Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Nghị định số 92/2016/NĐ-CP - Bài 3: Quy định về tuổi tàu bay đã qua sử dụng về Việt Nam trước yêu cầu hội nhập

Hiện nay Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực vận tải hàng không (“Nghị định 92”). Một trong những vấn đề nhận được quan tâm đặc biệt của công chúng là đề xuất về việc tăng tuổi tàu bay đã qua sử dụng được các hãng hàng không nhập khẩu về Việt Nam. 
Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 92, tuổi của tàu bay đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam được quy định như sau: a) Đối với tàu bay thực hiện vận chuyển hành khách: Không quá 10 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; không quá 20 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê. Riêng đối với tàu bay trực thăng không quá 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê; b) Đối với tàu bay vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, kinh doanh hàng không chung: Không quá 15 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; không quá 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê.
Liên quan đến sửa đổi quy định về tuổi tàu bay đã qua sử dụng nhập khẩu về Việt Nam, hiện đang tồn tại hai quan điểm trái ngược nhau. 

Quan điểm thứ nhất cho rằng nên giữ nguyên quy định về tuổi tàu bay như trong Nghị định 92, thậm chí quy định rút ngắn hơn để gây áp lực buộc các hãng hàng không hoạt động tại Việt Nam phải thường xuyên nâng cấp đội tàu bay nhằm đảm bảo an toàn hàng không và nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực. Hiện các hãng hàng không được SkyTrax công nhận tiêu chuẩn 5 sao (như: All Nippon Airways và Japan Airlines của Nhật Bản, Asiana Airlines của Hàn Quốc, Cathay Pacific Airways của Hong Kong, EVA Air của Đài Loan, Lufthansa của Đức, Singapore Airlines của Singapore…) đều sở hữu đội tàu bay hiện đại thế hệ mới như Boeing 777, 787; Airbus A 320/321, A350, A 380… với tuổi tàu bay dao động trung bình từ 5,4 năm (EVA Air) đến 12 năm (Lufthansa). 
Quan điểm thứ hai lại cho rằng nên sửa quy định theo hướng tăng tuổi tàu bay do các hãng hàng không khai thác cho phù hợp với thông lệ quốc tế và thúc đẩy phát triển đội tàu bay trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường vận tải hàng không đang bùng nổ. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang tiếp cận theo quan điểm thứ hai cho việc sửa đổi Nghị định 92. Theo đó Bộ này đề xuất nâng tuổi tàu bay vận chuyển hành khách từ 20 lên 25 năm và nâng tuổi tàu bay chuyên chở hàng hoá từ 25 năm lên 35 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê.

Thông lệ các nước về tuổi tàu bay:  Áp dụng linh hoạt
Theo một thống kê gần đây của Hãng Boeing, tuổi khai thác trung bình của tàu bay thân hẹp là 28 năm và tàu bay thân rộng là 25 năm đối với tàu bay chuyên chở hành khách; và tuổi khai thác trung bình tương ứng là 38 năm và 31 năm đối với tàu bay chuyên chở hàng hoá. Còn theo một báo cáo được phát hành năm 2016 của SGI Aviation – tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn kỹ thuật trong các lĩnh vực tàu bay, quản lý động cơ và các quy định an toàn hàng không của Singapore về độ tuổi tàu bay thì:
- Độ tuổi hoạt động trung bình của tàu bay thương mại trong vòng 36 năm qua, từ năm 1980 đến năm 2015 là 26,5 năm; trong đó, độ tuổi khai thác trung bình đối với tàu bay chở khách là 25,1 năm;
- Có 10% số tàu bay dừng cung cấp dịch vụ sau khi hoạt động 37 năm;
- Có trên 50% số tàu bay vẫn đang hoạt động sau khi khai thác 25 năm; con số tàu bay hoạt động sau khi khai thác 29 năm là khoảng gần 50%

 
Nguồn: SGI Aviation (2016), Retirement by Age, Type and Region

Trong khi đó, theo một nghiên cứu được thực hiện tại Australia, trên 80% tàu bay cánh cố định động cơ piston đơn và đa động cơ có tuổi trên 20 năm vẫn được tiếp tục khai thác tại quốc gia này trong giai đoạn 1995 -2005.

 
Nguồn: Australian Transport Safety Bureau (2005): How old is too old? The impact of aging aircraft on aviation safety.

