Tin Liên Quan

Vietthink's Brochure 2017

IP Brochure

Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Doanh nghiệp được trừ các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp

Trước ảnh hưởng nghiêm trọng từ Covid-19, hưởng ứng lời kêu gọi cả nước chung tay, góp sức, đồng lòng tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào tháng 03/2020, cả nước đã phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, chung tay cùng Nhà nước phòng, chống dịch Covid-19, các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã ra sức ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật (thuốc men, trang thiết bị y tế, lương thực - thực phẩm,...) để hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong xã hội chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh. Theo thống kê của Bộ Tài chính, tổng giá trị các khoản ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 ở 60 địa phương tính đến hết tháng 01/2021 đã lên đến gần 900 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trên cả nước còn diễn ra rất nhiều hoạt động thiện nguyện tự phát khác nhằm ủng hộ, tài trợ kinh phí phòng chống dịch, giúp đỡ người gặp khó khăn trước đại dịch. 


Nguồn: Internet

Theo Điều 9 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, sửa đổi bổ sung năm 2013, các khoản tài trợ cho y tế của doanh nghiệp là khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế áp dụng có một số khoản chi phát sinh chưa có căn cứ để tính và chi phí được trừ theo quy định nêu trên. Nên để thể hiện sự ghi nhận, động viên, khuyến khích của Nhà nước đối với tinh thần chung tay của doanh nghiệp, tổ chức cho hoạt động chống dịch Covid-19 thời gian qua; đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quy định pháp luật về thuế một cách thuận tiện, thống nhất; góp phần giải quyết khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh cộng đồng chịu ảnh hưởng chung của dịch Covid-19, ngày 31/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/2021/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 (“Nghị định 44/2021/NĐ-CP”)

Theo đó, doanh nghiệp có các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam khi thực hiện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì được tính các khoản chi phí nêu trên vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho hoạt động phòng, chóng dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Thứ hai, khoản chi ủng hộ, tài trợ được thực hiện thông quá các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ sau đây: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; cơ sở y tế; đơn vị lực lượng vũ trang; đơn vị, tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ làm cơ sở cách ly tập trung; cơ sở giáo dục; cơ quan báo chí; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức đảng, đoàn thanh niên, công đoàn các cấp ở trung ương và địa phương; cơ quan, đơn vị chính quyền địa phương các cấp có chức năng huy động tài trợ; Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 các cấp; Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia; quỹ từ thiện, nhân đạo và tổ chức có chức năng huy động tài trợ được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, có đầy đủ hồ sơ xác định khoản chi ủng hộ, tài trợ bao gồm: Biên bản xác nhận ủng hộ, tài trợ theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định này hoặc văn bản, tài liệu (hình thức giấy hoặc điện từ) xác nhận khoản chi ủng hộ, tài trợ có chữ ký, đóng dấu của người đại diện doanh nghiệp là bên ủng hộ, tài trợ và đại diện của đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ; kèm theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật của khoản ủng hộ, tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật.

Nghị định 44/2021/NĐ-CP được ban hành không chỉ thể hiện sự động viên, khuyến khích của Nhà nước đối với tổ chức, doanh nghiệp cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua cũng như thời gian tới, góp phần tăng cường lan tỏa tình đoàn kết, yêu thương trong xã hội mà còn như một hành lang pháp lý để doanh nghiệp không lợi dụng việc pháp luật thuế chưa có quy định cụ thể nên khai tăng, khai khống các khoản chi tài trợ cho y tế nhằm giảm thu nhập chịu thuế, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Nghị định 44/2021/NĐ-CP có hiệu lực ngày 31/3/2021. 
Công ty Luật TNHH Vietthink./.

Cập nhật: 14/05/2021
Lượt xem:7995