Tin Liên Quan

Vietthink's Brochure 2017

IP Brochure

Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư

Ngày 29/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ("Nghị định 35/2021/NĐ-CP"). Nghị định 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ("Luật PPP") về lĩnh vực đầu tư, quy mô dự án PPP; Hội đồng thẩm định dự án PPP; các nội dung trong chuẩn bị dự án PPP; lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP; xác nhận hoàn thành và chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; chấm dứt hợp đồng dự án PPP; xử lý tình huống, xử lý vi phạm trong đầu tư theo phương thức PPP. 


Nguồn: Internet

Nghị định 35/2021/NĐ-CP có một số điểm mới nổi bật như sau: 
Thứ nhất, Nghị định quy định và phân loại chi tiết 6 nhóm lĩnh vực đầu tư với quy mô dự án tương ứng làm cơ sở rõ ràng để xác định các loại dự án thực hiện theo phương thức PPP bao gồm:
  • Dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải bao gồm đường bộ; đường sắt; đường thủy nội địa; hàng hải; hàng không có tổng mức đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên;
  • Dự án Lưới điện, nhà máy điện trong các lĩnh vực: năng lượng tái tạo; nhiệt điện than; nhiệt điện khí (bao gồm cả khí tự nhiên hóa lỏng - LNG); điện hạt nhân; lưới điện; trừ các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực với tổng mức đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên; riêng dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo có tổng mức đầu tư từ 500 tỷ đồng trở lên;
  • Dự án thủy lợi; cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải có tổng mức đầu tư từ 200 tỷ đồng trở lên;
  • Dự án trong lĩnh vực y tế gồm: cơ sở khám chữa bệnh; y tế dự phòng; kiểm nghiệm có tổng mức đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên;
  • Dự án Giáo dục - đào tạo đối với: cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp có tổng mức đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên;
  • Dự án Hạ tầng công nghệ thông tin bao gồm: hạ tầng thông tin số, kinh tế số; hiện đại hóa công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng và Nhà nước; ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu, trung tâm dữ liệu; các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ quốc gia dùng chung; an toàn, an ninh mạng; hệ thống ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp; hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông (ICT) cho đô thị thông minh có tổng mức đầu tư từ 200 tỷ đồng trở lên.
Thứ hai, Nghị định quy định chặt chẽ trách nhiệm đăng tải thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong đầu tư theo phương thức PPP, cụ thể như sau:
  •  Cơ quan có thẩm quyền đăng tải thông tin về quyết định chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt dự án PPP và công bố thông tin dự án PPP theo quy định tại Điều 25 của Luật PPP, thông tin khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư quy định tại Điều 25 của Nghị định 35/2021/NĐ-CP;
  •  Bên mời thầu đăng tải thông tin về lựa chọn nhà đầu tư bao gồm: thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời thầu, danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà đầu tư và các thông tin liên quan đến việc thay đổi thời điểm đóng thầu (nếu có); 
  •  Cơ quan ký kết hợp đồng đăng tải các thông tin về: Nhà đầu tư được lựa chọn, doanh nghiệp dự án PPP; Nội dung chính của hợp đồng dự án PPP bao gồm: tổng mức đầu tư; cơ cấu nguồn vốn trong dự án; loại hợp đồng; thời hạn thực hiện dự án; giá, phí sản phẩm, dịch vụ công; hình thức và địa điểm thu giá, phí (nếu có) và các thông tin cần thiết khác; và Giá trị quyết toán vốn đầu tư công trong dự án PPP trong trường hợp có sử dụng vốn đầu tư công;
  •  Đối với thông tin văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP quy định tại điểm e khoản 1 Điều 9 của Luật PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đăng tải văn bản do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành; Sở Kế hoạch và Đầu tư đăng tải văn bản do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành;
  •  Nhà đầu tư đăng tải và cập nhật thông tin về năng lực, kinh nghiệm của mình vào cơ sở dữ liệu nhà đầu tư theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 9 của Luật PPP;
  •  Cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo cung cấp thông tin về quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 9 của Luật PPP cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đăng tải. Nội dung đăng tải tuân thủ quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo;
  •  Cơ quan giải quyết kiến nghị, xử lý vi phạm đăng tải kết quả giải quyết kiến nghị trong lựa chọn nhà đầu tư, quyết định xử lý vi phạm về đầu tư theo phương thức PPP theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 9 của Luật PPP.
Thứ ba, Nghị định 35/2021/NĐ-CP hướng dẫn quy định chuyển tiếp Luật PPP đối với các dự án PPP đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước ngày Luật PPP 2020 có hiệu lực, một số quy định nổi bật như sau:
