Tin Liên Quan

Vietthink's Brochure 2017

IP Brochure

Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2022 và Nghị định 17/2023

Khi phát hiện một hành vi nghi ngờ xâm phạm quyền tác giả của mình hoặc khi bị một cá nhân, tổ chức khác yêu cầu xử lý xâm phạm quyền tác giả; cho dù đứng ở cương vị là người yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm hay người bị yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm thì đều cần nắm rõ quy định về xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình. Các bước thực hiện lần lượt bao gồm:

1. Bước 1: Xác định có hay không có hành vi xâm phạm.

Đầu tiên,
để xác định có hay không có hành vi xâm phạm, đầu tiên phải xác định xem đối tượng bị xem xét có thuộc phạm vi các đối tượng được bảo hộ quyền tác giả theo quy định hay không.
Tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm:
  • Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
  • Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
  • Tác phẩm báo chí;
  • Tác phẩm âm nhạc;
  • Tác phẩm sân khấu;
  • Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự;
  • Tác phẩm mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng;
  • Tác phẩm nhiếp ảnh;
  • Tác phẩm kiến trúc;
  • Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;
  • Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
  • Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
Thứ hai, cần xác định xem người yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm có phải là chủ sở hữu thực sự (chủ thể) của quyền tác giả bằng cách xem người yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm có cung cấp được một trong các tài liệu/chứng cứ được liệt kê dưới đây hay không:
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả kèm theo bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực theo quy định; HOẶC
  • Bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả hoặc chứng thực bản quyền do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; HOẶC
  • Bản gốc hoặc bản sao tác phẩm có nêu tên chủ thể quyền (thông thường là nêu tên tác giả, nhà sản xuất tác phẩm điện ảnh, nhà xuất bản); HOẶC
  • Các tài liệu khác chứng minh việc tạo ra, công bố, biểu diễn, phân phối, phát sóng, truyền đạt các đối tượng nêu trên và các tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có); HOẶC
  • Bản gốc hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hoặc hợp pháp hóa lãnh sự đối với hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, mua bán, góp vốn, hợp đồng chuyển quyền sử dụng quyền tác giả hoặc văn bản xác định quyền thừa kế, quyền kế thừa đối với trường hợp người yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm là người được chuyển giao quyền tác giả được thừa kế hoặc kế thừa.


(Nguồn: Vietthink)

