Tin Liên Quan

Vietthink's Brochure 2017

IP Brochure

Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất từ 01/7/2025: Những điểm nghẽn được tháo gỡ

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật số 90/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư công, Luật quản lý, sử dụng tài sản công (sau đây gọi tắt là “Luật sửa đổi 8 luật”). Luật này đã bổ sung, sửa đổi nhiều quy định quan trọng nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn, hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư, đấu thầu, quản lý tài sản công, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Trong đó, các nội dung điều chỉnh, bổ sung về việc lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu là một trong những điểm nổi bật, thể hiện rõ tinh tuần đột phá trong việc tháo gỡ các rào cản về thể chế, tăng cường phân quyền và tạo môi trường pháp lý linh hoạt hơn cho nhà đầu tư phát triển.

Trong khuôn khổ bài viết, tác giả sẽ phân tích các nội dung liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đấu thầu được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi 8 luật, đồng thời cập nhật các quy định tại dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành hiện đang được thẩm định. Nội dung chi tiết sẽ được tiếp tục cập nhật khi Chính phủ chính thức ban hành Nghị định hướng dẫn này.

Trong hoạt động lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đấu thầu, Luật sửa đổi 8 luật đã bổ sung nhiều điểm mới quan trọng, đặc biệt là việc mở rộng các trường hợp được áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Những quy định mới này không chỉ đa dạng hóa các hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo hướng phù hợp với thực tiễn, mà còn thiết lập cơ chế linh hoạt và chủ động hơn cho các cơ quan có thẩm quyền.

Dưới đây là các nội dung sửa đổi, bổ sung đáng chú ý của Luật sửa đổi 8 luật liên quan đến hoạt động lựa chọn nhà đầu tư:

1.    1. Bổ sung hình thức chỉ định nhà đầu tư theo Luật Đấu thầu

Luật sửa đổi 8 luật đã bổ sung hình thức “chỉ định nhà đầu tư” tại Điều 34 Luật Đấu thầu, qua đó hoàn hiện các hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đấu thầu, bao gồm:

(1)   (1) Đấu thầu rộng rãi,

(2)   (2) Đấu thầu hạn chế,

(3)   (3) Chỉ định nhà đầu tư, và

(4)   (4) Lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

Các trường hợp áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế vẫn thực hiện theo các quy định tại Luật Đấu thầu 2023. Đối với hình thức chỉ định nhà đầu tư, Luật sửa đổi 8 luật đã bổ sung quy định tại Điều 34 Luật Đấu thầu về các trường hợp được áp dụng hình thức này như sau:

20. Bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 34 như sau:

2a. Chỉ định nhà đầu tư:

a) Chỉ định nhà đầu tư được áp dụng đối với dự án đầu tư kinh doanh cần thực hiện trong các trường hợp: dự án do nhà đầu tư đề xuất mà nhà đầu tư có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng công nghệ chiến lược; dự án cần tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư trước đó đã triển khai hạ tầng số, nền tảng số nhằm bảo đảm tương thích, đồng bộ, kết nối về kỹ thuật; dự án đầu tư kinh doanh cần đẩy nhanh tiến độ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích quốc gia do nhà đầu tư đề xuất theo quy định của Chính phủ;

b) Cơ quan có thẩm quyền quyết định việc áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đối với dự án quy định tại điểm a khoản này.”

Chỉ định nhà đầu tư” là hình thức lựa chọn nhà đầu tư lần đầu được ghi nhận chính thức tại Luật Đấu thầu, tạo ra sự đồng bộ giữa các luật liên quan. Theo đó, hình thức chỉ định nhà đầu tư được áp dụng đối với các trường hợp như nhà đầu tư đề xuất dự án có quyền sở hữu công nghệ hoặc quyền sử dụng công nghệ chiến lược, dự án cần tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư trước đó để đảm bảo tính tương thích, đồng bộ về kỹ thuật,…

Về thẩm quyền quyết định áp dụng áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư, Luật sửa đổi 8 luật cũng đã có nội dung bổ sung về “cơ quan có thẩm quyền”.Theo đó, cơ quan có thẩm quyền được xác định là “cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc cơ quan quyết định tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền là cơ quan quyết định tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư”. Quy định này đã làm rõ trách nhiệm và thẩm quyền của các cơ quan Nhà nước trong việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định nhà đầu tư, đồng thời bảo đảm tính minh bạch, phân cấp hợp lý và phù hợp với tính chất của từng loại dự án.