Cũng theo Báo cáo trên, tuổi của tàu bay được tính dựa trên nhiều yếu tố, như: tuổi theo thời gian, số lượng chuyến bay và giờ bay. Việc tính tuổi tàu bay khá phức tạp vì mỗi loại tàu bay khác nhau cũng có thời gian khai thác khác nhau, thậm chí ở mỗi hãng hàng không thì tần suất khai thác tàu bay cũng khác nhau. Do vậy việc áp dụng các tiêu chí định lượng (số năm kể từ ngày xuất xưởng) để xác định tuổi tàu bay thường là không chính xác. Về góc độ an toàn hàng không, việc thời gian khai thác tàu bay dài hay ngắn không quan trọng, mà quan trọng hơn là việc tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng đối với tàu bay trong quá trình khai thác. Ở hầu hết các nước đều có quy định khi tàu bay đã qua thời gian sử dụng thì việc thực hiện bảo trì, bảo dưỡng toàn bộ tàu bay là yêu cầu bắt buộc đối với đơn vị khai thác. 
Chẳng hạn, theo Luật an toàn đối với tàu bay đã qua khai thác được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua và ban hành bởi Cục quản lý Hàng không Liên bang vào năm 1991, sửa đổi tháng 2/2005 (Ageing Airplane Safety Rule), tuổi khai thác của tàu bay không bị giới hạn mà chỉ có quy định về việc tàu bay sau khi khai thác được 14 năm thì phải tiến hành bảo trì, bảo dưỡng định kỳ 7 năm/lần.
Còn theo Quy chế của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu ngày 4/7/2018 về các quy tắc chung trong lĩnh vực hàng không dân dụng và thiết lập Cơ quan An toàn hàng không của Liên minh Châu Âu và sửa đổi các quy định trước đây của Hội đồng Châu Âu, không có quy định nào hạn chế tuổi tàu bay từ khi xuất xưởng đến thời điểm hết hạn hợp đồng thuê. 
Từ các ví dụ nêu trên có thể nhận thấy hầu hết các quốc gia trên thế giới hoặc là không quy định giới hạn thời gian khai thác của tàu bay, hoặc quy định tuổi thọ tàu bay dài hơn so với Việt Nam. Thay vào đó, các nước đều chú trọng đến yếu tố an toàn khai thác của tàu bay bằng việc quy định về yêu cầu bảo trì, bão dưỡng định kỳ bắt buộc đối với các đơn vị khai thác. Việc bảo trì thường xuyên sẽ giúp nâng tuổi thọ của máy bay, kéo dài thời gian khai thác và tiết kiệm chi phí.
Một giải pháp khác cũng được các hãng hàng không trên thế giới áp dụng khá phổ biến là chuyển đổi tàu bay chở khách sau khi khai thác một thời gian thành tàu bay vận chuyển hàng hoá. Theo báo cáo của SGI đã trích dẫn ở trên, từ năm 1980 đến năm 2015, đã có 1046 tàu bay chở khách đã được chuyển thành tàu bay vận chuyển hàng hoá, chiếm 39% số tàu bay chở hành khách dừng khai thác. Nhờ vậy, tuổi thọ của tàu bay được chuyển đổi cũng kéo dài thêm từ 10 đến 20 năm, đem lại lợi ích kinh tế đáng kể. Số liệu chi tiết được thể hiện tại biểu đồ dưới đây:


Nguồn: SGI Aviation (2016), Retirement by Age, Type and Region

Thực tiễn tại Việt Nam: Áp lực tăng tuổi tàu bay
Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị trường vận tải hàng không thuộc top đầu của thế giới, cả về vận tải hành khách lẫn vận tải hàng hóa. Trong khi đó, số lượng tàu bay đang khai thác của các hãng hàng không trong nước hiện tại còn khá ít so với khu vực, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải đang gia tăng nhanh chóng, dẫn đến tình trạng chậm chuyến, hoãn, hủy chuyển xảy ra thường xuyên. Thực tế cho thấy, với nguồn lực tài chính còn hạn chế như hiện nay, các hãng hàng không nội địa chưa có điều kiện để mua sắm đội tàu bay mới, hiện đại với số lượng lớn. Thay vào đó, các hãng này chủ yếu phát triển đội tàu bay của mình bằng việc đi thuê (thuê ướt, thuê khô) của các nhà khai thác quốc tế. Tuy nhiên, các hãng hàng không Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc phát triển đội tàu bay vì không tìm được tàu bay đáp ứng đủ điều kiện về tuổi theo quy định tại Nghị định 92. Do đó, chưa hãng nào xây dựng được đội tàu bay chở hàng riêng theo định hướng phát triển đội tàu bay được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 về việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Điều đáng nói hơn, việc quy định giới hạn và cách tính tuổi tàu bay từ khi xuất xưởng đến thời điểm hết hạn hợp đồng thuê như tại điểm a, b Khoản 2 Điều 6 Nghị định 92 vừa thiếu chính xác, vừa không phù hợp với thông lệ quốc tế. 
Trước thực trạng đó, việc quy định tăng tuổi tàu bay là một giải pháp để tăng thêm sự lựa chọn của các hãng hàng không nội địa trong quá trình đàm phán, thương lượng với các hãng cho thuê tàu bay, đặc biệt trong những dịp cao điểm như lễ, tết với thời gian thuê ngắn để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Từ đó, mang lại lợi ích trực tiếp đến cho các hãng hàng không qua việc tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Việc nâng độ tuổi tàu bay cũng là một hành động cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ Về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.
Theo quan điểm của một số chuyên gia về lĩnh vực hàng không, trong trường hợp các hãng hàng không đáp ứng các điều kiện về an toàn bay, bao gồm cả điều kiện về quy trình bảo trì, bảo dưỡng tàu bay, thì việc nới rộng tuổi tàu bay chuyên chở hành khách từ không quá 20 năm lên không quá 25 năm và tuổi tàu bay chuyên chở hàng hóa tăng từ không quá 25 năm lên không quá 35 năm kể từ thời điểm xuất xưởng đến thời điểm hết hạn của hợp đồng thuê tàu bay là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với thực tế của Việt Nam cũng như xu hướng chung của các nước trên thế giới. Do vậy, Chính phủ cần xem xét và sớm thể chế hóa thành quy định cụ thể để áp dụng trong thực tiễn./.
Th.sỹ Nguyễn Thanh Hà – Th. Sỹ Cao Thị Hòa - Công ty Luật TNHH Vietthink

Xem thêm các bài viết khác có nội dung liên quan tại: 
Nghị định số 92/2016/NĐ-CP - Kỳ 1: Bỏ hạn chế chuyển nhượng cổ phần của DN vận tải hàng không cho nhà đầu tư nước ngoài: Nên hay không?
Nghị định số 92/2016/NĐ-CP - Kỳ 2: Nâng sở hữu của bên nước ngoài trong DN vận tải hàng không: 34% hay 49%?

Cập nhật: 31/10/2018
Lượt xem:9655