ba nhóm cũng bị hủy đối với việc gia hạn. Cụ thể là, phí hành chính cho việc gia hạn đã được giảm từ €1,350 cho ba nhóm (theo quy định cũ) thành €850 cho việc gia hạn nhóm đầu tiên, €50 cho nhóm thứ hai và €150 cho mỗi nhóm tiếp theo. Tức là khi nhãn hiệu đã được đăng ký trước đây nộp yêu cầu gia hạn từ ngày 23/03/2016, mức phí mới sẽ được áp dụng thay bởi mức phí cũ.

3.   Mô tả sản phẩm/dịch vụ

Theo quy định cũ, EUIPO (trước đây là OHIM) chấp nhận việc đăng ký nhãn hiệu cho toàn bộ sản phẩm/dịch vụ trong phần tiêu đề chung của mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ theo phân loại Quốc tế Nice và phạm vi bảo hộ cho nhãn hiệu như vậy được coi là bao trùm cho tất cả các sản phẩm/dịch vụ trong nhóm sản phẩm/dịch vụ đã được đăng ký.

Theo quy định mới, việc chủ sở hữu đăng ký nhãn hiệu của mình cho tất cả các sản phẩm/dịch vụ liệt kê trong phần tiêu đề chung của mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ theo phân loại Quốc tế Nice không có nghĩa là phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu này bao trùm tất cả các sản phẩm/dịch vụ thuộc nhóm sản phẩm/dịch vụ đã đăng ký. Hay nói cách khác, nếu việc liệt kê sản phẩm/dịch vụ không bao gồm các sản phẩm/dịch vụ cụ thể khác (giống như được nêu trong trong phần liệt kê sản phẩm/dịch vụ chi tiết của bảng phân loại quốc tế Nice – Alphabet classification), phạm vi bảo hộ sẽ không bao trùm cho các sản phẩm/dịch vụ cụ thể này mà phạm vi bảo hộ chỉ bao trùm cho phần sản phẩm/dịch vụ đã liệt kê như trong phần tiêu đề chung của mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ theo phân loại Quốc tế Nice.

Liên quan đến các đơn nhãn hiệu đã được nộp với EUIPO (trước đây là OHIM) trước ngày 22/06/2012 với danh mục sản phẩm/dịch vụ giống như đã liệt kê trong tiêu đề của mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ mà không liệt kê chi tiết từng sản phẩm/dịch vụ, Người nộp đơn có thời hạn là 6 tháng, cụ thể là đến ngày 24/09/2015 để nộp tuyên bố xác nhận việc đăng ký thêm các sản phẩm cụ thể (nếu có nhu cầu). Tuyên bố này có thể nộp trực tuyến qua trang mạng của EUIPO.

 
EUIPO đã có những thay đổi đáng lưu ý trong hệ thống nhãn hiệu của mình.


4.   Thời hạn phản đối
Thời hạn để phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đăng ký Quốc tế chỉ định Châu Âu sẽ là 03 tháng, được tính bắt đầu 01 tháng sau ngày công bố. Tức là thời hạn để phản đối sẽ được giảm đáng kể (trước đây theo quy định cũ là 06 tháng) và việc này sẽ làm thời gian xem xét cấp văn bằng nhanh hơn, giảm bớt thời gian chờ đợi khi đăng ký một nhãn hiệu với EUIPO.

5.   Thời gian chờ trong giai đoạn phản đối

Mục đích của thời gian chờ trong giai đoạn phản đối là để tạo cơ hội cho các bên có thể thỏa thuận để tiến tới một thỏa thuận hòa giải với nhau. Thời gian chờ trong giai đoạn phản đối, theo quy định mới là bắt buộc và thời gian này ít nhất phải kéo dài 02 tháng.

6.   Kết quả tra cứu khi thẩm định nội dung nhãn hiệu

Theo quy định cũ, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về việc cấp/không cấp văn bằng bảo hộ cho một nhãn hiệu, EUIPO (trước đây là OHIM) thường tiến hành tra cứu để tìm các nhãn hiệu đã nộp/đăng ký trước đó (sau đây gọi là “Nhãn hiệu đối chứng”) mà nhãn hiệu xin cấp văn bằng (sau đây gọi là “Nhãn hiệu tra cứu”) bị coi là tương tự gây nhầm lẫn cho các sản phẩm/dịch vụ trùng hoặc liên quan. Sau đó, EUIPO (trước đây là OHIM) sẽ gửi kết quả tra cứu cho các chủ Nhãn hiệu đối chứng để thông báo về việc Nhãn hiệu tra cứu bị coi là tương tự gây nhầm lẫn với các Nhãn hiệu đối chứng để các chủ Nhãn hiệu đối chứng kịp thời phản đối việc cấp văn bằng cho Nhãn hiệu tra cứu.

