Tin Liên Quan

Vietthink's Brochure 2017

IP Brochure

Quay lại Bản in
Cỡ chữ

07 án lệ mới được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao công bố áp dụng kể từ ngày 27/3/2023 thông qua Quyết định 39/QĐ-CA ngày 24/02/2023

Pháp luật Việt Nam quy định Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong quá trình xét xử. Mới đây, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quyết định số 39/QĐ-CA ngày 24 tháng 02 năm 2023 về việc công bố công bố 07 án lệ bao gồm các vụ án, vụ việc hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính có nội dung chính như sau:  

Nguồn ảnh: Vietthink

1. Án lệ số 57/2023/AL

Án lệ số 57 nêu về hành vi gian dối nhằm tiếp cận tài sản trong tội “Cướp giật tài sản” được khai thác từ Bản án hình sự phúc thẩm số 590/2020/HS-PT ngày 18/12/2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về vụ án “Cướp giật tài sản” đối với bị cáo Nguyễn Thành Quốc B. 

Tình huống án lệ: Bị cáo dùng thủ đoạn gian dối để người quản lý tài sản chuyển giao tài sản cho bị cáo, sau đó lợi dụng sơ hở để nhanh chóng tẩu thoát.

Nội dung vụ án: Trong khoảng thời gian 02 tháng, bị cáo B có hành vi 05 lần sử dụng sim “rác” tạo tài khoản trên các ứng dụng bán hàng trực tuyến, đặt mua các sản phẩm điện thoại có giá trị cao nhằm chiếm đoạt tài sản. Để tiếp cận được tài sản, bị cáo có hành vi chuẩn bị các xấp tiền có tiền có mệnh giá từ 50.000 đồng đến 500.000 đồng nhưng mỗi xấp chỉ có 02 tờ tiền thật ở mặt trên và mặt dưới, ở giữa là tiền âm phủ và dùng dây thun cột lại để khi nhận hàng, bị cáo lấy những xấp tiền đã chuẩn bị để đưa cho những bị hại (người vận chuyển các đơn hàng này), lợi dụng sơ hở khi những người vận chuyển tháo dây thun kiểm, đếm tiền thì bị cáo B tăng ga, điều khiển xe tẩu thoát cùng tài sản. 

Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh tuyên bị cáo B phạm tội “Cướp giật tài sản” theo quy định tại Điều 171 Bộ luật Hình sự. 

Không đồng ý với tội danh của Tòa án cấp sơ thẩm, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có Quyết định kháng nghị Bản án sơ thẩm, bởi đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho rằng giữa bị cáo B và các bị hại đã tiến hành giao tiền, nhận tài sản sau khi bị cáo dùng thủ đoạn gian dối để các bị hại tin tưởng là tiền thật nên đã giao hàng cho bị cáo, do đó đại diện Viện kiểm sát nhân dân đề nghị xử phạt bị cáo B về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự. 

Vậy trong trường hợp bị cáo dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản này phải được xác định xử phạt theo tội danh nào là đúng?

Sau khi xem xét Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát và các tình tiết trong vụ án, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có nhận định trong Bản án hình sự phúc thẩm về nội dung này như sau: 

Bị cáo có thủ đoạn gian dối là để các bị hại thấy bị cáo có tiền, nhằm tạo niềm tin để tiếp cận tài sản. Thời điểm bị cáo thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, các bên đang thực hiện hành vi giao hàng - nhận tiền, việc chuyển giao tài sản giữa các bị hại và bị cáo chưa hoàn thành, bị cáo chưa ký nhận vào chứng từ giao hàng, tài sản vẫn trong tầm quản lý của các bị hại thì bị cáo đã tăng ga, điều khiển xe tẩu thoát cùng tài sản. Do đó, hành vi của bị cáo đã phạm vào tội “Cướp giật tài sản” theo quy định tại Điều 171 Bộ luật Hình sự như Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận Tân Phú đã tuyên là có căn cứ, đúng pháp luật.