(i) Đối với Dự án PPP đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư (bằng văn bản riêng hoặc trong quyết định phê duyệt quy hoạch, kế hoạch), phê duyệt đề xuất dự án, chấp thuận sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành trước ngày Nghị định số 63/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (ngày 19/6/2018), đủ điều kiện chuyển tiếp theo quy định tại Điều 101 của Luật PPP mà sau ngày 01/01/2021 cần thay đổi mục tiêu, địa điểm, quy mô, loại hợp đồng dự án, tăng tổng mức đầu tư từ 10% trở lên hoặc tăng giá trị vốn nhà nước trong dự án PPP trong trường hợp: dự án bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng; quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi và khi điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi (quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 18 của Luật PPP) thì thực hiện việc điều chỉnh như sau:
  •  Cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt đề xuất dự án là cấp quyết định việc điều chỉnh. Trường hợp dự án sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước thì phải có ý kiến của cấp có thẩm quyền chấp thuận sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước trước khi quyết định việc điều chỉnh;
  •  Trình tự điều chỉnh, hồ sơ điều chỉnh thực hiện như trình tự quyết định chủ trương đầu tư quy định tại Điều 13 Luật PPP bao gồm các hồ sơ: Tờ trình đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư; Nội dung điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; Báo cáo thẩm định, báo cáo thẩm tra nội dung điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; và Tài liệu pháp lý khác có liên quan của Dự án (quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 18 của Luật PPP và Nghị định này). Riêng dự án đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đề xuất dự án, trình tự điều chỉnh đề xuất dự án thực hiện trên cơ sở các bước tương ứng quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 4 Điều 13 của Luật PPP và Nghị định này, làm cơ sở để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc điều chỉnh.
(ii) Dự án PPP đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Nghị định số 63/2018/NĐ-CP, đủ điều kiện chuyển tiếp theo quy định tại Điều 101 của Luật PPP mà sau ngày 01/01/2021 thuộc diện điều chỉnh chủ trương đầu tư thì thực hiện theo quy định tại Điều 18 của Luật PPP và Nghị định này, trừ các trường hợp sau đây:
  •  Dự án đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư mà cần điều chỉnh thì thực hiện trên cơ sở các bước lần lượt như sau làm cơ sở để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc điều chỉnh: 
(01) Đơn vị chuẩn bị dự án PPP lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; 
(02) Hội đồng thẩm định cấp cơ sở hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; 
(03) Cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công tại địa phương chủ trì thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công trong trường hợp dự án PPP sử dụng vốn đầu tư công, gửi Hội đồng thẩm định cấp cơ sở hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định; 
(04) Hội đồng thẩm định cấp cơ sở hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định hoàn thành và gửi báo cáo thẩm định đến đơn vị chuẩn bị dự án PPP
  •  Dự án đã trình thẩm định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư trước ngày 01/01/2021 thì không phải thành lập Hội đồng thẩm định dự án PPP theo quy định của Luật PPP và Nghị định này. 
(iii) Ngoài ra, đối với dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được tiếp tục thực hiện theo nội dung quy định tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trường hợp cần điều chỉnh dự án, các bên thực hiện điều chỉnh hợp đồng dự án phù hợp với quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trường hợp hợp đồng dự án sau khi sửa đổi có nội dung khác biệt với giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp thì các bên thực hiện theo hợp đồng sửa đổi và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các sửa đổi đó.

Lưu ý: Dự án PPP triển khai kể từ ngày 01/01/2021 đến ngày Nghị định 35/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành nếu phù hợp với quy định của Luật PPP và pháp luật có liên quan thì không phải thực hiện lại các thủ tục tương ứng theo quy định của Nghị định này.
Bên cạnh đó, Nghị định 35/2021/NĐ-CP cũng xây dựng một số mẫu lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án; hướng dẫn nội dung về khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, hướng dẫn lập mẫu hợp đồng mẫu đối với các dự án PPP để cơ quan quản lý nhà nước cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có cơ sở áp dụng.

Nghị định 35/2021/NĐ-CP được ban hành nhằm hướng dẫn áp dụng và hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư theo hình thức PPP sau khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH4 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, tiệm cận dần với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam nhằm tạo môi trường thuận lợi, hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư thực sự có năng lực, kinh nghiệm, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án tại Việt Nam, được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động quản lý đầu tư PPP trong thời gian tới và là khung pháp lý tối ưu để cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư có căn cứ áp dụng và thực hiện.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 29/3/2021, riêng Điều 90 của Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2019 và bãi bỏ Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Công ty Luật TNHH Vietthink./.

Cập nhật: 20/09/2021
Lượt xem:8374