Thứ ba, sau khi xác định được người yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm đúng là chủ thể quyền tác giả, việc tiếp theo cần xác định là có hay không có hành vi xâm phạm quyền tác giả. Hành vi xâm phạm quyền tác giả là một trong các hành vi được liệt kê dưới đây:
  • Xâm phạm quyền đặt tên cho tác phẩm: Thay đổi tên tác phẩm mà không được phép của tác giả, đồng tác giả, trừ trường hợp tác phẩm dịch hoặc pháp luật có quy định khác;
  • Xâm phạm quyền đứng tên, nêu tên trên tác phẩm: Mạo danh tác giả, giả mạo tên, chữ ký tác giả, không nêu hoặc cố ý nêu sai tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ tác phẩm khi khai thác, sử dụng;
  • Xâm phạm quyền công bố tác phẩm: Công bố tác phẩm mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả; chiếm đoạt quyền tác giả;
  • Xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả: Xuyên tạc tác phẩm; sửa đổi, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả;
  • Xâm phạm quyền làm tác phẩm phái sinh: Tác phẩm đã có được sử dụng làm tác phẩm phái sinh mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật;
  • Xâm phạm quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng: Biểu diễn, đọc, trưng bày, triển lãm, trình chiếu, trình diễn tác phẩm tại nơi công cộng hoặc nơi bán vé, thu tiền vào cửa mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả và các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật theo quy định của pháp luật;
  • Xâm phạm quyền sao chép tác phẩm: Nhân bản, tạo bản sao tác phẩm mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật; sao chép phần tác phẩm, trích đoạn, lắp ghép mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp: sao chép tác phẩm chỉ để thực hiện các quyền khác theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, sao chép tạm thời theo một quy trình công nghệ, trong quá trình hoạt động của các thiết bị để truyền phát trong một mạng lưới giữa các bên thứ ba thông qua trung gian hoặc sử dụng hợp pháp tác phẩm, không có mục đích kinh tế độc lập và bản sao bị tự động xóa bỏ, không có khả năng phục hồi lại; và các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả và các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật theo quy định của pháp luật;  
  • Xâm phạm quyền phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng: Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng bản gốc, bản sao hữu hình tác phẩm mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp: phân phối lần tiếp theo, nhập khẩu để phân phối đối với bản gốc, bản sao tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc cho phép thực hiện việc phân phối; và các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật theo quy định của pháp luật;  
  • Xâm phạm quyền phát sóng, truyền đạt đến công chúng: Phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm qua mạng viễn thông và mạng Internet mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả và các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật theo quy định của pháp luật;
  • Xâm phạm quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính: Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật;
  • Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm pháp lý trong các trường hợp: (i) các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm, và không được mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm và không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, (ii) trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật; (iii) các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền, phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm, không được mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm và không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; (iv) trường hợp đối với quyền dịch tác phẩm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và quyền sao chép để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại; (v) trường hợp đối với tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác, sử dụng tác phẩm đã công bố của tổ chức, cá nhân Việt Nam nhưng không thể tìm được hoặc không xác định được chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật;
  • Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ hữu hiệu do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện trên bản gốc, bản sao tác phẩm để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp: sao chép tác phẩm chỉ để thực hiện các quyền khác theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, sao chép tạm thời theo một quy trình công nghệ, trong quá trình hoạt động của các thiết bị để truyền phát trong một mạng lưới giữa các bên thứ ba thông qua trung gian hoặc sử dụng hợp pháp tác phẩm, không có mục đích kinh tế độc lập và bản sao bị tự động xóa bỏ, không có khả năng phục hồi lại; phân phối lần tiếp theo, nhập khẩu để phân phối đối với bản gốc, bản sao tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc cho phép thực hiện việc phân phối; và các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả và các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật theo quy định của pháp luật;
  • Sản xuất, phân phối, nhập khẩu, chào bán, bán, quảng bá, quảng cáo, tiếp thị, cho thuê hoặc tàng trữ nhằm mục đích thương mại các thiết bị, sản phẩm hoặc linh kiện, giới thiệu hoặc cung cấp dịch vụ khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị, sản phẩm, linh kiện hoặc dịch vụ đó được sản xuất, sử dụng nhằm vô hiệu hóa biện pháp công nghệ hữu hiệu bảo vệ quyền tác giả theo quy định của pháp luật;
  • Cố ý xóa, gỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật;
  • Cố ý phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát sóng, truyền đạt hoặc cung cấp đến công chúng bản sao tác phẩm khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền đã bị xóa, gỡ bỏ, thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật;
  • Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong trường hợp đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet liên quan đến việc cung cấp hoặc sử dụng dịch vụ của mình theo quy định của pháp luật.

(Nguồn: Internet)

Thứ tư, nếu xác định là có hành vi xâm phạm thì bước tiếp theo là xác định xem hành vi xâm phạm có xảy ra tại Việt Nam hay không. Hành vi xâm phạm cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet mà người tiêu dùng hoặc người khai thác, sử dụng nội dung thông tin số tại Việt Nam.
Kết lại, nếu một hành vi bị coi là xâm phạm quyền tác giả nếu các câu trả lời cho tất cả các phần nêu trên là đều là CÓ. Còn trong trường hợp, chỉ cần một trong các yếu tố nêu trên không đáp ứng thì có thể được xem là không có hành vi xâm phạm xảy ra. 

2. Bước 2: Các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm trong trường hợp có hành vi xâm phạm.

Người bị xâm phạm quyền tác giả có thể thực hiện việc xử lý người có hành vi xâm phạm quyền tác giả bằng biện pháp hành chính HOẶC biện pháp hình sự VÀ/HOẶC biện pháp dân sự. Điều này đồng nghĩa kể cả trong trường hợp người có hành vi xâm phạm quyền tác giả đã bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự vẫn có thể bị người bị xâm phạm quyền tác giả khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu áp dụng các biện pháp dân sự để xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả đã bị xử phạt đó.

Đối với các biện pháp hành chính,
các hình thức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định cụ thể, chi tiết trong Luật Xử lý vi phạm hành chính; các văn bản hướng dẫn thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính; và Nghị định 131/2013.