Tuy nhiên, theo quy định mới, kết quả tra cứu như nêu trên chỉ còn là “tùy chọn”, tức là không bắt buộc EUIPO phải thông báo với chủ các Nhãn hiệu đối chứng về các nhãn hiệu nộp sau. Điều này có nghĩa là chủ các nhãn hiệu đã được nộp đơn/đăng ký tại Châu Âu cần phải xem xét chính sách thực hiện việc theo dõi các nhãn hiệu nộp sau mà tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đã nộp đơn/đăng ký của họ để kịp thời nộp phản đối cấp văn bằng bảo hộ cho các đơn nhãn hiệu này và cũng là để bảo vệ quyền của họ đối với các nhãn hiệu đã đăng ký tại Châu Âu.

7.   Nhãn hiệu nổi tiếng

Nhãn hiệu nổi tiếng với với danh tiếng được biết đến rộng rãi (thậm chí chưa/không đăng ký) sẽ có phạm vi bảo hộ rộng hơn. Ví dụ, có thể dựa trên lý do nhãn hiệu nổi tiếng để phản đối hoặc chấm dứt hiệu lực một nhãn hiệu khác cho các sản phẩm/dịch vụ tương tự hoặc không tương tự hoặc không bao gồm trong danh mục sản phẩm/dịch vụ đã đăng ký cho nhãn hiệu nổi tiếng đó.

8.   Chứng minh việc sử dụng
Bằng chứng về việc sử dụng nhãn hiệu trong thời gian 05 năm liên tục trong giai đoạn phản đối, theo quy định mới, sẽ được tính từ ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của nhãn hiệu bị phản đối, thay vì ngày công bố đơn.

9.   Các nhãn hiệu phi truyền thống

Không cần thiết phải là nhãn hiệu có trình bày dưới dạng hình ảnh mới được đăng ký như một nhãn hiệu. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu âm thanh hoặc nhãn hiệu mùi và tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc đăng ký nhãn hiệu hình ảnh động với EUIPO.

10. Quyền ưu tiên
Theo quy định mới, quyền ưu tiên bắt buộc phải được chỉ định/nộp cùng với đơn đăng ký nhãn hiệu với EUIPO cụ thể là ngày, số đơn ưu tiên và quốc gia của đơn ưu tiên phải được nêu ngay khi đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp với EUIPO, thay vì việc bổ sung quyền ưu tiên sau khi nộp đơn đăng ký với EUIPO so với quy định cũ. Tuy nhiên, tài liệu liên quan đến quyền ưu tiên có thể bổ sung sau đó với EUIPO trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày nộp đơn.

11. Tên gọi xuất xứ hàng hóa
Tên gọi xuất xứ hàng hóa và chỉ dẫn địa lý sẽ được chấp nhận như là căn cứ để phản đối hoặc hủy bỏ hiệu lực của nhãn hiệu hàng hoá mà bao gồm tên gọi xuất xứ và chỉ dẫn địa lý đó. Đây cũng có thể được coi là một lý do để từ chối nhãn hiệu của EUIPO.

12. Quảng cáo mang tính chất so sánh
Theo quy định mới, việc sử dụng nhãn hiệu đã được đăng ký tại Châu Âu để so sánh trong quảng cáo có thể bị coi là hành vi vi phạm quyền nhãn hiệu.

13. Hàng hóa quá cảnh

Theo quy định mới, việc bắt hàng giả/hàng hóa vi phạm quyền các nhãn hiệu đã được đăng ký tại Châu Âu quá cảnh qua Châu Âu là hoàn toàn có thể được thực hiện, thậm chí kể cả trong trường hợp các hàng hóa này không được nhắm đến thị trường Châu Âu.

_________________________

Vân Anh – Công ty Luật TNHH Vietthink

Tài liệu tham khảo:

  • Bài tham luận của Bà Irene Ezratty-Farhi (Ezratty-Farhi Law Firm & Notary)
  • Quy định sửa đổi của EUIPO.
Cập nhật: 04/10/2016
Lượt xem:10327