Hiện, Bộ Tài chính đang là cơ quan chủ trì xây dựng và trình thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 23/2024, Nghị định 115/2024/NĐ-CP (“Dự thảo Nghị định”). Dự thảo Nghị định được Bộ Tài chính trình thẩm định cập nhật ngày 27/6/2025 có bổ sung Chương IVb về chỉ định nhà đầu tư, theo đó chi tiết về các trường hợp áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư; quy trình chỉ định nhà đầu tư thông thường; quy trình chỉ định nhà đầu tư rút gọn. Chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích, cập nhật các nội dung này khi Nghị định được chính thức ban hành.

(Chi tiết xem thêm tại Công văn 9419/BTC-QLĐT của Bộ Tài chính ngày 27/6/2025 gửi Bộ Tư pháp về việc xin ý kiến thẩm định về hồ sơ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 23/2024/NĐ-CP, Nghị định số 115/2024/NĐ-CP)

2.    2. Bổ sung quy định chi tiết về hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt

Hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đã được bổ sung tại Luật Đấu thầu theo Luật số 57/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu như sau:

Điều 34a. Lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt:

1.Việc lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt được áp dụng đối với dự án đầu tư kinh doanh có một hoặc một số yêu cầu, điều kiện đặc thù về thủ tục đầu tư;thủ tục giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển; thủ tục, phương pháp, tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư và nội dung hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh hoặc yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, biên giới lãnh thổ, lợi ích quốc gia, thực hiện nhiệm vụ chính trị của quốc gia mà không thể áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà đầu tư quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 34 của Luật này.”

Đến Luật sửa đổi 8 luật, các trường hợp được áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo Luật Đấu thầu tiếp tục được sửa đổi, bổ sung như sau:

“21. Sửa đổi, bổ sung Điều 34a như sau:

“Điều 34a. Lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt

1. Việc lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt được áp dụng đối với dự án đầu tư kinh doanh có một trong các điều kiện sau đây:

a) Có yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, biên giới lãnh thổ, lợi ích quốc gia, thực hiện nhiệm vụ chính trị của quốc gia;

b) Có yêu cầu thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ để thực hiện dự án thuộc các lĩnh vực chiến lược, các dự án đầu tư phát triển trọng điểm,quan trọng quốc gia trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo;

c) Có yêu cầu đặc thù về thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, thủ tục giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biên hoặc có điều kiện đặc thù khác mà nếu áp dụng một trong các hình thức lựa chọn nhà đầu tư quy định tại các khoản 1, 2 và 2a Điều 34 của Luật này thì không đáp ứng được yêu cầu thực hiện dự án.

2. Cơ quan có thẩm quyền quyết định việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”

So với quy định tại Luật số 57/2024/QH15, phạm vi áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đã bổ sung trường hợp dự án đầu tư kinh doanh “có yêu cầu thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ để thực hiện dự án thuộc các lĩnh vực chiến lược, các dự án đầu tư phát triển trọng điểm, quan trọng quốc gia trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, thể hiện sự linh hoạt trong chính sách pháp luật và định hướng của Nhà nước trong việc ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực có tính chất nền tảng và tạo động lực phát triển bền vững như khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Quy định về hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo Luật PPP cũng được điều chỉnh tương ứng tại Luật sửa đổi 8 luật, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ và nhất quán trong hoạt động lựa chọn nhà đầu tư.

Quy định về hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt trên góp phần giải quyết khoảng trống pháp lý trong việc lựa chọn các nhà đầu tư cho các dự án không phù hợp với quy trình đấu thầu thông thường, các dự án có tính chất chiến lược, phức tạp, cấp bách, từ đó đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm. Trên cơ sở quy định trên của Luật sửa đổi 8 luật, Dự thảo Nghị định của Bộ Tài chính trình thẩm định ngày 27/6/2025 cũng đã chi tiết các trường hợp dự án có yêu cầu đặc thù về thủ tục đầu tư, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư hoặc có điều kiện đặc thù khác như dự án điện gió ngoài khơi theo quy định của pháp luật về điện lực; dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử.

Chúng tôi sẽ tiếp tục có các bài viết để cập nhật các nội dung chi tiết về quy trình, thủ tục các bước, thẩm quyền, cơ chế giám sát,… đối với từng hình thức lựa chọn nhà đầu tư khi Nghị định hướng dẫn của Chính phủ được ban hành.

Kết luận: Luật sửa đổi 8 luật cùng các nghị định hướng dẫn thi hành là những nội dung quan trọng nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm góp phần đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Nghị định hướng dẫn thi hành hiện đang trong quá trình thẩm định cũng được kỳ vọng sớm ban hành để nhà đầu tư, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có cơ sở thực hiện.

Luật sư Nguyễn Thị Hương - Công ty Luật TNHH Vietthink 

#diemmoi #luatdauthau #luachonnhadautu #luatsuadoi8luat

Cập nhật: 11/07/2025
Lượt xem:154