Như vậy, không phải là hành vi gian dối nào để chiếm đoạt tài sản cũng là phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, mà còn phải phụ thuộc vào hành vi, ý chí chủ quan khi thực hiện hành vi phạm tội để xác định được chính xác tội danh.  

2. Án lệ số 58/2023/AL

Án lệ số 58 hướng dẫn về tình tiết định khung hình phạt tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” tại điểm c khoản 3 Điều 244 của Bộ luật Hình sự. Án lệ này được khai thác từ Bản án hình sự sơ thẩm số 179/2018/HSST ngày 14/9/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Tình huống án lệ: Bị cáo có hành vi vận chuyển 05 cá thể hổ và 01 bộ phận không thể tách rời sự sống của cá thể hổ thứ 06.

Nội dung vụ án: Anh Hoàng Đình Q được thuê vận chuyển một số hàng hóa động vật trong đó có hổ, khỉ, vẩy tê tê, mật bò, răng thú,.. từ thành phố V ra thành phố M tiền công 2.000.000 đồng. Đến thành phố L bị công an kiểm tra và thu giữ 01 thùng các tông chứ 05 con hổ con đông lạnh đã chết và 01 bộ phận sinh dục hổ đực và các thùng xốp, hộp nhỏ, túi ni lông chứa vẩy tê tê, túi mật, răng động vật,…

Trường hợp này, anh Q đã phạm tội “vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tuy nhiên, để xác định được khung hình phạt chính xác còn phải dựa vào khối lượng và số lượng động vật bị thu giữ theo quy định của pháp luật. Nếu 01 bộ phận sinh dục của hổ đực nêu trên là của một trong 5 con hổ đông lạnh đã chết thì anh Q có thể sẽ bị Tòa án tuyên mức án trong khung hình phạt tại khoản 2 Điều 244 Bộ luật Hình sự (bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm). Tuy nhiên, Bản án sơ thẩm căn cứ theo các Kết luận giám định xác định 01 bộ phận sinh dục của con hổ đực bị thu giữ thuộc 01 cá thể hổ khác, như vậy 01 bộ phận sinh dục này được coi là bộ phận không thể tách rời của con hổ thứ 6. Do đó, Bản án sơ thẩm xác định anh có hành vi vận chuyển 05 con hổ và 01 bộ phận không thể tách rời sự sống của 01 con hổ thứ 06. Điểm c khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự quy định: “3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: a) ….; c) Từ 03 cá thể voi, tê giác trở lên hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của 03 cá thể voi, tê giác trở lên; 06 cá thể gấu, hổ trở lên hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của 06 cá thể gấu, hổ trở lên”. Như vậy, anh Q đã vi phạm vào quy định tại điểm c khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự nên phải chịu mức hình phạt trong khung hình phạt từ 10 năm đến 15 năm. 

Án lệ số 58 này được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn nhằm giúp các cơ quan tiến hành tố tụng xác định chính xác hơn về mức định khung trong khung hình phạt của tội danh “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự cho những vụ án tương tự khác trong tương lai. 

3. Án lệ số 59/2023/AL 

Án lệ số 59 nêu về lỗi cố ý gián tiếp trong vụ án “Giết người” được khai thác từ Bản án phúc thẩm số 50/2020/HS-PT ngày 10/12/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái về vụ án “Giết người” đối với các bị cáo Triệu Văn M, Đặng Văn T.

Tình huống án lệ: Bị cáo dùng hung khí nguy hiểm tấn công bị hại. Bị hại điều khiển xe mô tô bỏ chạy, bị cáo tiếp tục truy đuổi làm bị hại lo sợ phải tăng tốc bỏ chạy. Khi bị hại bị tai nạn thì bị cáo mới dừng việc truy đuổi. Bị hại tử vong trên đường đi cấp cứu.