Đối với các biện pháp hình sự,
tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại Điều 225 Bộ luật hình sự 2015, chi tiết như sau:

Điều 225. Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan
1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;
b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

Đối với các biện pháp dân sự,
người bị xâm phạm quyền tác giả khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu áp dụng các biện pháp dân sự đối với người có hành vi xâm phạm quyền tác giả để xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả. Cụ thể các biện pháp dân sự có thể yêu cầu áp dụng là:
  • Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
  • Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
  • Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
  • Buộc bồi thường thiệt hại: Các khoản thiệt hại có thể yêu cầu bồi thường:
    • Thiệt hại về vật chất:
      • Tổn thất về tài sản;
      • Mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận;
      • Tổn thất về cơ hội kinh doanh;
      • Chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại;
    • Thiệt hại về tinh thần: Chi phí hợp lý để thuê luật sư.
  • Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Cũng xin lưu ý rằng tổ chức, cá nhân là bị đơn trong vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu được Tòa án kết luận là không thực hiện hành vi xâm phạm có quyền yêu cầu Tòa án buộc nguyên đơn thanh toán cho mình chi phí hợp lý để thuê luật sư hoặc các chi phí khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cũng xin lưu ý thêm rằng, tổ chức, cá nhân lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì tổ chức, cá nhân bị thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên lạm dụng thủ tục đó phải bồi thường cho những thiệt hại do việc lạm dụng gây ra, trong đó bao gồm chi phí hợp lý để thuê luật sư. Hành vi lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bao gồm hành vi cố ý vượt quá phạm vi hoặc mục tiêu của thủ tục này.

3. Ý nghĩa của việc nắm được quy định về việc xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả.  

Thực trạng xâm phạm quyền tác giả (dù là cố tình hay vô ý) hiện nay đối với tất cả các thể loại tác phẩm, dù là tác phẩm khoa học hay tác phẩm nghệ thuật đều diễn ra rất nhiều. Do vậy, việc nắm được quy định về việc xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả có ý nghĩa giúp các chủ thể của quyền tác giả (chủ sở hữu, đồng chủ sở hữu, tác giả, đồng tác giả) bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình một cách tốt nhất; và đồng thời có thể sử dụng các biện pháp/chế tài hợp lý để xử lý đối với từng hành vi xâm phạm tác phẩm của mình. Còn ở chiều ngược lại, đối với các cá nhân, tổ chức không phải là chủ sở hữu, hoặc tác giả của một tác phẩm một khi có ý định sử dụng một tác phẩm của chủ sở hữu, tác giả khác sẽ biết cách thức để có thể sử dụng tác phẩm này một cách hợp pháp và không xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm của chủ sở hữu, tác giả này để tránh việc sẽ có thể bị xử lý xâm phạm. Còn trong trường hợp đã có hành vi xâm phạm quyền tác giả xảy ra, thì việc nắm được quy định về việc xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, ở một chừng mực nào đó, có thể sẽ giúp người có hành vi xâm phạm quyền tác giả có những ứng xử một cách phù hợp, hợp pháp và hợp lý nhằm để giúp các chủ thể này hạn chế được các chế tài và mức bồi thường thiệt hại phải chịu. 

Huỳnh Đặng Hoàng Mai - Công ty Luật TNHH Vietthink

Tài liệu tham khảo:
  1. Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 của Quốc hội,  có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2006, được sửa đổi, bổ sung bởi: 1. Luật số 36/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2010; 2. Luật số 42/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2019; 3. Luật số 07/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 (“Luật SHTT hiện hành” hoặc “Luật SHTT 2022”);
  2. Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, có hiệu lực kể từ ngày 26 tháng 4 năm 2023 (“Nghị định số 17/2023”).
  3. Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013, được sửa đổi, bổ sung bởi: 1. Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015; 2. Luật Thủy sản số 18/2017/QH14 ngày 21 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019; 3. Luật số 67/2020/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022  (“Luật Xử lý vi phạm hành chính ”);
  4. Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 12 năm 2013, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 3 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 5 năm 2017  (“Nghị định 131/2013”);
  5. Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018[1], được sửa đổi, bổ sung bởi: Luật số 12/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 (“Bộ luật Hình sự 2015”).

Cập nhật: 22/02/2024
Lượt xem:2306