Nội dung vụ án: Do có mâu thuẫn từ trước, Triệu Văn M rủ Đặng Văn T đánh anh Nguyễn Ngọc V. Vào khoảng 20 giờ ngày 20/12/2018, sau khi M và T gặp anh V tại đám cưới, khi anh V chở chị L về, M và T đuổi theo và chặn đường anh V với chị L, đối tượng M và T dùng tay chân, đấm đá, rồi dùng gậy kim loại tấn công anh V nhiều nhát vào mặt, bắp tay, ngực, sườn, lưng. Khi anh V điều khiển xe máy bỏ chạy cùng L thì T với M sử dụng mô tô tiếp tục truy đuổi với vận tốc trên 50km/giờ. T cầm theo gậy sắt, còn M hô to yêu cầu V và L đứng lại. Anh V thấy vậy phải tăng tốc bỏ chạy, do bị đuổi đánh và đoạn đường dốc với tốc độ cao, khi đến ngã ba V bị lao xe qua đường lên bãi đất trống thì bị ngã xe. Khi V bị tai nạn thì T và M mới dừng việc truy đuổi. Anh V tử vong trên đường đi cấp cứu.

Tòa án cấp sơ thẩm tuyên Bị cáo T và bị cáo M phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự. Không đồng ý với Bản án sơ thẩm, đại diện hợp pháp của bị hại đã kháng cáo vì không đồng ý với tội danh mà Bản án sơ thẩm tuyên. 
Sau khi xem xét các tình tiết trong vụ án, Bản án hình sự phúc thẩm nhận định: Hành vi của bị cáo T và M sử dụng gậy kim loại, hung khí nguy hiểm đánh nhiều nhát vào vùng đầu, mặt, thân thể V. Anh V trong tình trạng bị đánh đau, lại bị các bị cáo truy đuổi, uy hiếp, đe dọa, buộc anh V lo sợ tiếp tục bị đánh nên đã điều khiển xe mô tô bỏ chạy với vận tốc nhanh, trên đường bê tông liên thôn có nhiều khúc cua liên tiếp, có độ dốc lớn trong điều kiện trời tối, có khả năng gây tai nạn nguy hiểm dẫn đến chết người. Các bị cáo buộc phải nhận thức được điều đó, nhưng vẫn tiếp tục đuổi theo anh V, cho đến khi thấy anh V bị ngã xe mới dừng lại. Với hành vi nguy hiểm nêu trên, có đủ cơ sở để xác định hành vi phạm tội của các bị cáo là rất quyết liệt, chứng tỏ về mặt chủ quan các bị cáo không mong muốn hậu quả chết người xảy ra, nhưng có ý thức chấp nhận để hậu quả chết người xảy ra và thực tế là anh V đã chết. Do đó, có đủ căn cứ các bị cáo T và M đã phạm tội “Giết người” với lỗi cố ý gián tiếp. 

Như vậy, mặc dù về mặt chủ quan người phạm tội không mong muốn hậu quả chết người xảy ra, nhưng có ý thức chấp nhận để hậu quả chết người xảy ra và trên thực tế hậu quả chết người xảy ra thì người đó đã  phạm tội “Giết người” với lỗi cố ý gián tiếp quy định Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). 

4. Án lệ số 60/2023/AL

Án lệ số 60 hướng dẫn về cách tính thời hạn trả thưởng xổ số kiến thiết được khai thác từ Quyết định giám đốc thẩm số 239/2022/DS-GĐT ngày 05/9/2022 của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh về vụ án “Tranh chấp trả thưởng tiền xổ số kiến thiết” giữa nguyên đơn là ông Thái Hữu T với bị đơn là Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết A. 

Tình huống án lệ: Thể lệ tham gia dự thưởng của công ty xổ số kiến thiết xác định thời hạn trả thưởng đối với vé số trúng thưởng được tính theo ngày.

Nội dung vụ án: Ngày 29/10/2020, ông Thái Hữu T có mua tờ vé số trúng thưởng 2.000.000.000 đồng, do công ty sổ xố kiến thiết A phát hành, ngày mở thưởng 29/10/2020. Do bận công việc nên quay số không theo dõi và sau khi quay số không dò số. Đến 22 giờ ngày 28/11/2020, ông T dò số phát hiện mình trúng thưởng gọi điện đến công ty không ai trả lời. Ngày 29/11/2020, Ông T lên trực tiếp Công ty A và được nhân viên phòng trả thưởng hướng dẫn làm các thủ tục xác nhận lý do trễ hạn, nhưng sau khi ông T làm xong thủ tục thì công ty A lại xác nhận ngày cuối cùng của thời hạn lĩnh thưởng là ngày 27/11/2020 nên ông T không được nhận thưởng nữa. Ông T khởi kiện Công ty A ra TAND thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang để yêu cầu trả tiền thưởng sổ xố kiến thiết. Tại Bản án sơ thẩm của TAND thành phố Long Xuyên quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Thái Hữu T đối với công ty xổ số kiến thiết A với lý do là đã hết thời hạn trả thưởng. Ông T kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm. Tại Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh An Giang có nhận định chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông T, buộc Công ty A có trách nhiệm trả thưởng cho ông T giải đặc biệt 2.000.000.000 đồng.

Không đồng ý với quyết định của Bản án phúc thẩm, Công ty A có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và được VKSND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh quyết định kháng nghị Bản án phúc thẩm. 

Sau khi xem xét Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm của Viện kiểm sát và hồ sơ vụ án, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh có nhận định sau: căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Thông tư 75/2013/TT-BTC và mặt sau của tờ vé số có ghi nhận “Quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày xác định kết quả trúng thưởng, những vé trúng thưởng không người lãnh sẽ sung công quỹ”, xác định các bên chấp nhận quy định chung về thời hạn tính ngày trả thường là “ngày”. Theo quy định tại khoản 2 Điều 147 BLDS 2015 thì “Khi thời hạn được tính bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày xác định”. Do đó, ngày 29/10/2020 Công ty A quay thưởng, thì ngày mở thưởng phải là ngày 30/10.2020. Do 22 giờ ngày 28/11/2020, ông T có gọi điện cho Công ty A nhưng không ai nghe máy, đến ngày 29/11/2020 ông T đến trực tiếp công ty A lại rơi vào ngày nghỉ cuối tuần. Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 48 BLDS 2015 thì thời hạn cuối cùng của thời hạn trả thường phải là thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó. Do đó, ông T vẫn còn trong hạn nhận thưởng.  

Như vậy, đối với những vụ án tương tự về tranh chấp trả tiền thưởng, thì Tòa án phải xác định thời hạn mở thưởng được quy định tại Điều 147 BLDS 2015, còn kết thúc thời hạn thưởng phải tuân theo quy định tại Điều 148 BLDS 2015. 

Ngoài 04 án lệ nêu trên, Hội đồng thẩm phần Tòa án nhân dân tối cao cũng thông qua 03 án lệ liên quan đến các vấn đề yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi khi con nuôi chưa thành niên; về xác định nghĩa vụ cấp dưỡng của cha đẻ cho con chưa thành niên; hay về khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính có liên quan đến quyết định hành chính nhưng quyết định hành chính đã hết thời hiệu khởi kiện. Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng quý độc giả, người đọc tìm hiểu những vấn đề này ở các bài viết sau. 

Nhìn chung, Tại Việt Nam, việc áp dụng các án lệ trong quá trình xét xử ngày càng phổ biến, chính vì thế, cần tiếp tục lựa chọn để ban hành nhiều án lệ hơn nữa, để giúp quá trình xét xử của Tòa án các cấp giải quyết các vụ án được dễ dàng hơn, góp phần tích cực trong việc đảm bảo xét xử các vụ án có tính chất tương tự nhau, hạn chế được việc kháng cáo, khiếu nại khi áp dụng pháp luật trên nhiều lĩnh vực xét xử.

07 án lệ mới này được áp dụng từ ngày 27 tháng 3 năm 2023. 

Vietthink News.
Cập nhật: 14/03/2023
Lượt xem:1902